Rối loạn stress sau sang chấn (post-traumatic stress disorder - PTSD) là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây khi những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra. Chứng bệnh tâm thần đặc biệt này khiến người bị nạn, sau một thời gian tưởng chừng đã mạnh mẽ đứng lên, bỗng bị kéo giật lại lần nữa vào những cơn ác mộng cũ.
Sau “khoảng lặng” bỗng phát bệnh
PTSD có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác chứ không riêng gì người bị xâm hại. Chị N.M.T.A (29 tuổi) là một ví dụ.
Năm năm trước, A. từng phải phá thai khi lỡ lầm với một người đàn ông không có ý định nghiêm túc với chị. Sau biến cố, A. rất đau lòng nhưng đã cố gắng vượt qua khiến nhiều người quen cho rằng chị khá lạnh lùng, mất con mà không một ngày suy sụp.
Thế nhưng, gần 2 năm sau, trong một lần dự tiệc, nghe bạn bè chúc tụng một người trong nhóm bạn có “tin vui”, chị A. bỗng thấy mình bất ổn. Không gian bệnh viện (BV) năm nào đi vào những giấc ngủ của chị, cảm giác tội lỗi, đau đớn bủa vây. Chị kiệt quệ hẳn sau vài tuần rồi tìm cách tự tử, may mắn là được người thân cứu kịp. BV Tâm thần TP HCM chẩn đoán chị bị PTSD.
Từ đó đến nay đã 3 năm, chị A. tìm đến khá nhiều BV, phòng khám tâm thần - tâm lý. “Những rối loạn đã bắt đầu vơi đi, tôi có thể đi làm bình thường trở lại. Thế nhưng, cuộc sống đôi lúc vẫn xen lẫn những ngày tăm tối khi cơn ác mộng cũ quay lại và tôi không còn kiểm soát được mình” - chị chia sẻ trên Facebook.
Tham vấn cho bệnh nhân tại Khoa Sức khỏe tâm trí Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, hội chứng PTSD được xác định khi bệnh nhân gặp phải các vấn đề về tâm thần sau thời gian gặp biến cố từ 1 tháng trở lên, thậm chí có những trường hợp là nhiều năm sau. Điều đặc biệt là trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân vượt qua biến cố một cách mạnh mẽ trước khi phát bệnh. PTSD có thể gặp ở người phải trải qua thảm họa, chiến tranh, tai nạn nặng nề, bị xâm hại tình dục, mất mát người thân yêu... Ngoài ra, người chứng kiến ai đó gặp những biến cố nêu trên cũng có thể mắc PTSD.
Biểu hiện của người mắc PTSD rất đa dạng. BS Quang kể về một ca điển hình mà ông đã gặp: Một cô gái trẻ bị bạn trai bỏ rơi vài tháng, đã dần nguôi ngoai nỗi đau bị phản bội. Quyết đoạn tuyệt, cô tìm đến BV xin bỏ cái thai trong bụng và bất ngờ phát hiện mình bị nhiễm HIV. Cô gái bắt đầu rơi vào những cơn lo lắng triền miên rồi mất ngủ, gặp ác mộng, không chịu tiếp xúc mọi người, thù ghét đàn ông, xuất hiện hành động tự hủy hoại bản thân, nhiều lần đòi đập đầu tự tử. Phải mất 1 tháng trời điều trị, cô mới thôi đòi chết và một thời gian dài sau đó mới tạm ổn định trở lại.
“Đa số bệnh nhân PTSD rơi vào cùng hoàn cảnh. Sau những nỗ lực vượt qua biến cố, cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường, họ lại có thời gian suy ngẫm về chuyện đã qua. Rồi những ký ức đau buồn quay về bủa vây khiến họ ngày càng bị stress. Người xung quanh nhìn bệnh nhân thấy có vẻ rất ổn, rất mạnh mẽ sau sang chấn, nghĩ rằng những rối loạn họ vừa gặp phải không liên quan gì đến chuyện đau thương cũ nên bệnh dễ bị bỏ sót. Không được điều trị đúng cách, họ ngày càng lún sâu vào các ký ức tiêu cực đó” - BS Quang nhấn mạnh.
Hỗ trợ tâm lý sớm
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang cảnh báo: PTSD là một dạng rối loạn tâm thần khó chẩn đoán và khó điều trị dứt hẳn. Cách tốt nhất vẫn là xử lý ngay sang chấn tâm lý khi nó mới xảy ra.
“Đối với trường hợp thảm họa, tai nạn có nhiều nạn nhân, việc xử lý sang chấn tâm lý từ đầu nên áp dụng với cả những người có vẻ rất ổn, không bị tổn thương cơ thể. Bởi lẽ, chỉ riêng việc chứng kiến thảm kịch thôi cũng đủ tạo ra nguy cơ” - BS Quang giải thích.
BS Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cũng cho rằng với người vừa trải qua một biến cố gây chấn động mạnh, họ cần được hỗ trợ tâm lý sớm trong vòng 24 giờ . Một tuần sau, nên đưa họ trở lại đơn vị tham vấn để được hỗ trợ thêm lần nữa. Làm được như vậy, bệnh nhân có cơ hội rất cao thoát khỏi PTSD. Ngược lại, để bệnh xuất hiện rồi mới chữa thì hành trình trị liệu sẽ vô cùng vất vả.
Nghi có bệnh, phải trị sớm BS Hiếu Minh khuyên nếu sau 4 tuần hoặc lâu hơn, bệnh nhân phát bệnh trầm cảm hay xuất hiện các rối loạn tâm thần - tâm lý khác, người thân nên đưa họ đến bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Đó có thể là PTSD với nguyên nhân từ chấn động họ gặp phải trong quá khứ hoặc cũng có thể là vấn đề tâm thần nào khác. Tuy nhiên, cho dù căn bệnh thực sự là gì thì bệnh nhân cũng cần được hỗ trợ kịp thời bởi càng để lâu, bệnh càng nặng hơn và việc điều trị cũng phức tạp hơn. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn