Video quán chè truyền thống phố Ngô Thì Nhậm.
Chè từ bao lâu nay được coi là thức quà ăn chơi của mọi người. Mỗi khi trời nắng nóng, từ các món chè đặc sản Việt Nam, đến các món chè nổi tiếng nước ngoài như vật cứu cánh để thỏa mãn, giải khát tức tốc.
Mặc dù hiện nay, những món chè hiện đại càng ngày càng “bành trướng” nhưng những gánh chè truyền thống vẫn luôn hấp dẫn được một lượng khách nhất định bởi hương vị ngọt ngào khó quên. Và nhắc đến chè truyền thống Hà Nội không thể không kể đến quán chè nằm trên con phố Ngô Thì Nhậm đã đi qua hơn 30 năm thăng trầm của Hà Nội và gắn bó với biết bao thế hệ người Hà Thành.
Quán chè Ngô Thì Nhậm có sức hút kì lạ với biết bao thế hệ. Ở đây không bán nhiều loại chè chỉ có chè sen, chè đỗ xanh thêm một vài loại bánh truyền thống như bánh chín tầng mây, cốm xào, bánh trôi tàu. Thế nhưng món nào cũng mang một hương vị khó quên.
Hình ảnh hàng dài người xếp hàng “order” chè tại ngã tư Ngô Thì Nhậm và Lê Văn Hưu có lẽ đã quá đỗi quen thuộc với mọi người xung quanh đây. Mặc dù quán nhỏ chỉ hơn chục m2 với khung quầy toàn những đồ không màu mè, không kiểu cách nhưng chẳng hiểu sao buổi chiều nào quán cũng đông đúc, ông chủ làm không kịp nghỉ tay, đặc biệt những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm như mấy ngày nay.
"Khác dòng" hẳn những quán chè trên phố Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… quán chè ở đây dung dị với những món dân dã cổ truyền quen thuộc như: chè đỗ đen, đỗ xanh, sen, bánh trôi, bánh chay, cốm xào, chè kho...
Không những vậy, quán chè ở đây cũng có phong cách phục vụ khác hẳn nhiều nơi. Mọi người đến đây phải xếp hàng chờ đến lượt, trong lúc đó nhìn bảng thực đơn và giá tiền rồi gọi món, thanh toán luôn.
Sau đó, mọi người có thể nhận đồ và tìm kiếm cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Vì quán có diện tích khá nhỏ nên chỗ ngồi trong nhà chỉ kê được 2-3 ghế, hầu hết mọi người đến đây đều chọn ngồi ngoài vỉa hè, dưới những hàng cây cổ thụ xanh ngắt nhìn ngắm bầu trời trong xanh và phố phường tấp nập, hối hả.
Khách hàng chủ yếu là người lớn tuổi nên vị chè vị ngọt thanh, thơm dịu của các nguyên liệu tự nhiên đồ xanh, đồ đen, sen dừa...
Ở đây mặc dù đông nhưng chủ quán lúc nào cũng niềm nở và cũng rất sởi lởi khi bạn xin thêm nhiều nguyên liệu hơn trong cốc chè.
Chè ở đây đơn giản nhưng đặc biệt lắm, nó mang phong vị riêng của người Hà Nội. Cốc chè thập cẩm hoà quyện đầy đủ hương vị tinh tuý và được gói trọn trong từng nhân đỗ đen, xanh, thạch đen, hạt sen, viên bánh trôi, dừa tươi và cốt dừa dưới lên trên.
Điểm nhất của quán níu chân bao thực khách có lẽ là hạt sen, hạt đỗ được ninh nhừ vừa độ, không bị bở cũng không bị sượng.
Nhân sen ở đây chế biến nhà nghề lắm, từng hạt sen ăn bở bùi đến mức chỉ cần cắn nhẹ một chút là hạt sen có thể tan luôn thành bột trong miệng, ấy thế mà, sen vẫn nguyên hạt tròn trịa chứ chẳng kiểu ninh quá kĩ mà vỡ vụn từ đầu.
Đặc biệt, sự kết hợp trân châu và thạch đen giòn mát, dừa non nạo mềm tơi ăn với sen khiến nhiều người phải nhớ thương. Thêm cả miếng bánh trôi đặc nhân đỗ xanh với lớp vỏ mềm dẻo, chỉ cần cắn 1 miếng như thấy được cả tâm tình người Hà Nội trong đó.
Chè thập cẩm có những loại từ truyền thống như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen,...nên thơm mùi đậu, thơm mùi hạt sen, thanh mát của thạch, ngọt thanh của nước chè.
Có lẽ chính vì luôn coi trọng hương vị truyền thống, giản dị nhưng thấm đượm tâm tình, phong vị của người Hà Nội xưa mà hơn 30 năm qua, những cốc chè thanh mát hay món bánh chay, bánh trôi ở đây vẫn níu chân biết bao thực khách, khiến người ta chỉ ăn một lần là vấn vương tìm đến.
Nhân đỗ, nhân sen mềm không bị sượng cùng với những viên thạch mát dịu hòa quyện với thứ nước ngọt ngọt thanh, mát lịm khiến cho bao cơn nóng bức của mùa hè cũng chợt tan biến.
Hạt sen được ninh hoàn hảo, còn nguyên không vỡ nhưng vẫn nhừ tơi, chỉ cần đưa vào miệng cắn nhẹ là tan luôn trong miệng.
Chè thanh, mát, độ ngọt vừa phải, hạt sen không bị sượng. Cốc chè thập cẩm có giá 25 nghìn.
Nhiều người còn nói vui rằng “Đã là người Hà Nội thì tuổi thơi ai chẳng một lần ăn chè Ngô Thì Nhậm”, phải nói bây giờ dù mọc nhiều quán chè như nấm nhưng hiếm có hàng chè nào được nhiều người khen ngon, mang cái phong vị thật riêng của người Hà Thành như quán chè Ngô Thì Nhậm.
Được biết, đến nay, quán đã hơn 30 năm tuổi, gắn bó với biết bao thăng trầm, tuổi thơ và ký ức của những cô bé, cậu bé Hà Thành, đặc biệt nó gắn bó với cả cuộc đời ông Phạm Xuân Thanh (SN 1969), thế hệ thứ 2 tiếp nối quán chè truyền thống này.
Ông Phạm Xuân Thanh đang làm hàng cho khách.
Ông Thanh chia sẻ, tuổi thơ của ông là những ngày cùng mẹ ra chợ bán hàng, những ngày mắt toét nhòe nhóm than cho mẹ ninh đỗ và cả những ngày đầu thay mẹ tiếp quản cửa hàng, gìn giữ món chè truyền thống Hà Nội.
“Quán được mở từ thời mẹ tôi, trước bán ở chợ, sau này mới chuyển Ngô Thì Nhâm từ thập kỷ 80 và từ đó quán bán theo nề nếp của gia đình.
Khi về đây bán đỡ vất vả hơn vì mọi thứ cố định. Ngày xưa tôi phải nhóm than, ninh các thứ để gánh ra chợ bán, rồi xách đá, chè ra chợ cho mẹ”, ông Thanh chia sẻ.
Hơn 30 năm qua vẫn giữ chân được thực khách với món chè truyền thống, dung dị, theo ông Thanh, điều quan trọng trong cốc chè đó là những thứ nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo. Ông bảo, vì làm lâu nên nguyên liệu ông đều mua theo mối hàng chứ không mua ở chợ. Chính vì vậy, nếu gặp những mẻ sen, đỗ sượng ông có thể trả lại để đảm bảo chất lượng trong cốc chè của mình đến với thực khách.
“Để nhân đỗ, sen nhừ mà vẫn giữ nguyên được hạt, thời gian ninh khá lâu. Cách ninh này còn phụ thuộc 1 phần vào cách làm của từng gia đình. Đặc biệt cảm nhận của người nấu khi mình thấy được thì dừng lại, nếu đun nhiều, quá lửa hạt đỗ, hạt sen sẽ ra nhiều bột, bị hao chè mà người ăn lại không thấy ngon.
Khi lấy đỗ, phải chọn đỗ loại mỏng vỏ mới ngon được còn đỗ dày vỏ phải ninh lâu mà không được ngon lắm. Đường cũng không nên cho nhiều và không dùng đường hóa học mà chỉ dùng được tinh luyện, đường vàng”, ông Thanh tâm sự.
Hạt sen được ninh nhừ, bở nhưng không bị vỡ.
Được biết, mỗi ngày ông Thanh phải dậy từ 5h sáng để nấu nướng, làm hàng phục vụ khách. Vì là quán chè gia đình nên hễ lúc nào hết hàng ông lại nấu tiếp, chính vì vậy những ngày trời nắng nóng đỉnh điểm như mấy hôm nay, một ngày ông phải nấu 3-4 lần chè.
Mỗi ngày ông Thanh phải dậy từ 5h sáng làm hàng.
Thông thường, ông sẽ đóng cửa quán vào lúc 6h30 chiều về nghỉ ngơi. Ông bảo, mặc dù là quán gia truyền, nhiều thực khách biết đến và ghé ăn nhưng ông vẫn chưa tìm được người tiếp nối thay mình bởi các con đều đã có công việc riêng.
Chính vì vậy, dù mái tóc đã điểm bạc, sức khỏe đã dần về già nhưng hàng ngày ông vẫn cố gắng đứng làm hàng phục vụ khách. Đó cũng là niềm vui mỗi ngày và là cách ông gìn giữ nét đẹp xưa, món ăn truyền thống của người Hà Nội
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn