Dù ông Võ Kim Cự xin thôi ĐBQH, việc xem xét cũng không đơn giản
Liên quan đến việc ông Võ Kim Cự có đơn xin thôi ĐBQH , trao đổi với Báo Giao thông chiều 25/4, TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội quy định ĐBQH có quyền xin thôi làm nhiệm vụ.
Cụ thể, Điều 38 Luật tổ chức Quốc hội quy định: "ĐBQH có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận ĐBQH xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Cho rằng nếu một ĐBQH tự nguyện viết đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu thì việc giải quyết sẽ khác với trường hợp do Quốc hội đưa ra xem xét, bãi nhiệm tư cách ĐBQH, song ông Quyền cũng khẳng định, việc xin thôi làm ĐBQH sẽ phải qua từng bước giải quyết theo quy định chung.
Trước hết, người muốn thôi làm ĐBQH gửi đơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thẩm tra của Ban Công tác đại biểu, sau đó sẽ được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Thường vụ Quốc hội sau đó sẽ trình việc này ra Quốc hội để Quốc hội xem xét và quyết định.
Kể từ ngày Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu, người làm đơn sẽ được thôi làm nhiệm vụ ĐBQH.
Phân tích thêm về trường hợp của ông Võ Kim Cự, TS Nguyễn Đình Quyền cho rằng, ông Cự vừa bị Ban Bí thư kỷ luật vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Vì vậy, nếu liên quan đến kỷ luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội không thể cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH một cách đơn giản.
Nhấn mạnh mỗi ĐBQH đều do hàng trăm nghìn cử tri bầu ra, ông Quyền cho rằng, khi một người muốn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH phải có lý do chính đáng.
"Anh được hàng trăm nghìn cử tri bầu ra, anh có quyền nhưng cũng phải gắn với trách nhiệm của người đại biểu, không thể thích thì ở, không thích thì xin thôi", ông Quyền nói và nhấn mạnh thêm, muốn thôi làm nhiệm vụ ĐBQH phải có những lý do rất chính đáng thì mới được xem xét chấp thuận.
Còn trong trường hợp cơ quan chức năng thấy một người có vi phạm thì không thể cho người này thôi nhiệm vụ, sẽ buộc họ tiếp tục làm ĐBQH cho đến khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH của người đó.
Trước đó, Ban Bí thư đã họp và kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý có liên quan đến sự cố về môi trường Formosa tại 4 tỉnh miền Trung.
Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh giai đoạn 2008 - 2016 và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010.
Ông Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án.
Xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ban Bí thư thống nhất 100% bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).
Ông Võ Kim Cự được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH với tư cách là đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ông ứng cử ở Hà Tĩnh. Tại kỳ bầu cử ĐBQH, ông Cự trúng cử với tỷ lệ 75% và trở thành ĐBQH khóa XIV, thuộc đoàn tỉnh Hà Tĩnh. |
Rời Hà Tĩnh ra Trung ương công tác, ông Võ Kim Cự để lại phía sau nhiều dự án với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn