Thực hư về công dụng chữa bệnh thần kỳ của cây chó đẻ
Cây chó đẻ hay còn gọi là chó đẻ răng cưa hoặc diệp hạ châu, có tên khoa học là Phyllanthus amarus, vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thẩm thấp, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, tốn ứ…
Cây chó đẻ thực chất là một loại cỏ mọc hàng năm, cao chừng 30 cm, thân gần nhẵn, phân ra nhiều nhánh. Lá cây chó đẻ thường mọc so le, phiến lá thuôn hình bầu dục, cuống rất ngắn. Cây chó đẻ có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hè và mùa thu. Loại thảo dược này có thể dùng tươi hoặc phơi khô, đun lấy nước uống.
Theo Đông y, cây chó đẻ có vị đắng, tính mát nên giúp thanh nhiệt, giải độc, điều hòa chức năng gan, chống vàng da, sáng mắt… Còn trong dược điển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi đã ghi “nhân dân thường dùng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc bằng cách giã nát với muối chữa chứng đinh râu, mụn nhọt.”
Ngoài ra, giáo sư S.Jayaram cùng các cộng sự ở Trường đại học Madras (Ấn Độ) đã tiến hành thử nghiệm 28 người tình nguyện bị nhiễm virus viêm gan B, cho họ uống cây chó đẻ (liều 250g) từ 1-3 tháng, 54,5% khỏi bệnh. Nhưng nghiên cứu này chỉ cho thấy tác dụng của cây chó đẻ đối với người bị viêm gan B, nhưng các trường hợp xơ gan, ung thư gan gan, viêm gan siêu vi C thì không thấy đề cập.
Dược sĩ Trương Phúc Trinh (phụ trách khâu dược Đoàn bác sĩ từ thiện Niềm Tin, tổ chức chuyên giúp đỡ bệnh nhân ung thư và HIV/AIDS) khẳng định thông tin cây chó đẻ diệt các chứng bệnh về gan kể trên là sai sự thật.
Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam rất “sùng bái” cây chó đẻ, coi đó là thần dược của gan. Đàn ông, đặc biệt là những người hay uống rượu dùng cây chó đẻ để giải khát và thanh lọc độc tố trong gan, phòng ngừa các bệnh về gan. Phụ nữ uống nước chó đẻ để mát gan, làm đẹp da. Tuy nhiên, sử dụng cây chó đẻ một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Hiểm họa mang tên cây chó đẻ
Theo lương y Nguyễn Trọng Bá, nhiều người bệnh vì lạm dụng cây chó đẻ dẫn tới xơ gan, teo gan. Bởi theo nguyên lý, khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống hằng ngày, nghĩa là họ bắt gan và mật không có nhu cầu cũng phải tiết ra khiến các cơ quan này phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
Cây chó đẻ chỉ có tác dụng tốt đối với những người bị viêm gan B, còn người bình thường không nên lạm dụng loại thảo dược này. Không phải cái gì bổ cũng uống dự phòng thật nhiều. Cây chó đẻ tuy có tính hàn, giúp thanh độc giải nhiệt nhưng nếu sử dụng thường xuyên thì những người ở thể hàn rất nguy hiểm, gây tác dụng phụ “Hao khí tổn dương” với các biểu hiện như mệt mỏi, da xanh xao, tinh thần uể oải, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi…
Đặc biệt, một khi cơ thể mất cân bằng sẽ sinh ra nhiều bệnh tât, tăng tính hàn. Mặc dù chưa có nghiên cứu về việc cây chó đẻ gây vô sinh nhưng theo nguyên lý của Đông y, những người thể quá hàn thì thường khó thụ thai .
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần tránh dùng cây chó đẻ bởi đặc tính của cây thuốc này gây co mạch máu và tử cung, uống vào sẽ bị trụy thai. Thậm chí, loại cây này nếu sử dụng “vô tội vạ” có thể gây phá huyết, không bệnh thành có bệnh. Vì vậy cây chó đẻ chỉ nên dùng khi có bệnh, không nên nấu nước uống thường xuyên.
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn