Thịt trâu hay thịt lợn gác bếp vốn là đặc sản Tây Bắc nhưng được nhiều người yêu thích ở khắp mọi nơi. Món ăn hấp dẫn bởi có vị ngon ngọt, dai dai quyện lẫn vị cay cay khó tả của các loại gia vị.
Một điều đặc biệt của thịt gác bếp chính là mùi ai ai của khói quẩn quanh trong từng thớ thịt mỗi khi thưởng thức. Những dịp Tết đến, mọi người thi nhau đặt món đặc sản này về để làm quà hoặc đãi khách. Tuy nhiên mặt hàng này thường có giá khá cao, vì thế, chị em nội trợ nào yêu thích hương vị món ăn này cũng có thể mày mò tự làm cho gia đình thưởng thức, nhất là thịt lợn gác bếp.
Nhiều người nghĩ thịt lợn gác bếp khó làm nhưng theo Nguyễn Thúy (27 tuổi, Lai Châu) lại cho rằng không phải như vậy. Cô không phải người gốc ở đây nhưng cùng chồng lên Lai Châu lập nghiệp khá lâu rồi. Hơn thế, bản thân lại học được cách làm món này từ người dân tộc Thái nên cô chia sẻ, chỉ cần đọc công thức, chị em ít vào bếp cũng có thể làm thành công.
Nguyễn Thúy cho biết, ở Lai Châu, cứ gần Tết là người dân làm thịt sấy, thịt gác bếp. Thúy lại là người vô cùng yêu thích món ăn này cho nên cô đã quyết tâm học làm. May mắn, Thúy được được một cô người dân tộc Thái hướng dẫn. Và giờ Thúy làm đã thành thạo mấy năm rồi. Lúc đầu cô cũng chỉ làm cho gia đình ăn, dần dần, người thân bạn bè ở xa yêu thích, nhờ cô làm giúp.
Theo Nguyễn Thúy, để làm món thịt lợn gác bếp ngon, trước tiên, cần chọn được những miếng thịt tươi mới nhất, vừa mổ, đã được sơ chế sạch sẽ, không phải rửa. Nếu làm thịt gác bếp mà đã rửa rồi sẽ không ngon. Bên cạnh đó, các phần thịt như mông, bắp, thăn, không được pha mỡ, thớ thịt dài mới hợp để làm món gác bếp.
Dưới đây là công thức làm món thịt lợn gác bếp chị em có thể tham khảo:
Nguyên liệu:
- Thịt lợn: 1kg
- Muối: 2 thìa
- Ớt băm: 2 thìa (tuỳ mức độ ăn, có thể dùng ớt tươi nếu muốn cay hơn)
- Gừng băm: 2 thìa - tỏi băm: 2 thìa - Mắc khén: 2 thìa - Hạt dổi: 1 thìa - Hạt điều: 1 thìa - Lá rừng: 1 nắm - Hạt tiêu: 1 thìa - Nước mắm ngon: 1 thìa
Dụng cụ: Củi, than củi
Cách làm thịt lợn gác bếp:
- Cắt miếng thịt dài và dọc thớ, mỗi miếng khoảng 3 lạng, to khoảng hơn bàn tay, dày tầm 1-1.5cm.
- Sau đó, cho tất cả gia vị ướp vào với thịt khoảng 2 giờ.
- Xiên thịt vào lạt tre hoặc dây để phơi nắng cho se mặt thịt. Phơi từ 1-2 nắng thịt se lại là được. Nếu không có nắng thì sấy luôn cũng được, chỉ có điều nếu phơi, thịt sẽ dai và ngon hơn. Thời gian chín cũng nhanh hơn.
- Sau đó dùng than củi, đốt hồng than, gác thịt hoặc treo thịt lên bếp rồi hun khói. Thời gian sấy khoảng 3 - 4 tiếng cho đến khi thịt chín. Tuy nhiên thời gian chín này cũng tùy vào độ dày của miếng thịt. Nếu bạn làm những miếng thịt to thì thời gian có thể lên tới 10 tiếng hoặc hơn. Hoặc than đều thì thịt sẽ chín nhanh hơn, nói chung tùy bếp.
Lưu ý, thịt phải đặt cao cách mặt bếp 1 mét. Thịt sẽ chín bằng nhiệt từ từ. Ngoài ra, khi đốt củi có than rồi mới bắt đầu treo thịt lên trên để tránh khói bẩn trong quá trình đốt lửa bám vào thịt. Thường xuyên kiểm tra bếp liên tục để tránh lửa và than tắt, thịt chín không đều.
Cách sấy thịt gác bếp cũng như sấy lạp xưởng
Khi thịt chín, đem thịt xé ra, ăn trực tiếp với tương ớt goặc chẳm chéo.
Bạn có thể đem hút chân không để bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi nào ăn đem rã đông, muốn ăn khô thì quay lò vi sóng hoặc nướng, muốn ăn mềm thì hấp cách thuỷ.
ĐẶC BIỆT LƯU Ý:
Ở Hà Nội hay ở các thành phố khác, nếu không có lò hay bếp củi để hun khói, chị em có thể tự chế lò sấy thịt bằng cách chế 2 thùng carton xếp chồng lên nhau rồi gác thịt lên trên. Cho 1 chậu than hoặc chậu có chứa củi đốt bên dưới. Không để than sát thùng quá sẽ cháy thùng. Bạn cũng có thể quây miếng 1 miếng tôn lớn lại cũng được, làm bằng tôn sẽ an toàn, khó gây ra hỏa hoạn.
Bạn có thể dùng than củi mua ở chợ, rồi lấy ít bã mía hoặc vỏ cam quýt cho vào cùng chậu than để tạo mùi khói và hun thịt cũng được, thịt sẽ thơm hơn nhiều!
Chúc các bạn thành công!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn