Bác sĩ kiêm nhân viên massage, nhà tâm lý

Thứ ba - 11/10/2016 12:11

Bác sĩ kiêm nhân viên massage, nhà tâm lý

Đã có nhiều bệnh nhân đạt được kỳ tích về sự sống sau một thời gian được kiên trì chăm sóc giảm nhẹ.

Khoa chăm sóc giảm nhẹ tại các bệnh viện (BV) ở Việt Nam mới thành lập vài năm gần đây nhưng đạt được hiệu quả rất lớn. Trong thực tế đã có nhiều bệnh nhân đạt được kỳ tích về sự sống sau một thời gian được kiên trì chăm sóc giảm nhẹ.

Nâng chất lượng sống cho người bệnh

Anh Bùi Lê Thành Vinh, 42 tuổi, ngụ TP.HCM chia sẻ: Nhờ chương trình chăm sóc giảm nhẹ của BV Ung bướu mà đến giờ này anh vẫn còn khỏe mạnh, đi du lịch hằng tuần, vui tươi, lạc quan rất nhiều trong cuộc sống.

Tháng 5-2013, anh Vinh được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, khi cuộc sống với anh đang vô cùng tươi đẹp, viên mãn với vợ con và vừa mừng nhà mới sau nhiều năm cố gắng làm việc. “Lúc biết bệnh, tôi hoang mang cực độ, không còn tin vào bất cứ thứ gì trong cuộc sống, đâm ra chán nản, bỏ bê. Tôi biết thời gian mình còn sống chỉ là sáu tháng và phải chịu đựng những cơn đau liên tục dày vò” - anh Vinh nói.

Những buổi nói chuyện trấn an tinh thần, lời khuyên từ các bác sĩ, điều dưỡng khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu đã giúp anh Vinh cố gắng để sống tốt khi tham gia phác đồ điều trị. “Tinh thần tôi tốt hẳn lên khi được quan tâm, động viên từ mọi người. Tôi bắt đầu làm việc hăng say, đi du lịch thật nhiều với gia đình. Làm tất cả những gì mình thích và kỳ tích đã xuất hiện, tôi vẫn sống và sống khỏe mạnh vượt thời gian hạn định cuộc đời” - anh Vinh kể.

Theo các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu TP.HCM, trường hợp của anh Vinh là trường hợp đặc biệt nhất từ trước đến nay. Khi khoa chăm sóc giảm nhẹ đi vào hoạt động, cuộc sống của bệnh nhân ung thư có nhiều thay đổi. Nhiều bệnh nhân được thực hiện điều trị theo phác đồ sớm, giúp bệnh nhân và người nhà tiếp cận và từng bước lên kế hoạch chăm sóc càng sớm càng tốt.

Một bệnh nhân ung thư đang được trị liệu tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HP

Có mặt tại BV Ung bướu những ngày mẹ đang chiến đấu với ung thư, chị Trịnh Thị Lan Anh (Tuy Hòa, Phú Yên) cũng không hề hay biết về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là gì. Với chị, đau bệnh, ung thư là phải được xạ trị, hóa trị, còn không được là hết cách, bỏ cuộc. Thế nhưng khi vào BV Ung bướu TP.HCM, chị mới ngỡ ngàng với khoa chăm sóc giảm nhẹ: “Mẹ tôi, chồng tôi, tôi và cả gia đình thường xuyên được chăm sóc về mặt tâm lý... Bản thân mẹ cứng nhắc vì sợ tốn tiền chữa bệnh, mẹ thương các con nên ban đầu cứ đòi về. Nhưng nhờ các bác sĩ khoa này tôi thấy mẹ đã nghĩ thông hơn, kiên cường hơn” - chị Lan Anh chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Thanh Thúy từng giành giật sự sống với căn bệnh ung thư vú quái ác cho biết chị phát hiện mình bị ung thư vú đã di căn xương vào năm 2007. Qua ba lần phẫu thuật, xạ trị tại BV K2, được các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, sức khỏe chị dần ổn định, tinh thần thoải mái. “Dù còn một giờ, một ngày, một tháng hay một năm, chúng ta hãy tận dụng quãng thời gian đó để sống có ích. Đừng nản chí và bỏ cuộc” - chị Thúy xúc động nói.

Thầy thuốc kiêm nhà tâm lý

BS Đoàn Lữ, Trưởng khoa Chống đau BV Ung bướu Trung ương Cơ sở 2 (BV K2), cho biết ở các nước trên thế giới, các trung tâm chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rất được coi trọng và phát triển. Tuy nhiên, hiện công tác chống đau, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam còn rất mới và ít.

Theo BS Lữ, việc tiến hành điều trị, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhằm nâng cao chất lượng sống, góp phần kéo dài thời gian sống thêm. “Bệnh càng tiến triển, tiến dần đến giai đoạn cuối thì vai trò của chăm sóc giảm nhẹ ngày càng tăng. Khi không điều trị đặc hiệu nữa thì chỉ còn hoàn toàn chăm sóc giảm nhẹ cho đến lúc bệnh nhân tử vong” - BS Lữ chia sẻ.

BS Lại Phú Thái Sơn, khoa Chống đau BV K2, cho biết những bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như tia xạ, hóa chất, phẫu thuật, nội tiết… rất cần được phối hợp với điều trị chăm sóc giảm nhẹ nhằm khắc phục các biến chứng, hạn chế tác dụng phụ và đảm bảo chất lượng sống cũng như thời gian điều trị được liên tục, đúng phác đồ.

BS Sơn cho biết những chăm sóc giảm nhẹ cần thiết cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là massage, xoa bóp giảm đau, uống thuốc, chế độ ăn uống, vận động phù hợp, động viên, khuyến khích người bệnh cùng chiến đấu với bệnh tật. BS Sơn chia sẻ tại BV K2 Tam Hiệp, các bác sĩ, nhân viên y tế đều kiêm hết những nhiệm vụ này, có nghĩa là họ vừa là thầy thuốc chữa bệnh vừa là những nhân viên massage. Nhiều bác sĩ kiêm luôn giáo viên hướng dẫn người nhà cách chăm sóc người bệnh, đồng thời cũng là những nhà tâm lý luôn chuyện trò, động viên người bệnh khi họ có những cơn đau về thể chất và nỗi buồn về tinh thần. “Với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, dù không chữa khỏi được thì cũng được chăm sóc giảm đau, khi về nhà thì người nhà cũng biết cách chăm sóc bệnh nhân, để người bệnh nâng cao chất lượng sống. Ít nhất trước khi chết họ không thấy tuyệt vọng” - BS Sơn cho biết.

Chiều 10-10, tại BV K2 (Ung bướu Trung ương Cơ sở 2) Tam Hiệp, Hà Nội, đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với thông điệp: “Sống và chết trong đau khổ - Không để điều đó xảy ra”. Được biết đây là năm thứ ba khoa Chống đau của BV K2 tổ chức lễ kỷ niệm này.

Tại Việt Nam hiện có bốn BV có khoa chăm sóc giảm nhẹ đang thực hiện rất tốt những chức năng này. Đó là BV K2 Tam Hiệp, BV Ung bướu TP.HCM, BV Ung bướu Đà Nẵng và BV Ung bướu Hà Nội. Riêng BV K2 Tam Hiệp có trung tâm chăm sóc giảm nhẹ với những khoa rất chuyên sâu như khoa chăm sóc cận tử, khoa giảm đau…

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây