Sùi mào gà còn gọi là bệnh mụn cóc sinh dục, do virut Human papilloma (HPV) – là một loại virut gây u nhú ở da và niêm mạc người gây nên. Sùi mào gà lây truyền qua quan hệ tình dục khi giao hợp không an toàn. Mọi biểu mô của tổn thương sùi bong ra đều có chứa HPV, có thể lây dễ dàng do tiếp xúc trực tiếp ở những nơi có tổn thương. Bệnh có khả năng lây truyền cao cho bạn tình nếu không được điều trị kịp thời.
Gây tổn thương cơ quan sinh dục
Thời gian ủ bệnh của sùi mào gà từ 1 – 6 tháng. Người bệnh thấy xuất hiện những tổn thương u nhú màu hồng tươi, mềm, không đau, có dạng giống như mào của con gà, dễ chảy máu. U nhú có thể mọc bất kỳ chỗ nào trong cơ quan sinh dục: âm hộ, hậu môn, dương vật, lỗ niệu đạo, cổ tử cung, thậm chí gặp cả ở miệng, họng. Khi bệnh nặng, các u nhú có thể phát triển và thành một mảng rộng trông giống như mào gà hoặc hoa súp lơ màu trắng hồng. Bề mặt mềm, mủn ra, ẩm ướt, giữa các nhú sùi có thể ấn ra một giọt mủ.
Ở phụ nữ u nhú thường mọc ở mép hoặc bên trong âm đạo, xung quanh hậu môn. Ở nam giới thường mọc ở dương vật, cũng có thể ở bìu hoặc xung quanh hậu môn.
Biến chứng nguy hiểm
Nếu bệnh nhẹ, tổn thương u nhú ít sẽ không hoặc ít gây đau đớn. Nếu khi các u nhú phát triển nhiều có thể gây đau, khó chịu khi đi lại, các u nhú có thể bị sây xát, chảy máu khi va chạm hoặc bội nhiễm, có mủ, sốt, nổi hạch ở bẹn.
Trong một số trường hợp, những triệu trứng của bệnh sùi mào gà có thể không rõ ràng hoặc không biểu hiện nên người bệnh có thể không biết mình đã bị nhiễm virut. Hoặc ở người bệnh có biểu hiện nhưng chủ quan không đi khám và điều trị, bệnh tiến triển thành mạn tính, dẫn đến các biến chứng nhiễm khuẩn, chảy máu, gây nguy hiểm cho thai nhi ở phụ nữ mang thai và làm tăng nguy cơ gây ung thư âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, và dương vật….
Cần điều trị sớm
Người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời khi thấy có triệu chứng hoặc nghi ngờ khi có quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Việc điều trị sùi mào gà chủ yếu nhằm phá hủy tổn thương u nhú chứ không thể tiêu diệt được virut gây bệnh. Tùy theo vị trí và mức độ của tổn thương mà sẽ có chỉ định điều trị thích hợp như: chấm dung dịch thuốc, đốt điện hoặc laser, đốt lạnh bằng ni-tơ lỏng,… Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị và tái khám để đề phòng tái phát.
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn