Alice Roosevelt Longworth, con gái cả của Tổng thống Mỹ đời thứ 26 Theodore Roosevelt, được mệnh danh là vị tiểu thư lập dị nhất từng bước vào Nhà Trắng. Bà trở thành gương mặt kiên cường và mạnh mẽ của phong trào Phụ nữ mới vào đầu những năm 1900. Người ta cũng từng biết đến việc bà ấy nhảy trên mái nhà của các triệu phú, đeo một con rắn lên người làm đồ trang sức...
Tính cách độc lập và tinh thần tự do của Alice đã thổi một luồng sinh khí mới vào ý tưởng về phụ nữ đầu thế kỷ 20, khi mà phong trào về quyền bầu cử đang bùng nổ. Bản thân bà đã tham gia vào các phong trào bầu cử và cuộc cách mạng giới vào khoảng nửa thế kỷ sau. Trong gần 100 năm sống trên đời, Alice Roosevelt Longworth là một trong những gương mặt quan trọng của phụ nữ Mỹ hiện đại và được tôn vinh.
Đệ nhất tiểu thư cô đơn nhất nước Mỹ
Alice Roosevelt là con gái duy nhất của Tổng thống Theodore Roosevelt với người vợ cả ông nhất mực yêu thương, bà Alice Hathaway Lee. Tuy nhiên, bà Hathaway qua đời vì suy thận chỉ 2 ngày sau khi hạ sinh con gái, vào đúng lễ tình nhân năm 1884 và kỷ niệm 4 năm ngày cưới.
Ông Theodore khi ấy mới 25 tuổi đã đặt tên con gái theo tên người vợ quá cố. Nhưng vì quá đau buồn trước sự ra đi của vợ, ông không thể gọi thẳng tên cô là Alice Lee mà gọi là "Baby Lee". Từ đó, bất cứ ai quanh ông cũng không được nhắc đến cái tên Alice.
Sau những khởi đầu bi thương, tuổi thơ của Alice Roosevelt sẽ là những năm tháng cô đơn và lẻ loi. Bố cô đến trang trại ở Badlands, bắc Dakota và để con cho người chị gái Anna chăm sóc tại New York. Ở xa nhà, cuộc sống của ông Theodore chìm trong chán nản, phải vật lộn để vượt qua đau khổ. Thi thoảng, ông viết thư về cho con gái và nghĩ về cô bé thường xuyên.
Trong khi đó, "Baby Lee" vẫn ở New York với người cô Anna. Bà Anna sau này có ảnh hưởng rất lớn đến tích cách mạnh mẽ và độc lập của cô. Alice Roosevelt bắt đầu thể hiện những tính cách ấy khi thành thiếu nữ.
Trở về vào năm 1886, ông Theodore kết hôn lần hai với người yêu thời trung học của mình, Edith Carow. Gia đình mới chuyển đến vịnh Oyster, Long Island. Ông Theodore và bà Edith có thêm 5 người con. Nhưng căng thẳng nhanh chóng hình thành giữa mẹ kế, con chồng.
Bà Edith rất ghen tị với mối quan hệ trong quá khứ của chồng và người vợ đầu tiên. Do đó, bà trút mọi bất an và thất vọng lên cô gái trẻ Alice Roosevelt. Thậm chí, bà Edith từng nói rằng nếu mẹ Alice còn sống, bà ấy sẽ quấy rầy ông Theodore đến chết. Vấn đề giữa 2 người trở nên tồi tệ hơn khi Alice lớn lên thành một cô gái trẻ hấp dẫn.
Trong khi đó, ông Theodore cũng trở nên xa cách với con gái mình. Alice thường nổi giận vì bố không chịu gọi mình bằng tên thật. Cô cảm thấy mình bị bỏ rơi, tin rằng bố yêu những đứa con của mẹ kế hơn.
Cùng lúc, Alice trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn bao giờ hết. Bà Edith không thể kiểm soát nổi cô và cầu xin chồng đưa con gái riêng đến một trường nội trú tại New York. Cô gái trẻ nóng nảy khi ấy đã đáp lại bố mình: "Nếu bố gửi con đi, con sẽ khiến bố bẽ mặt. Con sẽ làm điều khiến bố xấu hổ. Con nói rồi đấy, con sẽ làm". Nhưng trước sự thất vọng của vợ, ông Theodore cuối cùng cũng mủi lòng. Họ quyết định gửi Alice trở lại với cô Anna.
Tiểu thư nổi loạn, thần tượng của phụ nữ Mỹ
Alice Roosevelt phản đối hôn nhân. Cô gái trẻ không tin tưởng vào đàn ông, rất cứng đầu và coi mình như một phụ nữ độc lập. Nhưng cá tính mạnh mẽ và lối sống độc thân gây sốc khi ấy biến cô trở thành con mồi cho những tạp chí lá cải.
Bản thân ông Theodore cũng thấy xấu hổ về hành vi của con gái mình và 2 người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Năm 1901, ông Theodore nhậm chức tổng thống. Lúc này, trong mắt công chúng, Alice ngay lập tức trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng đầu tiên, lớn nhất đầu thế kỷ 20.
Một năm sau nhiệm kỳ tổng thống của bố, tức năm 1902, Alice đã đặt tên Kaiser Wilhelm cho du thuyền của Đức và thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng cô phớt lờ và cảm thấy khó chịu trước sự chú ý của giới truyền thông. Thái độ lạnh lùng của cô chỉ khiến công chúng yêu mến cô hơn. "Cô ấy trở thành một trong những phụ nữ được coi là đẹp nhất thế giới", tờ Tribune viết về cô gái 17 tuổi khi ấy.
Đại tiểu thư nhà tổng thống được đặt biệt danh Công chúa Alice và bắt đầu xuất hiện trên các đầu báo. Mỗi khi cô bị phát hiện đi cùng một người đàn ông, dân chúng đều suy đoán cô sẽ kết hôn cùng anh ta. Và dù có hẹn hò hay không thì tất cả những chiến tích táo bạo, liều lĩnh của cô đều được truyền thông săn đón.
Báo chí đồng loạt đưa tin khi cô trở thành người phụ nữ đầu tiên lái xe hơn 70 km từ Newport tới Boston. Họ nhìn thấy cô chạy xe như đua trên những con phố ở Washington, hút thuốc công khai và thường xuyên leo lên nóc Nhà Trắng, nhai kẹo cao su, chơi poker, mặc quần, tiệc tùng thâu đêm với người nhà Vanderbilt (từng là gia tộc giàu nhất nước Mỹ) và ngủ tới trưa chiều.
Alice còn mang một con dao găm bên người, có thú cưng là con rắn tên Emily Spinach và mang theo cả bản sao Hiến pháp trong ví. Bố cô từng than việc về những trò tai quái của con gái bị đưa lên báo trước khi tin tức thực sự xuất hiện. Thậm chí, Alice còn tiết lộ cho các báo chỗ ở của mình để nhận được tiền thưởng. Tờ New York Herald đã đăng chi tiết về cuộc sống xã hội của Alice trong suốt 15 tháng bao gồm 407 bữa tối, 350 chuyện nhảm nhí, 300 bữa tiệc, 680 tiệc trà và 1.706 lần đi chơi xã giao.
Sau này khi lớn lên, Alice nhớ lại thời niên thiếu nổi loạn của mình. "Tôi phải thừa nhận cảm giác nghịch ngợm thường xuyên đeo bám tôi. Tôi là một người theo chủ nghĩa khoái lạc. Tôi muốn được giải trí", cô nói trong một cuộc phỏng vấn.
Alice sau đó bị cấm vào Nhà Trắng 2 lần sau khi bố cô rời nhiệm sở năm 1909. Một lần là vì chôn con búp bê tà thuật của vợ Bộ trưởng Chiến tranh William Howard Taft trong sân, lần thứ 2 là vì liên tục nói xấu tân tổng thống Woodrow Wilson.
Nhưng dù có nghịch ngợm cỡ nào thì nhiều phụ nữ trẻ vẫn coi Alice là tương lai của nữ giới và cổ vũ mỗi khi thấy cô đi qua đường, đi sát xe cô như thể cô là một siêu sao trên thảm đỏ. Alice trở thành gương mặt đại diện cho phong trào Phụ nữ mới.
Và khi ông Theodore qua đời năm 1919, Alice tiếp nhận những mục tiêu chính trị của bố mình để tôn vinh ông. Cô được biết đến với cái tên "Tượng đài Washington khác" vì liên tục tham gia chính trị.
Cuộc hôn nhân của "đứa trẻ hoang dại" trong Nhà Trắng
Trong chuyến công du châu Á dưới sự giám sát của William Howard Taft vào năm 1905, Alice Roosevelt đã gặp người chồng tương lai của mình, Hạ nghị sĩ Nicholas Longworth. Đây là một người đàn ông lăng nhăng, giàu có và là nhân vật chủ chốt của xã hội ở Washington. Anh ta khá giống với Theodore Roosevelt. Alice ít nhiều cũng đã yêu người đàn ông này sau chuyến đi. Khi về nước, Nicholas đã tham gia vào những cuộc phiêu lưu và sự ăn chơi trác táng cùng đệ nhất tiểu thư nước Mỹ. Cả hai người vui vẻ với nhau trong những năm đầu yêu đương. Họ kết hôn tại Nhà Trắng năm 1906 và Alice, đúng như bản chất đã dùng kiếm để cắt bánh cưới chứ không phải dùng dao như người thường.
Nhưng ngay cả khi đã có gia đình, cả hai người vẫn không từ bỏ những cuộc vui trác táng. Họ thường xuyên chia tay và nhiều lần có hành động hớ hênh ngay sau tuần trăng mật dù vẫn là vợ chồng cho tới khi Nicholas qua đời năm 1931. Tuy nhiên, bà Alice đã bắt đầu qua lại với Thượng nghị sĩ William Borah từ những năm 1920 và duy trì cho đến khi con gái của hai người chào đời năm 1925. Đây cũng là người con duy nhất của bà.
Con gái của bà Alice, Paulina phải vật lộn với chứng trầm cảm và nghiện ngập, sau đó qua đời vào năm 1957. Cuối cùng, bà Alice phải một mình chăm sóc cho đứa cháu ngoại mồ côi.
Trong những năm cuối đời, Alice có cách cư xử nóng nảy và hung hăng. Bà vẫn hoạt động trong lĩnh vực chính trị và là thành viên ban giám đốc của ủy ban America First (đây là ủy ban giữ cho Mỹ trung lập trong Thế chiến II). Bên cạnh đó, bà còn là bạn của nhiều đời tổng thống Mỹ như Kennedys, Nixons và Johnsons.
Sống phong lưu là vậy nhưng trong mắt người thân, bà Alice lại ít có được hạnh phúc thực sự. "Tôi không nghĩ mình vô cảm hay tàn nhẫn. Tôi cười, tôi có khiếu hài hước. Tôi thích trêu chọc... có lạ không khi điều đó khiến mọi người thất vọng? Và tôi không bận tâm về những gì mình làm, trừ khi tôi đang làm ai đó bị thương theo một cách nào đó", bà Alice nói về bản thân trong một cuộc phỏng vấn.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ ngực vì vấn đề sức khỏe trong suốt những năm 80, bà Alice qua đời ngày 20/2/1980 ở tuổi 96. Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng ca ngợi bà Alice là một phụ nữ có phong cách, duyên dáng, hài hước và thực sự thông minh.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ai-nu-ngo-ngao-con-tong-thong-chong-lai-me-ke-lay-cho...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn