Các chuyên gia khuyến cáo, bảo vệ và giữ gìn sức khỏe thật tốt để có chuyến du lịch an toàn và vui vẻ. Ảnh minh họa
Chuẩn bị sẵn sàng trước khi xuất phát
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trước mỗi chuyến du lịch, khâu chuẩn bị đầy đủ cả về tinh thần và vật chất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây được coi là bước đệm để có một chuyến vui chơi an toàn và ý nghĩa.
Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong quá trình lên kế hoạch cho chuyến đi, việc đầu tiên cần quan tâm là chọn điểm đến phù hợp với tình trạng sức khỏe của các thành viên tham gia. Chẳng hạn, nếu trong đoàn có người cao tuổi, không nên chọn những nơi phải leo trèo hoặc không đảm bảo an toàn về độ cao.
Bên cạnh đó, khi có trẻ nhỏ tham gia cùng, cũng cần lưu ý chọn những điểm du lịch gần nhà, đi lại thuận tiện, chơi trong ngày hoặc một buổi để đảm bảo cho sức khỏe của bé. Các điểm đến nên có không khí trong lành, không quá đông người tham dự để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy và làm trẻ bị thương.
Thứ hai, sau khi đã quyết định nơi đến, nên theo dõi dự báo thời tiết nơi đó trong vòng một tuần để chuẩn bị trang phục cho phù hợp. Nhớ mang giày đế thấp hoặc giày thể thao để tiện cho việc di chuyển, đồng thời, luôn chuẩn bị sẵn khẩu trang để sử dụng ở những nơi đông người, tránh lây các bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, việc chuẩn bị đồ ăn nhẹ dự phòng trong suốt chuyến đi cũng là một khâu không thể thiếu. Các loại đồ ăn có thể mang theo bao gồm: Một vài loại trái cây tươi như chuối, cam, táo; ngũ cốc; bánh mì; xúc xích… và một ít nước lọc đóng chai. Tuy nhiên, cũng nên chuẩn bị lượng đồ ăn vừa phải vì trong tiết trời mùa hè nắng nóng, thực phẩm thường không bảo quản được lâu nhất là các loại trái cây tươi.
Trong trường hợp đi du lịch dài ngày ở rừng núi, thưa dân cư, có thể chuẩn bị nhiều thực phẩm dự trữ hơn để tránh thiếu hụt nguồn thực phẩm hoặc có sự thay đổi đột ngột về thói quen ăn uống. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này phải được bảo quản cẩn thận trong hộp đựng hợp vệ sinh và nhiệt độ thích hợp.
Ngoài ra, TS Lâm cũng lưu ý, trong khi chuẩn bị hành lý, không thể bỏ qua một số loại thuốc thiết yếu như: Thuốc giảm đau, thuốc đi ngoài, thuốc/miếng dán chống say tàu xe hoặc có thể mang theo bông băng y tế, dầu gió, thuốc chống côn trùng hoặc oresol để bù nước kịp thời trong trường hợp bị tiêu chảy do không hợp thức ăn ở nơi đến. Ngoài ra, với những người đang sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, nên mang theo thuốc để sử dụng đều đặn, tránh bệnh tái phát. Một việc đơn giản cuối cùng, trước ngày khởi hành, cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để có tinh thần và sức khỏe tốt nhất cho chuyến đi.
Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong quá trình đi du lịch, nguyên tắc quan trọng trong việc giữ sức khỏe vẫn là đảm bảo đủ các bữa ăn trong ngày, ít nhất là 3 bữa chính. Ngoài ra, với những ai tham gia các hoạt động cần vận động nhiều như bơi lội, tắm biển hoặc leo núi, đi bộ đường dài thì cần có thêm những bữa ăn phụ. Nếu không đảm bảo đủ các bữa trên, cơ thể rất dễ gặp tình trạng hạ đường huyết khiến người mệt mỏi, thiếu sức sống nhất là đối với những người có tiền sử đái tháo đường, tiền đái tháo đường.
Khi ở các điểm du lịch, có thể linh động chọn các món ăn phù hợp. Ví dụ, khi đi biển, nên chọn đồ ăn hải sản như cá, tôm, cua. Khi lên vùng cao, nên thưởng thức các loại đặc sản thịt thú rừng. Tuy nhiên, bên cạnh những món mặn giàu dưỡng chất trên, tuyệt đối không được quên ngũ cốc và rau xanh.
Bên cạnh đó, một điều quan trọng khác là cần chú ý đến sức khỏe của bản thân để lựa chọn đồ ăn cho phù hợp. Chẳng hạn, với những người hay bị dị ứng với các loại hải sản, không nên ăn hải sản để tránh dị ứng tái phát hoặc kể cả những người không bị dị ứng, nếu lạm dụng ăn quá nhiều hải sản rất dễ gây hại, dẫn đến bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến chuyến du lịch.
Mặt khác, TS Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý, ngộ độc thực phẩm là tình trạng cũng hay xảy ra trong quá trình đi du lịch do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Do đó, cần thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”; không mua các thực phẩm bày bán tràn lan bên lề đường, nơi có đông người qua lại hoặc các loại thức ăn không được che đậy cẩn thận, có nhiều ruồi nhặng bâu xung quanh. Tốt nhất, nên tìm những nhà hàng, quán ăn có uy tín, sạch sẽ, chất lượng thực phẩm đảm bảo để tránh ăn phải thực phẩm bẩn gây hại sức khỏe.
Để có sức khỏe đảm bảo trong suốt quá trình đi du lịch, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, bên cạnh các hoạt động vui chơi, tham quan và khám phá các điểm du lịch, cũng cần sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi cho hợp lý. Tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, tức là những ngày đầu còn sung sức, vui chơi thả ga khiến sức khỏe suy giảm, gây cảm giác mệt mỏi cho những ngày sau đó. Do vậy, cần biết tiết chế, điều chỉnh mức độ cân bằng trong những ngày ở điểm du lịch. Bên cạnh đó, nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe, để chuyến du lịch an toàn và vui vẻ hơn. |
Nên đi du lịch ở đâu trong mùa hè? Có rất nhiều lựa chọn điểm đến cho chuyến du lịch mùa hè. Điều này còn tùy thuộc vào sở thích và điều kiện của từng người. Với những ai thích khám phá thiên nhiên hoặc ưa mạo hiểm, có thể lên kế hoạch đi du lịch ở các vườn quốc gia, khu sinh thái hay thậm chí một điểm du lịch ở vùng núi cao. Ngược lại, với những người yêu biển, thích bơi lội, các bãi biển đẹp luôn là ưu tiên hàng đầu cho chuyến du lịch. Hoặc cũng có nhiều người chọn cho mình một khu nghỉ dưỡng không quá ồn ào, nhộn nhịp để nghỉ ngơi, thư thái sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi người sẽ có những lựa chọn riêng nhưng quan trọng hơn cả, dù đi du lịch ở đâu, việc giữ gìn sức khỏe thật tốt vẫn là điều cần thiết nhất để có chuyến du lịch an toàn và ý nghĩa hơn. |
Top những siêu thực phẩm nên có mặt trong hầu hết các bữa ăn để có một sức khỏe “điểm 10“ đều có giá thành rẻ,...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn