Cặp song sinh câm lặng
Ngày 11/4/1963, tại một bệnh viện phụ sản ở thành phố Aden, Yemen, một cặp chị em song sinh đã chào đời. Sự ra đời của họ không có gì bất thường, 2 bé gái được đặt lên là June và Jennifer Gibbons. Nhưng không lâu sau đó, bố mẹ của cặp song sinh bắt đầu nhận thấy các con gái của mình không hề giống những đứa trẻ khác.
Đến tuổi tập nói, June và Jennifer không chỉ thua xa các bạn cùng trang lứa về khả năng ngôn ngữ mà còn không thể tách rời khỏi nhau một cách bất thường. Cả hai chị em bắt đầu hình thành một ngôn ngữ riêng mà chỉ có chúng mới hiểu được. Bố mẹ của June và Jennifer cho biết, 2 con gái vẫn nói chuyện, vẫn tạo ra âm thanh nhưng đó không phải ngôn ngữ bình thường chúng ta hay dùng. Từ đó, June và Jennifer được biết đến với cái tên "cặp song sinh câm lặng" vì không nói tiếng người và không hề giao tiếp với bất cứ ai ngoài chị em song sinh của mình.
Đó không phải lý do duy nhất khiến June và Jennifer bị cô lập. Hai chị em là những đứa trẻ da đen duy nhất tại trường nên nhanh chóng trở thành mục tiêu bắt nạt. Điều này khiến June và Jennifer ngày càng phụ thuộc và dựa dẫm vào nhau hơn. Cuối cùng, nhà trường phải khuyên gia đình nên đưa 2 chị em về để tránh tình trạng bị quấy rối.
Tới độ tuổi thanh thiếu niên, ngôn ngữ của June và Jennifer trở nên khó hiểu với bất cứ ai. Họ từ chối giao tiếp với người ngoài, từ chối đọc viết ở trường và thường lặp lại hành động của nhau. Nhiều năm sau, người chị June từng nói những điều vô cùng khó hiểu: "Một ngày, tôi thức dậy là tôi và một ngày khác, tôi thức dậy là cô ấy. Chúng tôi từng nói với nhau rằng: Hãy trả lại bản thân cho tôi. Nếu bạn trả nó cho tôi, tôi sẽ trả lại cho bạn".
Năm 1974, một bác sĩ có tên John Rees nhận thấy hành vi kỳ lạ của cặp song sinh June và Jennifer trong khi thực hiện cuộc kiểm tra sức khỏe hàng năm của trường học. Theo bác sĩ John, June và Jennifer không phản ứng gì khi được tiêm chủng. Ông mô tả hành vi của họ "giống như búp bê" và nhanh chóng thông báo cho hiệu trưởng.
Khi hiệu trưởng gạt đi và khẳng định June và Jennifer đều bình thường, bác sĩ John đã tìm đến một bác sĩ điều trị tâm lý, nhấn mạnh rằng 2 bé gái cần phải trị liệu. Tuy nhiên, dù đã gặp bác sĩ tâm lý và cả bác sĩ tâm thần, tình trạng của June và Jennifer vẫn là bí ẩn và 2 cô gái vẫn tiếp tục không nói chuyện với ai.
Tháng 2/1977, nhà trị liệu ngôn ngữ Ann Treharne đã gặp được "cặp song sinh câm lặng". June và Jennifer từ chối nói chuyện với sự có mặt của ông Ann nhưng đã đồng ý cho ghi âm cuộc đối thoại của họ nếu để họ một mình.
Nhà trị liệu Ann cho biết, ông có cảm giác June muốn nói chuyện nhưng Jennifer không cho phép. "Jennifer ngồi đó với ánh mắt vô cảm nhưng tôi cảm nhận được sức mạnh của cô ấy. Một ý nghĩ hiện lên trong đầu tôi rằng June đã bị người em song sinh của mình chiếm hữu", ông Ann nói.
Cuối cùng, một quyết định được đưa ra là tách cặp song sinh June và Jennifer ra khỏi nhau. Họ được gửi tới 2 trường nội trú khác nhau với hy vọng nếu được sống tự lập, họ sẽ phát triển ý thức về bản thân, thoát khỏi vỏ bọc và bắt đầu giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đáng tiếc rằng cuộc thử nghiệm đã thất bại. June và Jennifer ngày càng cuốn sâu vào vỏ bọc của mình, gần như trạng thái rối loạn tâm thần, thậm chí không di chuyển.
Khi được đoàn tụ, 2 chị em ngày càng quấn chặt nhau hơn. Họ thậm chí còn không nói chuyện với bố mẹ, chỉ giao tiếp bằng những lá thư. Quẩn quanh trong phòng ngủ, June và Jennifer dành thời gian chơi với búp bê và tạo ra những tưởng tượng phức tạp trong thế giới của riêng họ. Thỉnh thoảng, họ chia sẻ với người em gái Rose - người nhận thông tin liên lạc duy nhất trong gia đình.
Dịp Giáng sinh, June và Jennifer được tặng 2 cuốn nhật ký và họ bắt đầu viết ra những vở kịch và trí tưởng tượng của mình. Năm 16 tuổi, cặp song sinh tham gia một khóa học, sau đó đăng những mẩu chuyện của mình lên báo chí. Tuy nhiên, chủ đề của những câu chuyện cũng kỳ lạ và đáng lo ngại giống như hành động của họ. Các câu chuyện của June và Jennifer hầu hết xoay quanh những người trẻ tuổi, từng phạm tội ác rùng rợn. Cuốn tiểu thuyết "The Pepsi-Cola Addict" kể về một cậu thiếu niên bị giáo viên trung học quyến rũ, là một trong số những tác phẩm của 2 chị em.
Một người muốn sống thì người kia phải chết
Năm 18 tuổi, June và Jennifer trở nên chán ghét cuộc sống và bắt đầu tìm đến rượu, ma túy. Họ bày đủ trò nghịch ngợm và chống phá như đánh nhau, trộm cắp và phóng hỏa đốt nhà, đến mức bị bắt vào năm 1981. Sau đó, họ bị đưa đến một bệnh viện an ninh tối đa dành cho tội phạm điên loạn.
Các nhân viên tại bệnh viện không khoan nhượng trước June và Jennifer giống như trường học và gia đình đã đối xử với họ. Hai chị em phải uống thuốc trị tâm thần liều cao, đến nỗi Jennifer bị mờ mắt. Cặp đôi song sinh đã ở đây suốt 12 năm và nhiều lần tự tử nhưng bất thành. Cho tới một ngày, họ bắt đầu xuất hiện ý nghĩ "chỉ khi một người chết đi thì người kia mới được sống bình thường" và tin đó là thật.
Tháng 3/1993, June và Jennifer được chuyển đến một bệnh viện an ninh thấp hơn. Nhưng khi đến cơ sở mới, các bác sĩ nhận thấy Jennifer không có phản ứng. Cô được đưa tới bệnh viện gần đó nhưng đã không may qua đời vì bệnh tim. Năm ấy, Jennifer chỉ mới tròn 29 tuổi.
Cái chết của Jennifer đã gây sốc nặng tới cuộc sống của June. Bằng một cách bí ẩn nào đó, June đột nhiên nói chuyện cởi mở với mọi người như thể cô đã làm vậy cả đời mình. Sau đó, June được xuất viện và có cuộc sống khá bình thường. Khi chỉ còn lại một mình, cô không còn muốn im lặng nữa.
Câu chuyện về June và Jennifer được cả thế giới biết đến, tất cả là nhờ công của một người phụ nữ tên Marjorie Wallace. Vào đầu những năm 1980, Marjorie khi ấy là phóng viên đã nghe về "cặp song sinh câm lặng" và quyết tâm tìm gặp gia đình của 2 chị em. Cô được dẫn vào thăm căn phòng của June và Jennifer, nơi chứa đầy sách vở. Marjorie bị choáng ngợp vì không tin được những cô gái từng không nói chuyện với ai, bị coi là thây ma lại giàu trí tưởng tượng đến vậy.
Bị hấp dẫn bởi câu chuyện này, Marjorie đã tới thăm June và Jennifer và nói mình tò mò về những bài viết của họ. Nhờ đó, 2 chị em song sinh dần cởi mở với cô hơn. Ngay cả khi 2 chị em được đưa vào bệnh viện tâm thần, cô Marjorie vẫn không từ bỏ. Đôi khi, cô chỉ ngồi bên cạnh và nhìn họ cười.
Thế nhưng ẩn sau nụ cười đó, Marjorie khám phá ra bóng tối bên trong cặp song sinh. Đọc nhật ký của June, cô Marjorie nhận thấy June bị ám ảnh bởi người em song sinh của mình, người mà June gọi là "bóng đen" với cô. Trong khi đó, Jennifer lại coi June và bản thân mình là " kẻ thù truyền kiếp", mô tả người chị sinh đôi là "khuôn mặt đau khổ, lừa dối, sát nhân". June và Jennifer được nhận xét là gắn bó nhau không rời nhưng dường như họ đã chịu đựng sự sợ hãi về nhau suốt nhiều năm trời.
Cô Marjorie đã tới thăm June chỉ 6 ngày sau khi Jennifer qua đời. June từng rất sốc và đau khổ nhưng khi đó, cô ấy có tinh thần tốt và sẵn sàng ngồi xuống trò chuyện. Kể từ đó, June trở thành con người hoàn toàn mới. June nói rằng cái chết của Jennifer đã giúp cô mở lòng và được tự do. June cũng nói về cách Jennifer đã chết và 2 chị em đã quyết định rằng người còn sống sẽ có trách nhiệm sống cả phần đời người kia.
June đã thực sự làm được điều đó. Cô nhanh chóng gia nhập xã hội, giao tiếp với mọi người và gần gũi với gia đình. Khi được hỏi tại sao 2 chị em lại quyết định im lặng gần 3 thập kỷ, June chỉ nói: "Chúng tôi đã có một hiệp ước. Chúng tôi sẽ không nói chuyện với bất cứ ai. Chúng tôi ngừng nói chuyện hoàn toàn, chỉ còn 2 người ở căn phòng ngủ tầng trên". Đến nay, câu hỏi chuyện gì đã xảy ra với 2 chị em sinh đôi này vẫn còn là bí ẩn.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cuoc-doi-rung-ron-cua-cap-song-sinh-khong-noi-tieng-n...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn