Cách chọn sấu ngon, nhiều thịt, hạt nhỏ
Không nên mua những quả sấu có vỏ xanh mướt, mịn, trơn bóng vì những quả sấu này còn non. Chị em nội trợ chỉ nên mua loại này một ít về nấu canh hoặc chế biến trong vài ngày. Sấu non có nhiều thịt nhưng hạt lại mềm nên nếu để ngâm rất dễ bị ủng. Để làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng, chị em nên chọn loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần.
Cũng có thể chọn loại sấu bánh tẻ vì lúc này thịt sấu còn dày, hạt nhỏ, nên chỉ cần dùng ít quả mà vẫn được nồi canh ngon lành.
Chị em không nên chọn quả sấu quá già, hạt to, thịt sấu mỏng, chỉ gần gọt quả vỏ cũng đã vào gần đến hạt.
Lưu ý, khi chọn, chị em chọn kỹ từng quả một để có được những quả sấu đủ tiêu chuẩn và không thâm, dập, thối.
Để làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng, chị em nên chọn loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần.
Cách bảo quản sấu trong tủ lạnh
Vì mùa sấu chỉ kéo dài từ 2-3 tháng cho nên hết mùa sấu cần phải bảo quản để có thể ăn sấu quanh năm. Chị em hãy tham khảo một số thông tin dưới đây để biết cách bảo quản:
- Cạo vỏ: Sấu đem cạo vỏ (không gọt), rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại. Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị hơi chát của vỏ.
Sấu đem cạo vỏ (không gọt), rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại
Không nên để sấu trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm. Nếu ngại gọt vỏ, bạn có thể tìm đến hàng chuyên chà vỏ sấu, máy chà sẽ làm rất nhanh và đều nhau.
- Chia nhỏ ra các túi khi bảo quản: Không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh. Để cả túi to như vậy sẽ khiến mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu. Vì vậy, hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ, với cách này, bạn sẽ lấy sấu dễ hơn rất nhiều.
Lưu ý, với sấu chín sẽ không còn nhựa, nên không cần cắt cuống hay cạo vỏ, bạn chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.
Các món ngon với sấu
1. Sấu ngâm mắm
Nguyên liệu:
- Sấu bánh tẻ: 300gr (sấu bánh tẻ là loại sấu không quá non, không quá già). - Nước - Mắm - Chút muối hạt - Tỏi, ớt
Thực hiện:
- Sấu gọt vỏ hoặc cạo, ngâm cùng nước muối loãng trong khoảng 30 phút cho ra hết nhựa. Sau đó xả sạch lại với nước. Đun sôi 1 nồi nước nóng già, tắt bếp, thả sấu vào chần qua rồi đổ ra rá để thật nguội.
- Tỏi bóc vỏ, ớt bỏ cuống, rửa sạch để ráo.
- Mắm và nước lấy tỉ lệ 1 mắm: 1 nước với lượng vừa đủ để ngâm ngập quả sấu, cho vào nồi đun sôi, trước lúc tắt bếp thả ớt, tỏi vào, rồi tắt bếp để nguội.
- Khi cả hỗn hợp nước mắm và sấu đã nguội thì thả sấu vào lọ đã rửa sạch tráng qua nước đun sôi, đổ hỗn hợp mắm vào ngâm khoảng 3-5 ngày là sấu ăn được.
- Với cách làm sấu ngâm mắm như thế này đảm bảo bạn sẽ có món ăn kèm rất hấp dẫn.
- Sấu ngâm mắm không chỉ ăn như thay dưa cà mà còn có thể dùng để kho cá cũng rất ngon và đưa cơm.
2. VỊT OM SẤU
Nguyên liệu:
- Vịt: 1kg
- Sấu: tùy theo sở thích, nếu thích ăn vị chua rõ thì bạn nấu từ 10-12 quả.
- Rau rút, khoai sọ
- Gừng, tỏi, hành khô, sả, riềng, chanh...
- Gia vị, muối, đường...
Cách làm:
Rau rút nhặt sạch bấc, bóc vỏ hành tỏi, gừng riềng, sả đập dập.
Vịt mua về rửa sạch với nước lạnh, sau đó rửa lại với ½ quả chanh để vịt hết hẳn mùi hoi. Chặt hoặc cắt miếng to bằng bao diêm. Ướp vịt với hỗn hợp hành, tỏi, sả, riềng, 1 thìa muối gia vị, 1 thìa cafe đường trong khoảng 30 phút cho thịt ngấm.
Khoai sọ gọt vỏ, ngâm nước để khoai ra hết nhớt.
Thịt đã ướp đủ thời gian các bạn xào qua, sau đó thêm lượng nước dùng vừa đủ ăn và đun sôi liu riu. Thêm sấu vào om đến khi thử thấy vịt đã chín mềm.
Khi vịt chín thì cho khoai sọ vào đun tới khi khoai chín bở, tiếp tục cho rau rút vào để rau vừa chín tới, nêm nếm lại gia vị vừa miệng ăn rồi tắt bếp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn