Lời tố cáo chấn động
"Người cưỡng hiếp tôi là đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam" – chị Dạ Thảo Phương bắt đầu câu chuyện bằng việc tố cáo trực diện ông L.N.A, hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Dạ Thảo Phương (tên thật là Phan Thị Thanh Thúy, Sn 1974) công tác tại Báo Văn nghệ từ tháng 9/1996 với vị trí phóng viên, rồi biên tập viên.
Trả lời Dân Việt, nhà thơ Dạ Thảo Phương xác nhận đã gửi Thư ngỏ tố cáo hành vi cưỡng hiếp của ông L.N.A đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
"Trước mắt, tôi đã gửi qua đường email đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau đó, anh Nguyễn Quang Thiều cũng đã gọi điện cho tôi chia sẻ với tư cách cá nhân" – chị Phương cho hay.
Trong nội dung tố cáo gửi đến Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời gian công tác tại Báo Văn nghệ, chị Dạ Thảo Phương cho rằng đã "nhiều lần bị thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức" từ năm 1999.
Trong đó, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 14/4/2000 đã được nhiều người chứng kiến.
Một phần nội dung bản tường trình sự việc xảy ra ngày 14/4/2000. Nhà thơ Dạ Thảo Phương cho rằng mình đã bị ông L.N.A cố cưỡng hiếp. Ảnh chụp màn hình.
"Trưa ngày 14/4/2000, khi tôi đang ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, L.N.A đã xông vào có ý định cưỡng hiếp tôi. Tôi chống cự trong hoảng loạn và kêu cứu.
Nhiều đồng nghiệp chạy đến, chứng kiến L.N.A đang nằm đè lên tôi, bóp cổ tôi. Nhờ các đồng nghiệp can thiệp, hành vi cưỡng hiếp ngày hôm đó không thành công" – chị Phương kể lại.
Cuộc trò chuyện phải tạm ngắt quãng nhiều lần, vì chị Phương có dấu hiệu hạ huyết áp.
Người phụ nữ này cũng nhiều lần khẳng định tố cáo của mình là đúng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã nêu.
"Sự việc rất không bình thường"
Chị Dạ Thảo Phương cung cấp một bản tường trình (photo) về vụ việc xảy ra ngày 14/4/2000 được cho là do những người chứng kiến lập, gửi lên lãnh đạo Báo Văn nghệ.
Người viết tường trình là ông Nguyễn Lê Tâm, khi đó là họa sỹ trình bày của Báo Văn nghệ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Lê Tâm xác nhận mình là người viết bản tường trình nói trên, sau đó có thêm 3 người ký xác nhận phía dưới.
Ông Tâm cũng một lần nữa xác nhận với PV Dân Việt sự việc xảy ra ngày 14/4/2000 đúng như bản tường trình ông đã viết.
Theo nội dung bản tường trình những người chứng kiến vụ việc còn có nhà thơ Bế Kiến Quốc, họa sỹ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà.
"Lúc này, anh L.N.A đang ở tư thế chồm lên chị Dạ Thảo Phương, hai bàn tay ở khu vực cổ của chị Dạ Thảo Phương. Chị Dạ Thảo Phương giãy giụa và kêu cứu, tiếng kêu không bình thường. Khi tôi tới gần anh L.N.A và chị Dạ Thảo Phương thì anh L.N.A bắt đầu buông tay ra khỏi chị Dạ Thảo Phương …" – trích đoạn tường trình nêu.
Ở thời điểm đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Lê Tâm, đó là một "sự việc rất không bình thường tại một cơ quan của Hội nhà văn Việt Nam, một tờ báo có uy tín của cả nước".
Sau đó, vụ việc này được lãnh đạo của Báo Văn nghệ xem xét và cho rằng đó là "xô xát" giữa hai người.
Liên quan đến vụ việc, ngay trong đêm 6/4, PV Dân Việt đã tìm cách liên lạc với ông L.N.A. Đến sáng nay (7/4), ông L.N.A đã trả lời PV qua điện thoại.
Khi được hỏi về tố cáo của chị Dạ Thảo Phương đang gây xôn xao dư luận, ông A cho rằng ở thời điểm này ông không có bất kỳ ý kiến nào, nếu cô Phương có ý kiến thì cơ quan chức năng có trách nhiệm, hiện giờ có nói đúng sai cũng không ai nghe.
Trao đổi thêm với PV, chị Dạ Thảo Phương cho biết những nội dung chị gửi đến Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là sự thật.
"Nếu ông L.N.A kiện tôi ra tòa về hành vi vu khống, thì tôi rất vui mừng. Bởi tôi sẽ được trình bày, đối chất câu chuyện này và là cơ hội để đưa sự việc ra pháp luật" – nhà thơ Dạ Thảo Phương cho hay.
Chúng tôi tiếp tục thông tin.
Tại sao giờ đây, tôi mang câu chuyện này ra ánh sáng? Làm việc này, tôi phải một lần nữa sống lại tất cả những ký ức khủng khiếp trong quá khứ. Làm việc này, tôi đặt cả gia đình mình đối mặt với những ồn ào của dư luận chắc chắn sẽ làm họ thương tổn. Đây không phải một cuộc trả thù cá nhân, càng không phải để xoa dịu cảm xúc đau khổ hay uất ức. Tôi buộc phải làm việc này, vì đó là cách duy nhất để tôi có thể thực sự sống tiếp. Nỗi đau của tôi là nỗi đau do những giá trị sống cốt lõi mà tôi tin tưởng bị chà đạp. Có những khoảng thời gian dài, việc giao tiếp là một trách nhiệm mà tôi phải gánh vác như một cực hình. Ý nghĩ xuất hiện lại trong giới văn chương làm tôi khiếp đảm. Những gì xảy ra với tôi là sự thật và hơn hai mươi năm qua, sự thật ấy vẫn chưa một lần được nhìn nhận công khai, công bằng. |
Nguồn: https://danviet.vn/nha-tho-da-thao-phuong-to-bi-cuong-hiep-tu-23-nam-truoc-202204070706...
An ninh hình sự
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn