Tôm là món ăn rất giàu protein, nhưng tôm lại chứa lượng chất béo rất thấp so với các loại thực phẩm có nguồn gốc hải sản. Bởi vậy, tôm luôn là thực phẩm được lựa chọn trong thực đơn của những ai có nhu cầu bồi bổ mà không sợ bị béo.
Đây được đánh giá là thực phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao. Cụ thể, trong não tôm chứa các thành phần quan trọng đối với cơ thể như cephalin, axit amin và các chất dinh dưỡng cần thiết khác, thịt tôm chứa một lượng lớn protein, vỏ tôm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như canxi, kali…
Bên cạnh những bộ phận chứa thành phần dinh dưỡng thì tôm cũng có một số bộ phận nếu con người ăn phải không những không mang lại lợi ích cho cơ thể, mà còn có thể gây ra những tổn thương liên quan.
Mới đây, sau khi có một bài viết hướng dẫn lấy phân và chỉ đen của tôm của chị Kim Ngân, hội những bà nội trợ thi nhau tranh luận đầu tôm chứa phân hay gạch.
Một số người cho rằng đầu tôm thể ăn vì ở đó có cả gạch rất bùi, ngọt. Không ít người lại nghĩ rằng đầu tôm chứa phân, vừa không sạch lại làm mất đi vị ngon của con tôm nên cần phải vặt bỏ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Lý giải về việc này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, cơ thể của tôm được chia thành hai phần: phần thứ nhất là đầu và ngực hợp nhất thành phần đầu ngực và phần thứ hai là phần bụng.
Các cơ quan bên trong của tôm có thể được phân chia thành các nhóm như hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp... Tuy nhiên, không giống loài cá, các hệ của tôm thường không rạch ròi, cụ thể như giữa bộ phận tiêu hóa và thần kinh.
Hệ thần kinh của tôm có các đường dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ mắt về bộ não nằm ở gần mắt, phía đầu đến các cơ. Hệ tiêu hóa gồm có miệng nằm gần các chân hàm, sau đó dẫn thức ăn vào khoang dạ dày.
“Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày, sẽ được đẩy chạy dọc theo ruột, là đường ống nhỏ chạy dọc ở phần phía trên lưng tôm (chỉ đen), và chất thải được đi ra ở lỗ mở của ruột. Phía cuối dạ dày cũng có đường ống nối với gan, nằm ở phía sau dạ dày bên trong vỏ giáp, là nơi chất dinh dưỡng có thể được dự trữ” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Như vậy, dạ dày và phổi của tôm cũng nằm ở trong đầu tôm nên khi tôm ăn một lượng thức ăn nhất định, vị trí đầu tiên chúng tích trữ lại chính là đầu, chính bởi vậy đầu tôm được cho là bộ phận hạn chế ăn. Chưa kể, đầu tôm còn chứa một lượng lớn asen kim loại nặng không tốt cho sức khỏe.
“Khi mua tôm cần quan sát phần đầu. Nếu đầu tôm chuyển màu đen có khả năng nhiễm kim loại, các chất độc hại, ký sinh trùng”- PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Phần đầu tôm chứa cả hệ thần kinh và hệ tiêu hóa.
Phần gạch tôm được nhìn thấy rõ sau khi nấu chín.
Chuyên gia cho biết thêm, gạch tôm cũng chứa trong phần đầu của con tôm. Khi chúng còn sống chúng ta khó có thể phân biệt được gạch hay là dạ dày chứa thức ăn của tôm ở phần đầu. Khi chín, gạch tôm có màu đỏ, màu nâu vàng tự nhiên. Gạch tôm có vị béo và thơm như phần gạch cua.
Với những con tôm càng to thì phần gạch tôm càng nhiều, đặc biệt tôm có vỏ càng đậm xanh thì màu của gạch càng tươi. Trong trường hợp muốn lấy phần gạch tôm để chế biến, các mẹ chỉ cần ngắt phần đầu tôm ra và lấy phần gạch màu vàng ở đầu ra.
Có thể nói, tôm là loại thực phẩm mang rất nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu không chế biến và dùng tôm đúng cách, món ăn này có thể gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, để hạn chế nhiễm ký sinh trùng gây ngộ độc, chuyên gia khuyến cáo các bà nội trợ khi chế biến cần để tôm chín thật kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/chuyen-gia-ly-giai-dap-tan-tranh-cai-phan-den-tren-da...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn