Trẻ béo phì dễ mắc gan nhiễm mỡ (ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên ngày 2/12, TS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai chia sẻ về ca bệnh trẻ 11 tuổi đã mắc gan nhiễm mỡ.
Theo bác sĩ, con trai chị Nguyễn Mai Anh mới 11 tuổi (Hà Nội) đi kiểm tra sức khỏe phát hiện mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Bé cân nặng đến 56kg, sau siêu âm, bác sỹ phát hiện bé bị gan nhiễm mỡ ở mức độ 3 –mức độ gan nhiễm mỡ cao nhất và ở giai đoạn nguy hiểm nhất trong ba giai đoạn nhiễm mỡ của gan.
Qua trường hợp này, TS Khanh cho biết, khoảng 15-20% dân số Việt Nam mắc các bệnh về gan, trong đó có tới 10%-25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và tử vong. Nhiều trẻ em mới 15-16 tuổi đã mắc bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì, thừa cân. Người gầy nhưng năng lượng dư thừa thì vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ.
“70% bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ là do bệnh béo phì. Nếu bị béo phì thì nên nghĩ tới nguy cơ gan nhiễm mỡ. Trẻ béo phì cha mẹ cần quan tâm cho trẻ đi kiểm tra, xét nghiệm gan nhằm phát hiện tình trạng gan nhiễm mỡ để theo dõi điều trị sớm”, TS Khanh nói.
Gan nhiễm mỡ không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi nếu không điều trị nguyên nhân gây ra như béo phì, tăng mỡ máu...
Cùng quan điểm, PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, chuyên gia về gan mật, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, nhiều người vẫn nghĩ gan nhiễm mỡ chỉ mắc ở người lớn song thực tế không ít trẻ nhỏ cũng mắc bệnh này. “Gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khi bị nặng mỡ có thể chiếm tới 40% – 50% trọng lượng gan ướt, làm cho công năng gan bị tổn hại nghiêm trọng. Đây không phải bệnh ác tính nhưng để lâu có nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan”, bác sĩ Ngọc cảnh báo.
PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc cho biết, trẻ bị bệnh gan nhiễm mỡ rất nguy hiểm do tuổi còn nhỏ chưa ý thức được chế độ sinh hoạt. Chính vì thế, cha mẹ nên thường xuyên quan tâm đến sức khỏe, cho trẻ đi khám định kì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một cách giúp trẻ khống chế được sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ.
Nếu bị thừa cân, béo phì nên áp dụng chế độ ăn hợp lý, không chỉ giảm ăn nhiều chất béo, mà cần giảm ăn các loại thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt vì chất bột đường nếu dư thừa cũng sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ ở bụng và trong nội tạng như gan, tim... Cùng với đó cần tăng cường hoạt động thể lực với mọi hình thức khác nhau ...
Dấu hiệu trẻ bị gan nhiễm mỡ Trẻ nhỏ bị gan nhiễm mỡ thường không rõ rệt. Ở mức độ nhẹ, trẻ dường như không cảm nhận được sự thay đổi gì đang diễn ra trong cơ thể mình. Ở mức độ nặng, trẻ thường xuyên bị đau sườn phải, đau bụng quằn quại, gan có dấu hiệu bị phù, chức năng gan có thể vẫn bình thường nhưng một thời gian dài sau gan sẽ bị cứng lại gây đau đớn. Ngoài ra, người bệnh có một số triệu chứng như: Mệt mỏi, ăn không ngon, đau bụng hoặc sưng bụng, buồn nôn hoặc ói mửa, giảm hoặc khó tăng cân… |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn