Diễn tiến âm thầm
Nguyên nhân khiến nhiều người không biết mình bị bệnh do ĐTĐ diễn tiến khá âm thầm và người bệnh vẫn còn thờ ơ với các triệu chứng ban đầu. Bệnh ĐTĐ typ 2 khởi phát âm thầm, không dừng lại. Bởi vậy, các bệnh nhân khi phát hiện ra mình mắc bệnh đến điều trị trong tình trạng bệnh đã quá nghiêm trọng. Khi người bệnh phát hiện bị ĐTĐ thì hầu hết đã mắc bệnh từ 5 - 15 năm trước, khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều lần.
Chú ý những biểu hiện bất thường
Khi bệnh ĐTĐ được phát hiện sớm để thực hiện việc điều trị, bạn sẽ có nhiều khả năng tránh được nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Hãy bắt đầu bằng việc kiểm tra xem gần đây bạn có các dấu hiệu dưới đây hay không: Rất khát nước và uống rất nhiều nước (còn gọi là háo nước). Đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường. Rất đói và ăn nhiều một cách bất thường. Giảm cân nhiều trong một thời gian ngắn. Khó tập trung làm việc hay học tập, cơ thể mệt mỏi, dễ nổi cáu. Nhìn mờ. Khi thấy vết thương lâu lành, thấy có cảm giác dị cảm ở đầu chi như cảm giác kiến bò, kim châm…
Nếu bạn nhận thấy mình có một hay nhiều hơn những dấu hiệu kể trên, hãy giành thời gian để đến kiểm tra sức khỏe tại những cơ sở y tế tin cậy càng sớm càng tốt.
Khám và xét nghiệm định kỳ
Nên đi khám và làm xét nghiệm đường huyết đối với những người trên 45 tuổi. Nếu kết quả bình thường thì nên kiểm tra mỗi 3 năm.
Các đối tượng sau nên xét nghiệm đường huyết ở tuổi trên 30 và mỗi năm 1 lần: Trong gia đình có người thân bị ĐTĐ (cha mẹ, anh chị em ruột); Béo phì; Ít hoạt động thể lực; Đã được chẩn đoán là rối loạn đường huyết lúc đói hay rối loạn dung nạp đường; Tăng huyết áp; Rối loạn mỡ trong máu.
Không tự ý dùng thuốc
Điều nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều người cứ nghĩ khi bị ĐTĐ là phải sử dụng insulin. Insulin được chỉ định bắt buộc cho người ĐTĐ typ 1, còn typ 2 đến giai đoạn bệnh nhất định, tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ mới chỉ định. Thậm chí khi đã có chỉ định tiêm đến một giai đoạn nhất định mà không có sự thay đổi thì gây hại rất lớn...
Việc sử dụng insulin được xem như một nghệ thuật trong điều trị bệnh, luôn cần có sự điều chỉnh về số lượng, về đường tiêm truyền trong những điều kiện khác nhau, phải phù hợp với từng người và theo bệnh. Chẳng hạn, cùng bệnh, cùng chỉ số đường huyết, nhưng nghề nghiệp khác nhau thì cách sử dụng cũng khác nhau, có những người một ngày chỉ tiêm 1 hoặc 2 lần, nhưng có những người phải tiêm 3 - 4, thậm chí 8 lần. Đặc biệt, đối với người già, người trẻ, người có thai, người cho con bú... việc chỉ định tiêm insulin phải được tính toán, cân nhắc tỉ mỉ trong từng thời điểm không hề đơn giản.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, chỉ định insulin cho bệnh nhân ĐTĐ cần có bác sĩ gia đình phải hiểu được cả thói ăn, nết ngủ của bệnh nhân bởi đơn giản nhất như ngày cuối tuần muốn ngủ dậy muộn hơn, có ngày dậy sớm hơn thì liều insulin cũng phải thay đổi. Hơn nữa, insulin có nhiều dạng như: dạng tổng hợp insulin người, insulin động vật (bò và lợn...), trong mỗi mi-li-lít lại có các hàm lượng 40, 80, 100 đơn vị khác nhau hoặc 1ml hỗn hợp 30 - 70, 50 - 50, 20 - 80... Mỗi người lại phù hợp với một loại, hoặc ở mỗi thời điểm khác nhau, nếu chỉ định không đúng, không chỉ gây kháng insulin, tiêm không có tác dụng, thậm chí còn gây phản ứng (dị ứng) tại chỗ tiêm hoặc toàn thân.
Đặc biệt, tai biến nguy hại nhất do tiêm insulin không đúng là hạ đường máu, chỉ cần sau 3 phút, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã mất ý thức và rơi vào đời sống thực vật. Còn nếu đường máu quá cao bệnh nhân dễ tử vong do các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, huyết áp mạch vành...
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn