Bệnh ung thư nguy hiểm, tiến triển nhanh nếu bỏ qua giai đoạn vàng
Thải lọc tế bào ung thư
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết, hiện nay theo ghi nhận của bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân ung thư đến bệnh viện khám ngày càng tăng. Tuy chưa có thống kê dịch tễ bệnh trẻ hoá nhưng về mặt thực tế ghi nhận bệnh nhân đang ngày càng trẻ.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nếu như trước đây bệnh ung thư phổi, ung thư gan hay gặp ở độ tuổi trên 50 thì ngày nay nhiều người trẻ tuổi cũng mắc bệnh này.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng cho biết, số bệnh nhân bị ung thư vừa điều trị tại bệnh viện kết hợp các phương pháp không khoa học khác cũng ngày càng tăng khiến việc điều trị trở nên khó khăn, thậm chí có bệnh nhân bỏ qua giai đoạn vàng của bệnh.
Trường hợp của bệnh nhân Vũ Thị Chính trú tại Bình Long, Bình Phước là điển hình, chị Chính bị ung thư tuyến giáp. Sau khi điều trị tây y bằng phẫu thuật, chị Chính được người bạn truyền tai kinh nghiệm trị ung thư tuyến giáp của một bệnh nhân từ bên Mỹ, chỉ uống nước dứa, ăn dứa và ăn các loại hoa quả thanh lọc cơ thể.
Chị Chính cũng về nhà và làm theo. Chị bỏ hẳn bệnh viện. Suốt quãng thời gian đó ngày nào chị cũng ăn dứa, ăn cam, chanh… mà bỏ qua hoá và xạ trị. Đến tháng thứ 3, chị phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng cơ thể suy nhược, bệnh tái phát.
Đây là điều đáng tiếc bởi theo các chuyên gia về ung thư, bởi bệnh ung thư tuyến giáp là bệnh lý có tiên lượng điều trị tốt. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì tỷ lệ thành công rất cao. Đáng tiếc bệnh nhân muốn thanh lọc, thải độc cho cơ thể lại gánh thêm suy nhược cơ thể, bỏ qua cả thời gian vàng cho điều trị bệnh.
Hay như trường hợp của bà Trần Thị Nga trú tại Định Hoá, Thái Nguyên. Bà Nga bị ung thư dạ dày và qua người quen giới thiệu, bà mổ xong ở viện về nhà điều trị bằng cách ăn sinh tố, rau và loại bỏ các loại thịt ra khỏi bữa cơm.
Mỗi ngày thay vì ăn cháo, cơm thì bà ăn sinh tố bơ, hoặc xoài. Dù điều đó rất tốt nhưng với bệnh nhân ung thư dạ dày nó không thích hợp bởi vì ngoài điều trị theo đúng phác đồ bệnh nhân còn phải tuân thủ điều trị bằng biện pháp dinh dưỡng, đó là ăn đủ chất, đảm bảo sức khoẻ nâng cao sức đề kháng để có sức chống lại bệnh tật.
Đừng tiếc bọt nước mà bỏ qua cái phao
Tâm lý có bệnh thì vái tứ phương ăn sâu và tâm trí của mỗi người, tuy nhiên, PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương lại cho rằng, với mỗi bệnh nhân ung thư việc điều trị bằng cách ăn uống, ăn kiêng đều không đúng. Một số chất có thể hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư chứ không thể chữa được bệnh ung thư.
PGS Hiển cho biết, ông gặp nhiều bệnh nhân bị ung thư vì rơi vào cảnh “bơi giữa dòng nước” nên khi họ gặp bọt nước, đó cũng xem là cơ hội và họ cố bám lấy. Họ đã quên rằng mình có thể bỏ quên chiếc phao ở phía xa hơn dẫn đến bỏ qua cơ hội điều trị. Điều này khiến các bác sĩ đều tiếc nuối.
Một bệnh nhân tuyên bố mình khỏi ung thư nhờ uống lá đu đủ, ăn thịt cóc... là rất mơ hồ bởi có thể bệnh nhân đó chỉ là chẩn đoán dương tính giả.
Một kết luận chính xác của bệnh ung thư phải dựa trên xét nghiệm tế bào học, nhuộm mô tế bào học chứ đôi khi qua chụp CT chưa chắc đã chính xác.
Do đó, nếu bất cứ ai cũng áp dụng theo thì điều đó là sai lầm.
Cùng mang tâm sự này, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Bệnh viện K Trung ương cho biết, hiện nay ở khoa Nhi của Bệnh viện K có nhiều trẻ em cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bố mẹ của các em nghe các kinh nghiệm chữa ung thư trên mạng nên về nhà áp dụng dẫn đến các con không chết vì ung thư mà chết do biến chứng của phương pháp đó.
Đặc biệt, có các bé bố mẹ cũng bắt ăn kiêng thải độc khiến cơ thể bệnh nhân suy kiệt nặng hơn.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn