Vợ chồng cô Julie và anh Alex Armas, sống tại Mỹ, gặp nhau ở độ tuổi 20, nhanh chóng yêu đương và chính thức kết hôn vào năm 1993. Tuy nhiên sau đó, cặp đôi phải vật lộn vì không sinh được con trong suốt 3 năm. Cô Julie đã sảy thai 2 lần, sau đó tìm đến phương pháp điều trị hormone và thụ tinh trong tử cung. Cuối cùng vào mùa xuân năm 1999, cô đã có thai trong niềm hạnh phúc của cả gia đình.
Thế nhưng chưa vui sướng được lâu, cô Julie đi khám và được thông báo rằng có điều bất thường ở đầu của đứa trẻ. Đầu bé trai có hình quả chanh và sau khi kiểm tra kỹ càng, cô Julie và anh Alex nhận được thông tin xác nhận con trai mình bị mắc chứng nứt đốt sống.
Nứt đốt sống là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi cột sống của trẻ không hình thành bình thường, khiến tủy sống và các dây thần kinh bị lộ ra. Nó có thể khiến đứa trẻ bị dị tật chiari, rối loạn thần kinh gây ra não úng thủy, tích tụ quá nhiều chất lỏng trong não, trường hợp xấu nhất có thể bị sinh non, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này của người mẹ.
Khi đó, bác sĩ đã đưa ra lựa chọn cho cô Julie và anh Alex là chấm dứt thai kỳ nhưng cặp vợ chồng không thể làm thế vì họ đã vô cùng khó khăn để có con. "Khoảng thời gian đó đầy cay đắng và đau đớn, cuối cùng chúng tôi cũng có thai kỳ này. Đây vẫn là cậu bé của chúng tôi, đứa trẻ mà chúng tôi chờ đợi rất lâu. Chúng tôi sẽ làm tất cả vì con", anh Alex khẳng định.
Ở tuần thai thứ 21, cô Julie được đưa tới Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, thuộc thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ, để tiến hành ca phẫu thuật điều trị bệnh cho con từ trong tử cung. Thời điểm đó, việc điều trị ở tuần thứ 21 là cực kỳ hiếm gặp và tờ báo USA Today đã quyết định đài thọ cho ca phẫu thuật. Tờ báo này đã thuê nhiếp ảnh gia Michael Clancy tới chụp ảnh cho ca phẫu thuật. Có tổng cộng 13 người trong phòng phẫu thuật ngày hôm đó, bao gồm cả nhân viên y tế và các phóng viên.
Đây là lần đầu tiên nhiếp ảnh gia Michael chụp ảnh cho một ca phẫu thuật thai phụ và nó khiến ông hoàn toàn kinh ngạc. Trong một khoảnh khắc, ông thấy tử cung của người mẹ rung lên, một nắm đấm nhỏ thò qua đó. Ngay lập tức, Michael giơ máy lên chụp. Ông đã ghi lại được hình ảnh bé trai thò một tay ra khỏi bụng mẹ, nắm chặt lấy một ngón tay của bác sĩ Joseph Bruner - người phẫu thuật chính. Hình ảnh vừa kỳ diệu, ấn tượng, lại vừa xúc động đó đã gây chấn động cả thế giới và được đặt cái tên là "Hand of Hope" (Bàn tay hy vọng).
Ngày 7/9/1999, cô Julie và anh Alex lần đầu nhìn thấy bức ảnh đầu tiên của con trai mình, chính là bức ảnh nắm tay bác sĩ được đăng trên trang bìa của tờ báo USA Today. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của họ và họ liên tiếp nhận được cuộc gọi từ người thân, bạn bè.
"Bức ảnh đó vô cùng đặc biệt không chỉ đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn thể hiện giá trị của cuộc sống của con trai chúng tôi, dù khuyết tật hay lành lặn. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì vì con. Chúng tôi đã hoàn thành những gì chúng tôi muốn", cô Julie xúc động nói.
Bức ảnh "Hand of Hope" được lan truyền khắp nơi, lay động trái tim của hàng triệu người. Nó không chỉ là hình ảnh biểu tượng của một ca phẫu thuật đau đớn để có một sinh linh chào đời, nỗ lực của cặp vợ chồng để có con, mà còn là biểu tượng của niềm tin và sức mạnh để chiến thắng số phận.
Rất may, ca phẫu thuật thành công. Ngày 2/12/1999, con trai của cô Julie và anh Alex chào đời khi được 36 tuần tuổi, nặng 2,6 kg và được đặt tên là Samuel Alexander Armas. Cột sống của cậu bé đã được chữa lành nhưng gặp phải vấn đề ở đôi chân nên gặp khó khăn trong việc di chuyển. Đến 21 tháng tuổi, Samuel mới tập đi và phải đeo nẹp ở cẳng chân để hỗ trợ mắt cá chân. Samuel cũng phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khác nhau ở bàng quang, dây chằng gót chân và các cơ xung quanh mắt.
Hơn 20 năm sau bức ảnh chấn động thế giới, cuộc sống của anh Samuel và gia đình đã có nhiều đổi khác. Bố mẹ của anh đã sinh thêm 2 cậu con trai nữa còn Samuel giờ đây đã là một thanh niên điển trai và tài giỏi. Samuel đã vượt lên trên số phận rất nhiều dù từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành luôn phải gắn liền với bệnh viện và thuốc thang. Giờ đây, anh có thể tự đi bộ trên quãng đường ngắn nhưng muốn di chuyển xa thì vẫn cần tới sự hỗ trợ của xe lăn.
Samuel không hề biết gì về bức ảnh "Hand of Hope" cho đến tận năm lớp 5, khi anh lên Google và thấy mình có hẳn một trang Wikipedia. Bức ảnh ấy đã thay đổi cuộc đời của anh và giúp anh có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Vượt lên tất cả mọi nghi ngờ và định kiến, Samuel đã chứng tỏ khuyết tật không làm ảnh hưởng tới cuộc đời phi thường của mình.
Samuel đã tốt nghiệp loại ưu tại trường Trung học Alexander, thành phố Douglasville. Hiện tại, anh đang theo học tại Đại học Auburn với Học bổng Toán học Movelle Murdock trong tay và chuẩn bị tốt nghiệp, ngoài ra còn tham gia trong đội bóng rổ xe lăn Tigers.
"Tôi cảm thấy mình có những quyết định mạnh mẽ bởi vì tôi tin cậy nơi Chúa trời. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng đối với người khuyết tật. Nếu không mắc tật nứt đốt sống, tôi sẽ không quen biết nhiều người như bây giờ và cũng không chơi bóng rổ trên xe lăn - thứ đã thay đổi cuộc đời tôi. Nhiều người nghĩ khuyết tật của tôi là một thiệt thòi nhưng thật ra, tôi vẫn cảm ơn điều đó mỗi ngày", Samuel chia sẻ.
Samuel đặt mục tiêu kiếm được một học bổng tại một trường đại học lớn về môn bóng rổ trên xe lăn. Anh luyện tập với nhóm của mình vào mỗi thứ 7 hàng tuần tại Trung tâm Shepherd ở thành phố Atlanta. Samuel ngồi trên xe lăn, thực hiện các đường chuyền và những cú ném phạt một cách điêu luyện. Anh yêu thích tốc độ của trận đấu bóng rổ và thể hiện sự phấn khích tràn ngập khi ném một pha bóng thành công. Những nỗ lực không mệt mỏi của Samuel và gia đình khiến bất cứ ai cũng phải xúc động.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/be-trai-21-tuan-tuoi-tho-tay-khoi-bung-me-nam-chat-ng...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn