Vào những ngày giá lạnh như thế này thì lẩu là món ăn được lòng rất nhiều người bởi không chỉ tươi ngon mà còn nóng hổi. Cảm giác vừa ăn lẩu, vừa xì xụp uống nước dùng… cùng nhau “tám” dăm ba câu chuyện thật thích.
Có lẽ vì vậy mà chị Lê Nguyên (35 tuổi, Hà Nội) rất thích làm lẩu cho gia đình và bạn bè thưởng thức mỗi khi gió lạnh ùa về.
Chị Lê Nguyên rất thích chế biến các món lẩu cho gia đình hoặc bạn bè thưởng thức
Chị Nguyên tâm sự, trong những ngày mùa đông, trời lành lạnh hay vào những dịp nghỉ lễ, cuối tuần, chị thường nấu lẩu mời mọi người trong gia đình hay bạn bè thân thiết. Mọi người thường rất hưởng ứng và dành nhiều lời động viên chị. "Có lẽ không phải bởi món ăn ngon mà quan trọng là trong thời tiết lạnh được ngồi bên nồi lẩu nghi ngút khói, thơm nhẹ của các loại gia vị và thực phẩm, cùng trò chuyện với nhau những câu chuyện không đầu không cuối luôn khiến mọi người cảm thấy ấm áp và gần gũi hơn", chị nói.
Món lẩu thoạt nhìn thì có vẻ rất cầu kì và mất thời gian nhưng theo chị Lê Ngyên, thực ra nếu biết sắp xếp thì đây lại là món đơn giản nhất. Bởi vì chỉ mất công ở khâu chuẩn bị nồi nước dùng. Để chuẩn bị món lẩu được nhanh gọn chị Nguyên thường lên danh sách và ghi ra các gia vị cần thiết từ trước để khi chợ tránh bị quên và mua thiếu.
Khi đi chợ chị thường nhờ người bán hàng sơ chế trước một số loại nguyên liệu nhằm tiết kiệm thời gian như gà, vịt, cua, cá, cắt gọt củ quả…. Khi về nhà chỉ cần rửa lại thật sạch sau đó lên kế hoạch làm những việc gì trước, việc gì sau. Chị có thể làm song song nhiều việc cùng lúc như trong lúc chờ ninh nước dùng thì sơ chế nguyên liệu. Làm đến đâu bày biện và thu dọn luôn đến đấy để căn bếp luôn gọn gàng và không tạo cảm giác rối mắt. Khi tất cả nguyên liệu đã sơ chế xong, nêm nếm nước dùng cho vừa miệng, bắc lên bếp là hoàn thành món lẩu rồi.
Chị Lê Nguyên còn bật mí một vài mẹo nấu lẩu vô cùng hữu ích dưới đây, các chị em nội trợ có thể tham khảo nhé!
Sơ chế nguyên liệu:
Lưu ý phải sơ chế sạch và khử cho hết mùi hôi. Ví dụ:
- Với gà thì phải lấy muối hạt trộn với gừng chà xát mạnh lên phần da gà cho bong hết lớp màng màu vàng trên da.
- Với vịt phải trộn gừng và rượu bóp kỹ phần da cho tiết hết phần bã nhờn thì mới hết mùi hôi
- Với cá cũng phải xóc muối, gừng và dấm sau đó dùng khăn sạch thấm khô nước thì cá mới không bị tanh
- Với chim câu thì phải nướng nguyên con cho sém vàng phần da thì thịt chim mới thơm, cua đồng thì cần xóc muối nhiều lần để mất mùi hoi và giã tay thì mới nhiều thịt...
Nước dùng:
Đây chính là linh hồn của món ăn nên mỗi món lẩu chị Lê Nguyên dùng một công thức nước dùng riêng biệt chứ không sử dụng chung chung. Mỗi loại nguyên liệu đi kèm phù hợp với một loại nước dùng khác nhau nên phải sử dụng gia vị hợp lí để làm nổi bật vị món lẩu đó.
Như lẩu riêu cua thì nhất thiết phải có dấm bỗng để nước lẩu có vị chua dịu và không gắt; lẩu gà măng cay thì không dùng dấm bỗng mà dùng chanh để nước có vị thanh; lẩu chim lại cho thuốc bắc; lẩu bò thì dùng quế hồi…
Nguyên liệu đi kèm
Chị sẽ tuân thủ nguyên tắc “thịt nào đi kèm rau nấy”. Ví dụ:
- Lẩu riêu cua thì phải có bắp bò, sườn sụn, chả cá và đi kèm rau tía tô, kinh giới, rau muống, hoa chuối
- Lẩu cá thì ăn kèm cải cúc, rau cần, thìa là, rau ngổ
- Lẩu chim thì nhất thiết phải có nấm hương
- Lẩu bò thì ăn kèm rau cải xanh…. Cũng có thể biến tấu và thêm nhưng nguyên liệu ăn theo sở thích. Tuy nhiên vẫn phải có sự tương đồng và kết hợp hợp lí thì mới làm nổi bật hương vị món lẩu”.
Chị sẽ tuân thủ nguyên tắc ăn lẩu “thịt nào đi kèm rau nấy”
Điều đặc biệt, chị Lê Nguyên có thể nấu được khoảng hơn 20 món lẩu từ các nguyên liệu như: Lẩu riêu cua, lẩu cá, lẩu gà, lẩu vịt, lẩu chim, lẩu cháo, lẩu đuôi bò, lẩu hải sản…. Mỗi một nguyên liệu chị cũng thường mày mò và tìm hiểu nhiều cách chế biến khác nhau để đa dạng như: lẩu gà dấm bỗng, lẩu gà rượu nếp, lẩu gà thuốc bắc, lẩu gà lá giang , lẩu gà lá quế, lẩu gà măng cay, lẩu gà tiềm ớt hiểm…
Trong dịp Tết Dương lịch, miền Bắc khá lạnh vì thế chị Lê Nguyễn đã gợi ý, chị em có thể chuẩn bị một nồi lẩu riêu cua vừa chua thanh vừa ngọt đậm đà, hay một nồi lẩu gà thơm nồng mùi thuốc bắc; một nồi lẩu vịt nấu chao béo ngậy, một bữa lẩu nướng thịnh soạn thơm nức ăn kèm rau sống hay một nồi lẩu cá nấu chua chống ngán cho cả nhà…
Hi vọng, với những gợi ý cực hữu ích của chị Lê Nguyên, chị em nội trợ có thể làm được món lẩu ngon cho gia đình vào dịp nghĩ lễ dài ngày này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn