Hai mẹ con dương tính có lịch trình di chuyển phức tạp, giãn cách xã hội 1 huyện
Sáng 18-8, Sở Y tế Sơn La cho biết ngày 17-8, Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên đã xét nghiệm SARS-CoV-2 với một bệnh nhân nội trú đang điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu có triệu chứng sốt, ho đã nhập viện ngày 16-8 và người nhà bệnh nhân. Kết quả, cả 2 người đều dương tính SARS-CoV-2 (kỹ thuật RT-PCR do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thực hiện).
Lãnh đạo tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch trên địa bàn - Ảnh: Lê Hồng
2 bệnh nhân là mẹ con (cùng trú tại tiểu khu 4, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên). Bà N.T.P.H. (BN 293434, 36 tuổi, là kế toán Trường tiểu học và THCS xã Mường Lang) và N.D.K. (BN 293435, 10 tuổi, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu; hiện đang nghỉ hè).
Qua truy xuất lịch trình di chuyển, trong vòng 3 tuần trở lại đây, 2 bệnh nhân không ra khỏi huyện Phù Yên. Lực lượng chức năng chưa xác định được nguồn lây của các bệnh nhân.
Trong khoảng 10 ngày nay, bệnh nhân H. đã đi đến rất nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn thị trấn và các xã trong huyện. 2 bệnh nhân cũng đã tiếp xúc với người thân trong gia đình và nhiều bạn bè hàng xóm. Các bệnh nhân này có lịch trình di chuyển khá phức tạp trong cộng đồng thị trấn Phù Yên và một số xã của huyện Phù Yên.
UBND tỉnh Sơn La đã có quyết định giãn cách xã hội 15 ngày theo chỉ thị 16 của Thủ tướng toàn huyện Phù Yên từ 0 giờ 18-8.
Từ ngày 21-7 đến nay, toàn huyện Phù Yên đã ghi nhận 88 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 86 trường hợp trong khu cách ly tập trung.
100 người nhiễm SARS-CoV-2, một giám đốc trung tâm bị tạm đình chỉ công tác
Ngày 18-8, ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang, cho biết đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 18-8) đối với ông Lê Văn Bé Chín, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị.
Ngày 6-8, toàn bộ đối tượng xã hội và nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR mẫu gộp, kết quả đều âm tính.
Chiều 8-8, một nhân viên của trung tâm có dấu hiệu sốt, ho nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang khám. Kết quả, nhân viên này dương tính với SARS-CoV-2.
Toàn bộ 357 đối tượng xã hội và hơn 88 cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và hiện đã có 100 người nhiễm SARS-CoV-2
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 8 đặt tại trung tâm này để điều trị F0 là đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc tại đây. Riêng những nhân viên của trung tâm chưa phát hiện dương tính được đưa đi cách ly tại bệnh viện dã chiến trên địa bàn Tiền Giang.
(Theo Người Lao Động)
Khẩn tìm người đến 4 bệnh viện và hàng loạt địa điểm liên quan đến bệnh nhân COVID-19
Chiều 18/8, Sở Y tế Nghệ An phát thông báo khẩn số 71 về 20 địa điểm liên quan đến bệnh nhân COVID-19. Trong đó có 4 bệnh viện trên địa bàn TP Vinh và huyện Quỳnh Lưu.
Những địa điểm trong thông báo gồm:
1. Bệnh viện đa khoa 115 (khu vực tiêm vaccine), xã Nghi Phú, TP Vinh, từ 14h30 đến 16h ngày 16/8.
2. Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, từ ngày 2/8 đến ngày 12/8.
3. Khoa Sản phụ, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, từ 7h ngày 12/8 đến 14h ngày 14/8.
4. UBND xã Nghi Kim (Bộ phận 1 cửa), từ 15h đến 16h ngày 16/8.
5. Cà Phê Trang, số 1, Ngư Hải, TP Vinh, từ 8h đến 10 ngày 5/8.
6. Quán phở Dũng Ngẩu, đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, từ 8h đến 9h ngày 14/8.
7. Bệnh viện đa khoa Quang Thành, xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, từ 14h đến 17h10 ngày 16/8.
8. Nhà hàng gà rán KFC - Siêu thị BigC Vinh, từ 10h30 đến 11h30 ngày 12/8.
9. Quán ăn số 211, đường Lê Duẩn, TP Vinh, từ 11h đến 12h ngày 12/8.
10. Quán nước trên đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, đối diện cổng chính Đại học Y khoa Vinh, từ 15h30 đến 16h30 ngày 6/8.
11. Xe khách limousine Đức Hiền đi từ Thái Hòa đến Vinh chuyến 18h ngày 11/8.
12. Xe khách limousine Đức Hiền đi từ Vinh về Thái Hòa chuyến 12h ngày 12/8.
13. Chợ Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, từ 16h đến 17h ngày 13/8.
14. Phòng khám bác sỹ Phán, xóm Đồng Hồng, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, từ 16h đến 18h ngày 2/8; từ 8h đến 9h và từ 15h đến 16 ngày 3/8; từ 8h đến 9h ngày 6/8.
15. Quán phở chị Hà, gần phòng khám y Cao Thái Hà, khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, từ 8h đến 9h ngày 16/8.
16. Khu vực chợ Kim Khí, thị xã Thái Hòa, từ 8h30 đến 9h ngày 16/8.
17. Quán tạp hóa Nga Cảnh, khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, từ 9h đến 9h30 ngày 16/8.
18. Quán sửa xe chú Bằng, ngã ba Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, từ 7h đến 9h ngày 7/8.
19. Quán ăn sáng Tuấn Lịch, đường mới Đông Hiếu, từ 7h ngày 15/8.
20. Quán nước Đá Quý, xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, sáng ngày 15/8.
Sở Y tế Nghệ An đề nghị những người đã có mặt tại những địa điểm này cần liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất để được hỗ trợ. Gọi điện đến đường dây nóng và cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình. Số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An là 02386.555.666.
(Theo Tiền Phong)
Hà Nội: Nam thanh niên tự làm giấy đi đường giả để "qua mặt" lực lượng chức năng
Tổ kiểm soát tại đường Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) đã phát hiện Ng.H.D. (SN 1993, trú tại Ứng Hòa) điều khiển xe mô tô qua chốt và sử dụng giấy đi đường do công ty CP Chăm sóc sức khỏe VG cấp.
Đáng chú ý, mẫu giấy đi đường này không đúng mẫu quy định của thành phố. Qua xác minh ban đầu, nam thanh niên này không phải nhân viên của công ty VG và giấy đi đường trên là do D làm giả.
Công an TP Hà Nội cho biết, hôm nay, 862 trường hợp vi phạm phòng chống dịch trên địa bàn bị xử phạt. Ảnh: Trung Nguyên
Vụ việc được bàn giao Công an phường Thượng Đình tiếp tục xác minh, làm rõ. Công an TP Hà Nội cho biết, tính từ 11h ngày 17/8 đến 11h ngày hôm nay, 18/8, lực lượng chức năng TP Hà Nội xử phạt 862 trường hợp vi phạm phòng chống dịch, với số tiền 1.224.300.000 đồng.
Trong đó, 55 người bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 77 triệu đồng; 4 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh bị xử phạt 52,5 triệu đồng.
803 người bị xử phạt gần 1,1 tỷ đồng với các hành vi vi phạm khác liên quan phòng, chống dịch COVID-19 (không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...).
(Theo Gia đình và Xã hội)
Người dân ở Gò Vấp cần hỗ trợ khẩn cấp, gọi đến 2 số điện thoại này
Thông tin từ Uỷ ban MTTQ Gò Vấp cho biết, tất cả người dân trên địa bàn quận gặp khó khăn cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, có thể gọi số hotline 028.39.962.793 - 028.39.962.794.
Quận cam kết sẽ có người đến hỗ trợ ngay, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Những phần quà đến với người dân xóm trọ phường 11, quận Gò Vấp
Cán bộ của Uỷ ban MTTQ quận trực điện thoại tiếp nhận thông tin vào giờ hành chính kể cả thứ bảy, chủ nhật. Các trường hợp khó khăn sau khi cung cấp địa chỉ, số điện thoại, quận cam kết sẽ có người đến hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Ông Thân Trọng Minh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết đến nay đã nhận khoảng 700 cuộc điện thoại, nhưng đa phần là các cuộc gọi hỏi về hỗ trợ thất nghiệp.
Về nguồn tiền hiện vật, theo ông Minh, quận nhận từ Uỷ ban MTTQ TP và các đơn vị tài trợ, rồi phân chia về 16 phường, phường phân chia về khu phố.
Theo báo cáo, tổng số lượng quà đã cấp về cho các phường tính đến ngày nay là 10.161 phần. Trong đó, nhiều nhất là phường 14 với 1.632 phần. Tiếp đến phường 3 với 1.400 phần và phường 16 với 766 phần… Các phường còn lại từ 400 - 700 phần.
Trước đó, ngày 15/8, quận Gò Vấp ra mắt Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quận Gò Vấp.
Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa (lương thực, thực phẩm,...) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Theo số liệu báo cáo của Phòng LĐ-TB-XH quận Gò Vấp, tính đến ngày 17/8, quận đã hỗ trợ 51.444 người với số tiền hơn 66 tỉ đồng.
(Theo Báo Giao Thông)
Cần Thơ: Tìm người liên quan các điểm nguy cơ COVID-19 từ ngày 4-8 đến nay
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ thông báo cho những người có liên quan với các điểm nguy cơ COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 4-8 đến ngày 17- 8, khẩn trương đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú, tạm trú để khai báo y tế hoặc gọi điện vào số điện thoại dưới đây để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.
Các điểm nguy cơ COVID-19 theo thông báo ngày 17-8 gồm:
1. Các địa điểm thuộc quận Ninh Kiều:
-Phường An Bình: Số 5AD1/3A; 9A6/3A, KV5.
-Phường An Khánh: Số 68, đường B19, KV6.
-Phường Thới Bình: Số108/8, đường Hùng Vương.
-Phường An Phú: Số 110/17; 110/26, đường Nguyễn Việt Hồng.
-Phường Cái Khế: Số 56/31/2A, đường Trần Phú.
-Phường Hưng Lợi: Số 160/30B, đường Tầm Vu.
-Phường Tân An: Số 54/9, đường Nguyễn Thái Học; Số 50/16/6, đường Quang Trung.
2. Các địa điểm thuộc quận Cái Răng:
-Phường Hưng Phú: Số 390, Tổ 20, KV4; Số 42A, Tổ46, KV6.
-Phường Phú Thứ: KV Thạnh Thới.
3. Các địa điểm thuộc quận Bình Thủy:
-Phường Trà An: Cạnh 34C, đường Lê Hồng Phong, KV2.
-Phường Trà Nóc: Số 26/6, Tổ 6, KV1; Số 126, hẻm 1A, KV2; Khu dân cư vượt lũ, KV2; Tổ 1, KV6; Số 65B/6, KV 6; Số 2/10, đường Nguyễn Chí Thanh, KV6.
-Phường An Thới: Số 89, 90, 127/12/16, đường Nguyễn Thông; Số 174/23, đường Trần Quang Diệu.
-Phường Long Hòa: Số 365/18, 372/14, KV Bình Chánh.
-Phường Bình Thủy: Số 4/8, 7/8, 7A/8, 7B/8, 20/5, đường Lê Hồng Phong, KV 1; Số 9/4, đường Lê Hồng Phong, KV4; Số 4/12, KV 7; Số 26B/14, đường Nguyễn Truyền Thanh; Nhà máy X55, đường Lê Hồng Phong.
-Phường Thới An Đông: Số 141, tổ 9, KV Thới Hòa.
4. Các địa điểm thuộc quận Ô Môn:
-Phường Phước Thới: KV Bình Hưng; KV Thới Ngươn B.
-Phường Thới An: KV Thới Hòa.
-Phường Thới Hòa: các KV Hòa An; Hòa An A; Thạnh Hòa A; Số 14, KV HòaLong.
-Phường Trường Lạc: KV Bình Thuận.
5. Các địa điểm thuộc huyện Thới Lai:
-Xã Thới Thạnh: Ấp Thới Bình A; Thới Hòa A; Thới Hòa C.
-Thị trấn Thới Lai: Ấp Thới Phong A; Thới Thuận B.
6.Các địa điểm thuộc quận Thốt Nốt:
-Phường Tân Lộc: KV Lân Thạnh 2.
-Phường Thốt Nốt: KV Phụng Thạnh 1; đường Phan Đình Giót, KV Long Thạnh A.
-Phường Thuận An: KV Thới An 2.
-Phường Thạnh Hòa KV Phúc Lộc 3,
-Phường Thới Thuận: KV Thới Thạnh 2.
7. Các địa điểm thuộc huyện Vĩnh Thạnh:
-Xã Vĩnh Bình: Công ty DIGENTA
-Xã Thạnh Lộc: Ấp Tân Hưng
8. Các địa điểm thuộc huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền:
-Ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.
-Ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
TP HCM lý giải vì sao số ca F0 ở cộng đồng tăng nhẹ những ngày gần đây
Trưa 18-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã cung cấp thông tin để làm rõ hơn về tình hình số ca mắc mới trong những ngày vừa qua trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho thấy số ca nhiễm trung bình theo ngày trên địa bàn TP HCM cao nhất vào tuần lễ từ 23-7 đến 29-7 với 4.916 trường hợp và giảm dần vào các tuần kế tiếp từ 13-8 đến 17-8 với 3.837 trường hợp.
Phân tích số ca mắc trong tuần từ 13-8 đến 17-8 cho thấy số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt, có hiện tượng tăng nhẹ vào 2 ngày 14-8 và 15-8 (dao động từ 4.200 - 4.500) sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16-8 và 17-8 (dao động từ 3.300 - 3.500), số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào 2 ngày 15-8 và 16-8 (dao động từ 2.900 - 3.000).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân ở Hóc Môn; Ảnh: Huế Xuân
Ngày 15-8-2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM đã ban hành Kế hoạch 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh Covid-19 để điều trị, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn.
Theo đó từ ngày 15-8 đến 22-8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0 (cụ thể ngày 17-8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng).
Cùng với quyết tâm bóc tách tất cả các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng dân cư, ngành y tế TP HCM thiết lập 3 tầng thu dung điều trị, trong đó tầng 1 lần đầu tiên triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với gói thuốc điều trị tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe, đồng thời giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị thuộc tầng 2.
Bên cạnh đó các bệnh viện thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và các trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giúp giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho các bệnh viện tầng 3.
Ngoài ra, các Trung tâm Hồi sức Quốc gia đã đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay.
Với nhiều giải pháp can thiệp đồng bộ sớm được triển khai trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9 theo Kế hoạch 2715, nhất là việc bổ sung thuốc kháng vi rút dạng uống cho người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dùng ở tầng 1 (Molnupiravir) và thuốc kháng vi rút dạng truyền tĩnh mạch cho cho người bệnh có triệu chứng mức trung bình/nặng ở tầng 2 (Remdesivir), cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, TP HCM sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Sở GD-ĐT TP HCM đề xuất không tựu trường và khai giảng
Sở GD-ĐT TP HCM ngày 18-8 đã có tờ trình UBND TP HCM về phương án tổ chức năm học mới. Trong đó, đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng.
Cụ thể, theo Sở GD-ĐT TP HCM, bậc giáo dục trung học (THCS và THPT, GDTX): Từ ngày 1 đến ngày 5-9: Tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 6-9-2021: Giảng dạy theo chương trình năm học 2021-2022.
Giáo dục tiểu học: Từ ngày 8 đến 19-9: Tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20-9: Giảng dạy theo chương trình năm học mới.
Giáo dục mầm non có thể khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, hiện nay, TP có 249 trường đang dùng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, chích ngừa; có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.
Trong thời gian sắp tới, chưa thể bàn giao các cơ sở giáo dục đã được các địa phương sử dụng trong phòng, chống dịch bệnh để tổ chức giảng dạy. Công tác chuẩn bị năm học mới còn rất nhiều khó khăn: Bên cạnh nhiều trường học được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng; nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là mầm non, đã bị giải thể.
Sở GD-ĐT TP HCM đánh giá trong tình hình hiện nay, năm học mới khó có thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục, khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, bàn giao lại cho ngành giáo dục phải mất ít nhất 2 tuần để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp.
Ngành GD-ĐT TP đã dự kiến và xây dựng các phương án để học sinh bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trên môi trường internet, chỉ đạo các nhà trường xây dựng trước các bài giảng trên môi trường internet cho khoảng 10 tuần đầu năm học.
Vì vậy, nếu bắt đầu năm học sớm sẽ tránh được việc dồn ép tiến độ cuối năm học để đảm bảo các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức tựu trưởng, khai giảng theo hình thức trực tuyến cũng không hiệu quả, không mang nhiều ý nghĩa.
(Theo Người Lao Động)
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói gì về việc thu phí cách ly người dân về từ vùng dịch?
Mới đây, Báo Tiền Phong tiếp nhân phản ánh của chị N.T.L.L. (trú huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), là sinh viên đang theo học khoa Công nghệ May, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
Theo nội dung phản ánh của chị L., do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, L. không trụ nổi giữa vùng tâm dịch TP.HCM nên quyết định tự di chuyển bằng xe máy về quê Quảng Ngãi.
Ngày 30/7, nữ sinh viên về đến quê và được đưa đi cách ly tập trung tại Trường tiểu học Nghĩa Thắng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa. Đến ngày 13/8, L. hoàn thành cách ly và được yêu cầu đóng phí cách ly.
Dự kiến trong 14 ngày cách ly, L. phải đóng tổng cộng 3.882.000 đồng, bao gồm tiền ăn 80.000 đồng x 14 ngày, cộng với 40.000 x 14 ngày chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt như nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay và 2.200.002 triệu đồng tiền xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, đến ngày 12/8, khi chỉ còn một ngày nữa là cô hoàn thành đủ thời gian cách ly thì ở trong khu vực cách ly phát hiện 1 F0. Vì thế L. buộc phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày và đóng thêm 120.000 x 7 ngày (tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt) và 1 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 là 734.000 nghìn đồng. Tổng số tiền phải đóng khi cách ly tập trung đối với L. là 5.456.000 nghìn đồng.’
“Theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, mọi người dân trong nước khi cách ly tập trung theo quy định phòng chống dịch bệnh chỉ đóng 80.000 nghìn đồng tiền ăn một ngày, còn các khoản chi phí khác sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo. Vậy số tiền tôi buộc phải đóng ngoài tiền ăn đó đúng hay sai?”, sinh viên L. thắc mắc.
Số tiền mà chị L. buộc phải đóng trong thời gian cách ly tập trung.
Sáng 18/8 trao đổi với PV về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, những trường hợp được tỉnh tổ chức đón từ TPHCM về cách ly tập trung và không thu phí. Còn những người tự ý hồi hương khi cách ly tập trung phải tự trả phí.
“Ngoài ra, những trường hợp thật sự khó khăn, các địa phương đang tổ chức cách ly sẽ tham mưu lên tỉnh, tỉnh sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết”, ông Minh nói.
Trước đó vào ngày 7/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định 984/QĐ-UBND về việc Áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên tỉnh Quảng Ngãi.
Quyết định nêu, người trở về từ TPHCM, Bình Dương và các địa phương có dịch (theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế công bố) vào địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu, phải cách ly tập trung 21 ngày và tự trả phí.
Đến ngày 14/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có Quyết định 1046/QĐ-UBND về việc Áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19.
Theo quyết định, tất cả người từ vùng dịch (theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế công bố) vào địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ đối với xét nghiệm nhanh kháng nguyên, 72 giờ đối với xét nghiệm RT-PCR kể từ khi lấy mẫu. Người về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định và phải tự trả chi phí cách ly.
Vì vậy, số người dân tự phát về quê không nằm trong diện được tỉnh Quảng Ngãi đưa đón buộc phải đóng tất cả các phí cách ly như: Tiền ăn 80.000 nghìn đồng/ ngày, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt như nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay… 40.000 nghìn đồng/ngày và chi xét nghiệm SARS-CoV-2 trong suốt quá trình cách ly.
(Theo Tiền Phong)
Hà Tĩnh: Cách ly y tế thị xã Hồng Lĩnh sau khi phát hiện thêm 6 ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng
Sáng 18-8, tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh này vừa ký ban hành quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ thị xã Hồng Lĩnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, bệnh COVID-19.
Theo đó, thời gian cách ly từ 0 giờ ngày 18-8. Phạm vi cách ly: toàn bộ thị xã Hồng Lĩnh (trừ tổ dân phố 1,2, 3 và tổ 8 phường Đậu Liêu), cho đến khi có quyết định tiếp theo.
Yêu cầu cách ly: thực hiện cách ly theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn/tổ dân phố cách ly với thôn/tổ dân phố, phường/xã cách ly với phường/xã.
Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa khu vực nơi bệnh nhân sinh sống tại thị xã Hồng Lĩnh.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động.
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh giao UBND thị xã Hồng Lĩnh chủ trì, phối hợp với: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan chỉ đạo thiết lập ngay các chốt kiểm soát, thực hiện kiểm soát 24/24 toàn bộ phạm vi thị xã Hồng Lĩnh và thực hiện cách ly y tế theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự và an sinh xã hội.
Sở Y tế phối hợp với UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức triển khai thiết lập phong tỏa vùng cách ly y tế đảm bảo đúng quy định của pháp luật và triển khai, chỉ đạo thực hiện ngay công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy trình, quy định.
Trước đó, tỉnh này cũng đã tiến hành cách ly y tế đối với toàn bộ thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, khi địa phương này phát hiện 5 người trong 1 gia đình mắc COVID-19.
(Theo Người Lao Động)
Sự thật thông tin tử vong sau tiêm vắc-xin Trung Quốc ở TP Thủ Đức
Ngày 18-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Công an phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP HCM) thông tin về người phụ nữ tử vong sau khi tiêm vắc-xin Trung Quốc ở TP Thủ Đức đăng trên mạng xã hội facebook là thông tin bịa đặt.
"Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan an ninh vào cuộc xác minh, truy tìm Facebook đăng tải thông tin sai sự thật. Trang Facebook này sau đó đã gỡ bài viết" - Công an phường Tam Bình nói. Đơn vị này cho biết thêm đang truy tìm người đăng thông tin về người phụ nữ tử vong sau khi tiêm vắc-xin Trung Quốc lên Facebook để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin kèm theo di ảnh bà V.T.T.T (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) tử vong do tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Sau đó, trang Fanpage "Tôi Là Dân Quận 8" còn chia sẻ lại với nội dung: "Tử vong sau khi tiêm COVID-19 TQ, mọi người cảnh giác khi tiêm". Thông tin đăng tải đã gây hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý những người chưa tiêm ngừa vắc-xin COVID-19.
Công an đang truy tìm trang Facebook chia sẻ thông tin sai sự thật.
Ngay sau đó, người quản lý trang Facebook "Tôi Là Dân Quận 8" đã gỡ bài viết.
Ông V. (chồng của bà T.) cho hay sáng ngày 5-8, vợ chồng ông và những người trong khu phố được UBND phường Tam Bình phát phiếu đi tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 tại địa điểm tiêm trên địa bàn phường. Trước khi tiêm và khi đến điểm tiêm, cán bộ phường đều thông báo rõ vắc-xin tiêm là loại AstraZeneca.
Theo ông V., tiêm xong, vợ chồng ông ngồi đợi ở điểm tiêm hơn 30 phút rồi trở về nhà. Sau khi về nhà bà T. vẫn bình thường, không có triệu chứng gì. Khoảng 10 ngày sau, bà T. cảm thấy khó thở nên được gia đình chở đến Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu nhưng không qua khỏi.
"Vợ tôi đã thanh thản ra đi rồi, tôi mong mọi người đừng viết bài sai sự thật rồi chia sẻ lên Facebook. Gia đình chúng tôi đang rất đau đớn, mong mọi người hiểu cho" – ông V. nói.
Cơ quan công an xác định qua giám định và lấy mẫu xét nghiệm, bà T. được xác định dương tính với SARS – CoV-2.
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội: Người thuộc 13 nhóm này cần liên hệ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Sáng 18/8, thông tin từ CDC Hà Nội cho biết, từ ngày 18 đến 20/8, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR.
13 nhóm người nguy cơ cao ở Hà Nội sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR
Cụ thể, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gồm:
1. Shipper.
2. Người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc.
3. Nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại.
4. Người bán hàng tạp hóa tại nhà.
5. Nhân viên bán xăng.
6. Lái xe khu công nghiệp, đường dài;
7. Bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể.
8. Công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; 9. Nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; 10. Người làm tại các kho hàng bán lẻ.
11. Người trực chốt kiểm dịch.
12. Lực lượng hỗ trợ chống dịch.
13. Nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
Theo ngành y tế Hà Nội, mục tiêu trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh.
Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều...
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố đã có ca nhiễm COVID-19 không có yếu tố dịch tễ, không rõ nguồn lây nhiễm ở đâu.
Bên cạnh đó, có ca bệnh đi lại quá nhiều không thể xác định được nguồn lây. Do đó, việc xét nghiệm sẽ "bóc tách" những ca mắc COVID-19 không rõ dịch tễ, không triệu chứng.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu rõ, trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm những đối tượng nguy cơ nhiều hơn đó là những người thường xuyên ra đường, thường xuyên tiếp xúc.
"Người dân tự đánh giá mình thuộc 13 nhóm người nguy cơ trên không, nếu phải cần liên hệ cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực phường, xã. Việc lấy mẫu, xét nghiệm này hoàn toàn miễn phí", ông Tuấn nêu rõ.
Trước đó, từ ngày 10 đến 15/8, Hà Nội đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng đợt 1 tại các khu vực có yếu tố nguy cơ ở 30 quận, huyện, thị xã.
Kết quả đã lấy được 313.010 mẫu, qua đó phát hiện được 29 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 quận, huyện: Đống Đa (23 ca), Thanh Trì (3 ca), Hoàng Mai (1 ca), Hà Đông (1 ca), Thanh Oai (1 ca) và 312.981 mẫu âm tính.
(Theo Báo Giao Thông)
TP.HCM xét nghiệm mở rộng "vùng xanh", cấp test nhanh dân tự lấy mẫu
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn từ ngày 15-8 đến ngày 15-9 với mục tiêu đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ tiến tới kiểm soát dịch trên địa bàn TP.
Kế hoạch xét nghiệm chia làm 3 giai đoạn. Từ ngày 15-8 đến 22-8, thực hiện giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Từ ngày 23-8 đến ngày 31-8, thực hiện tách nguồn lây nhiễm mạnh.
Từ ngày 1-9 đến ngày 15-9, duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
Các tổ dân phố trên 14 ngày không có ca F0 mới được xác định là “vùng xanh”. Tổ dân phố có mức nguy cơ rất cao “vùng đỏ” khi trong vòng 7 ngày có từ 3 hộ gia đình có ca F0 trở lên.
Các vùng xanh, cận xanh được thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân, tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày. Vùng này được giải phóng khi không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có trường hợp dương tính nhưng chỉ số CT lớn hơn 30. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng đạt 50%, có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Tại các vùng nguy cơ cao và rất cao, việc xét nghiệm nhằm thu hẹp phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình.
Ngành y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ở nơi ngoài khu vực phong tỏa, thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus. Tùy vào điều kiện thực tiễn, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo phương pháp mẫu gộp hộ gia đình bằng test nhanh hoặc RT-PCR.
Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc test nhanh người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0 hoặc có tiếp xúc với F0).
Đối với các đơn vị đang được phép hoạt động ở một số lĩnh vực có tiếp xúc nhiều như: Y tế, quân đội, công an, nhà máy, doanh nghiệp, giao hàng (shipper)..., ngoài các biện pháp phòng, chống dịch như quy định hoặc hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cần chủ động giám sát bằng test nhanh hoặc RT-PCR trên nguyên tắc tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm, tự kiểm tra đối với nhân viên của đơn vị mình vào định kỳ mỗi 7 ngày.
Việc lấy mẫu do đội lấy mẫu của địa phương thực hiện hoặc người dân tự lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu. Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu sẽ cung cấp dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm cho hộ dân và thu thập ngay kết quả.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 17-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý TP.HCM cần đặc biệt lưu tâm thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này gồm giãn cách thật nghiêm; chú trọng an sinh tại chỗ để người dân hạn chế ra ngoài; xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng; giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; vaccine là chiến lược lâu dài.
Về xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế gợi ý TP để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin vào ngày 20-8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ TP, mỗi xe 2.000- 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP.HCM.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Các cơ sở y tế tại Đồng Nai dành tối thiểu 40% giường điều trị bệnh nhân COVID-19
Hiện tại, Đồng Nai có gần 15 ngàn ca nhiễm COVID-19 . Có 301.934 người được tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Ngành y tế chỉ đạo các bênh viện, trung tâm y tế trong và ngoài công lập dành tối thiểu 40% giường điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 18/8, Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã ghi nhận thêm 463 ca dương tính mới (11 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, 121 ca trong khu cách ly và 331 ca trong khu phong tỏa). Tổng số ca dương tính với SARS- CoV-2 tại Đồng Nai trong đợt dịch thứ 4 là 14.969 ca, có gần 5 ngàn người khỏi bệnh, 104 ca tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 với số ca nhiễm bệnh tăng, diễn biến nặng, nguy kịch tăng có thể dẫn đến quá tải các đơn vị Hồi sức tích cực, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi Sở Y tế, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố huy động.
Theo đó, ngoài các cơ sở đã được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc Bệnh viện dã chiến đang điều trị COVID-19, các Trung tâm y tế có giường bệnh, các bệnh viện đa khoa công lập và ngoài công lập còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống huyện, thành phố nơi cơ sở hoạt động trở thành khu vực có “nguy cơ rất cao”
(Theo Tiền Phong)
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-188-hai-me-con-duong-tinh-co-lich-trinh-d...
Tin tức Hà Nội
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn