"Thằng bé" kiếm tiền tỷ nhờ rong chơi ở showbiz

Chủ nhật - 25/03/2018 08:55

"Thằng bé" kiếm tiền tỷ nhờ rong chơi ở showbiz

Nếu âm nhạc của Phạm Toàn Thắng không bất ngờ được yêu thích, hẳn giờ này, cậu đang rong chơi ở đâu đó hoặc lang thang "giấu mình trong mưa".

Nếu âm nhạc của Phạm Toàn Thắng không bất ngờ được yêu thích, hẳn giờ này, cậu đang rong chơi ở đâu đó hoặc lang thang "giấu mình trong mưa".

Phạm Toàn Thắng viết nhạc từ những "tháng năm rực rỡ" tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) và không bao giờ nghĩ có ngày lại thành nhạc sĩ.

Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, Thắng nhắc đi nhắc lại việc mình không học nhạc bài bản, và con đường nghệ thuật cũng chỉ tình cờ, ngẫu hứng như một cuộc rong chơi, quên tháng ngày.

Trong hình dung của số đông, nhạc sĩ hẳn phải lãng mạn, vì nếu không lãng mạn thì lấy đâu ra những bản tình ca. Khung cảnh sáng tác cũng phải rất cô đơn, ví như ngồi một mình bên cây đàn, nghĩ về những chuyện tình đã qua, và chẳng có ai bên cạnh...

"Tôi ý à, có lẽ không như vậy. Tôi rất bụi đời, đôi khi, âm nhạc đến và cất lên từ bàn nhậu hay quán trà đá vỉa hè. Tôi chẳng mấy khi giam mình để viết nhạc, càng không tự tạo ra những cảnh tượng mộng mơ để lấy cảm xúc", Phạm Toàn Thắng nói về mình, đầy khác biệt so với tưởng tượng của nhiều người.

Nhạc sĩ Chuyện của mùa đông tự nhận là một người ham chơi, thích đi đây đi đó, và tất nhiên chẳng thể ngồi yên một chỗ.

Vì phong cách "bụi phủi" nên chính Thắng cũng không tin có ngày mình lại có một đêm nhạc tác giả tại không gian nhà hát, theo nghĩa tất cả bài hát trong chương trình đều do Thắng sáng tác. Fragile (Hà Anh Tuấn hát nhạc Phạm Toàn Thắng) diễn ra vào tháng 9/2017 đã để lại những dư âm tốt đẹp, đủ để mười chín ngày sau, Thắng đón tuổi 30, tròn trịa và hạnh phúc.

"Đó là món quà sinh nhật lớn nhất mà tôi có được ở tuổi 30, album và đêm nhạc tác giả, điều mà tôi không bao giờ nghĩ mình có thể làm được, dù chỉ với vai trò người đồng hành", Thắng thành thật.

Nhạc sĩ sinh năm 1987 hơn một lần nhắc đến ca sĩ Hà Anh Tuấn vì món quà ý nghĩa cho tuổi 30. Thắng bảo chính giọng ca Cứ thế, bằng sự văn minh và chỉn chu của mình, đã đưa âm nhạc của Phạm Toàn Thắng lên một "chuyến bay", vừa gần gũi vừa sang trọng.

Phạm Toàn Thắng chọn từ "dung hòa" để nhận xét về Fragile. Bằng giọng hát đầy tự sự của Hà Anh Tuấn, Fragile đã góp phần chứng tỏ âm nhạc của Phạm Toàn Thắng có thể thích hợp ở những không gian khác nhau, với những giọng hát khác nhau.

Người ta có thể cầm guitar hát ở bàn nhậu vỉa hè như cách Phạm Toàn Thắng vẫn làm hoặc có thể cầm micro hát trên sân khấu nhà hát, phía trước là hàng nghìn khán giả chật kín, còn phía sau là dàn nhạc giao hưởng hoành tráng.

Phạm Toàn Thắng là một trong những tác giả trong 1987 - cuốn sách về tuổi 30 gây sốt thời gian vừa qua. Trong 1987, Thắng kể chuyện viết nhạc vào năm 17 tuổi với Bài ca A3, Câu chuyện mùa thu và đặc biệt là Cô bé mùa đông - bản hit đình đám một thời.

Thắng gọi Cô bé mùa đông là "mốc dậy thì", khi những rung động đầu đời đã được ghi lại bằng âm nhạc. Đã có rất nhiều đồn đoán về mối tình thực sự phía sau hình ảnh "thiên đường tuyết rơi", nhưng chuyện của Thắng lại đơn giản hơn nhiều. Thắng viết ca khúc chỉ để tặng một cô bạn học khóa dưới.

Thắng, năm nay 30+, thuở "em chưa 18" đã qua tới 13 năm. Nhưng, như cách mà Phạm Toàn Thắng nhận xét, Thắng vẫn viết nhạc theo cách giản dị của mình. Câu chuyện trong ca khúc đều chân thật, và thường bắt nguồn từ cuộc sống của chính tác giả hoặc những người xung quanh.

"Đối với tôi, âm nhạc quan trọng là chân thật. Tôi viết nhạc là viết sự chân thật, thường mỗi ca khúc là một câu chuyện, có thể là chuyện của tôi hoặc chuyện của những người bạn xung quanh được thu thập lại", Thắng khẳng định.

Vì kể chuyện thật nên Thắng viết nhạc, trước hết là để thỏa mãn chính mình, sau đó mới tìm đến sự đồng cảm của người thể hiện và khán giả. Phạm Toàn Thắng từng có một thời gian dài, viết nhạc và không công bố cũng bởi lẽ đó.

"Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, từng đi làm bốn năm. Năm 2013, tôi xin nghỉ việc vì nhận thấy viết nhạc vui và muốn quay lại với âm nhạc, chứ chẳng vì lý do nào khác. Tôi coi âm nhạc như một cuộc vui, nếu hết vui sẽ lại có lựa chọn khác", Thắng nói về mình.

Là cuộc chơi nên Phạm Toàn Thắng không áp lực với công việc sáng tác. Đặc biệt, nhạc sĩ của Bốn chữ lắm cũng không có thói quen viết theo đơn đặt hàng ca khúc từ ca sĩ dù biết đó là một nguồn thu tốt và "chẳng phải chuyện gì xấu".

"Ai cũng vậy, bài nhạc viết ra bằng cảm xúc thật vẫn hơn bài viết ra vì công việc chứ. Người viết thỏa mãn mình sẽ hay hơn là thỏa mãn những đơn đặt hàng. Cuộc đời là một cuộc chơi, sao phải tạo áp lực cho mình, nếu bị áp lực nên nghỉ đi", tác giả sinh năm 1987 nêu quan điểm.

Phạm Toàn Thắng viết cho mình và thường chỉ hợp tác với ca sĩ nếu có sự đồng cảm. Theo nhạc sĩ trẻ, đồng cảm ở đây là sự dung hòa và mang đến cảm xúc cho khán giả. Quan trọng hơn, phải trân trọng cái tôi của nhau.

"Cũng có trường hợp ca sĩ tìm đến tôi để hợp tác. Lúc đầu tôi từ chối vì tôi chưa biết gì nhiều về họ, nhưng sau thời gian tìm hiểu, có sự đồng cảm thì tôi lại hợp tác. Khi mình hợp tác như vậy, việc ca sĩ trả tiền cho sáng tác của mình để độc quyền một thời gian cũng là bình thường. Đó cũng là xu thế tất yếu của âm nhạc", Thắng giãy bày.

Dù chuyện đặt bài quá phổ biến ở thị trường âm nhạc hiện nay, nhưng Thắng khẳng định cậu làm việc dựa nhiều vào cảm xúc nên "không đặt nặng việc kiếm tiền từ sự hợp tác nhạc sĩ - ca sĩ".

Bù lại, Thắng kiếm tiền bằng việc viết nhạc quảng cáo. Công việc này cũng mang lại nguồn thu không nhỏ. Thắng cho biết cậu làm khoảng 5-6 dự án nhạc quảng cáo trong năm, cộng với tiền bản quyền ca khúc, đủ để Thắng có thể thoải mải với “thói quen” rong chơi của mình, trong cả âm nhạc lẫn đời sống. Với nhiều năm hoạt động showbiz theo cách “phủi bụi” của mình, Thắng cũng đã kiếm được tiền tỷ.

Ngoài ra, Thắng cũng viết nhạc phim (chú thích: Phim mà Phạm Toàn Thắng thích, ví như Tuổi thanh xuân).

"Làm những thứ mình thích", nghe có vẻ hơi trẻ con, nhưng lại hợp với Phạm Toàn Thắng. Chẳng thế mà Hà Anh Tuấn hay trêu Thắng "như thằng bé thiểu năng, không chịu lớn, chỉ dừng lại ở mức 18, 19 tuổi", tức vừa qua tuổi dậy thì.

Đáp lại, Thắng bảo cậu cũng thấy mình trẻ con dù là tác giả của nhiều câu nhạc... thật người lớn. Nhưng không riêng Hà Anh Tuấn, ai tiếp xúc với Phạm Toàn Thắng đều chung nhận định, Thắng trẻ thật, theo đúng nghĩa đen. Nhìn Thắng, không ai nghĩ cậu đã 30 tuổi.

Trong ca khúc Ba mươi, Thắng viết thế này: "Ta vẫn yêu, ta vẫn say, ta vẫn mơ dù đã 30 rồi/ Ừ thì này có bớt vui, có bớt chơi, có bớt ngông, có bớt đi tươi mới/ Vẫn thèm thuồng những chuyến đi, trong nắng mưa như lúc xưa vẫn mong chờ/ Mỏi gối chùng chân chỉ một vài giây ta lại bắt đầu hành trình".

Với Thắng, những cuộc rong chơi sẽ không dừng lại khi ta còn tuổi trẻ, mà tuổi trẻ thì chẳng thể thiếu được tình yêu, sự say mê, và mơ mộng. Phạm Toàn Thắng bảo cậu không có thói quen nhìn về quá khứ để tổng kết, thay vào đó, Thắng khuyên hãy nhìn về tương lai.

"Những giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam hình như tôi cũng đoạt hết rồi, vinh hạnh cũng đã có. Ít ra, tuổi trẻ của mình đã có cái để nói. Nhưng mọi thứ vẫn tiếp diễn, tôi thường chỉ nhìn về quá khứ để mỉm cười chứ không coi đó là một điều gì ghê gớm. Hành trình phía trước vẫn đang mở ra và bắt đầu", nhạc sĩ trẻ cho hay.

Trước câu hỏi "Có bao giờ anh chùn chân trong hành trình của mình?", Phạm Toàn Thắng đáp "Không. Chùn chân, giống như tinh thần của mình đã chùn lại. Tôi chỉ chùng chân". Thắng bảo với cậu, mọi thứ chỉ tác động về mặt thể xác, như nếu mình mỏi quá thì mình chùng chân mất vài giây, rồi sẽ lại đi tiếp.

Nó cũng giống như cách Phạm Toàn Thắng đối diện với những lời chỉ trích, ném đá khi cậu giới thiệu ca khúc Nắng cực cách đây 2 năm.Không ít người cho rằng Nắng cực là sự "mất chất", nông nổi của Phạm Toàn Thắng.

Thắng thừa nhận đó là một trong những phút "ngông" của tuổi trẻ nhưng "vẫn là Thắng đó thôi, có chăng là một Thắng gai góc hơn để sau đó mọi người lại thấy một Thắng lãng mạn với Tháng tư là lời nói dối của em, lãng đãng với Thả vào mưa. Tóm lại, Thắng chẳng đi đâu cả".

Nhạc sĩ của Vẽ cho rằng yêu một người, chúng ta thường yêu vì những cái tốt nhưng tốt hoài cũng thành chán. Đôi khi cũng cần một sự nổi loạn của người đó, và nếu yêu thực sự phải yêu được cả sự nổi loạn đó.

"Nó có thể đúng hoặc sai. Nhưng tuổi trẻ cũng phải thể hiện cái tôi. Mọi người phê phán vì có thể tôi không đúng, nhưng cũng nên cho tôi được thể hiện cái tôi như vậy. Ít ra, để tôi không bị sự kìm hãm, bí bách trong âm nhạc, nếu không phù hợp, tự tôi sẽ biết điều chỉnh", Phạm Toàn Thắng bộc bạch.

Dù chỉ sáng tác như một cuộc rong chơi, nhưng Phạm Toàn Thắng được đánh giá như gương mặt sáng giá của thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay. Nói như Hà Anh Tuấn, Thắng đại diện của hiện tại, và nếu không đứng cạnh Thắng, không hát nhạc của Thắng, nam ca sĩ cảm thấy "già nua".

Không được học hành bài bản, cũng không xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng Phạm Toàn Thắng đã kiến tạo nên giá trị âm nhạc của riêng mình. Thắng hiện cũng là một trong những tác giả có nhiều ca khúc hit nhất trên thị trường, vừa được giới chuyên môn đánh giá cao, vừa được số đông yêu thích.

Khi được hỏi về nhạc sĩ trẻ để lại nhiều ấn tượng trên thị trường hiện nay, nhạc sĩ Giáng Son chọn Phạm Toàn Thắng. Thắng cũng là nhạc sĩ trẻ hiếm hoi gần như "miễn nhiễm" với những scandal đạo nhạc, dù đã sáng tác đến cả trăm ca khúc.

Đặc biệt, dù luôn đặt sự đồng cảm lên hàng đầu, nhưng âm nhạc của Phạm Toàn Thắng vẫn đa dạng về giọng ca thể hiện, từ Thủy Tiên, Đăng Khôi, Hari Won... đến cả những giọng ca cá tính như Trúc Nhân, Thảo Nhi, Phùng Khánh Linh.

Phạm Toàn Thắng thừa nhận nhạc của mình không dễ hát, và mỗi bài lại có ca sĩ phù hợp khác nhau. Do vậy, không có ca sĩ nào được cho là hát hay nhất âm nhạc của Phạm Toàn Thắng.

"Như Dấu mưa, Trung Quân là xuất sắc nhất, như đo ni đóng giày. Trúc Nhân và Thảo Nhi là Bốn chữ lắm, khó tìm bộ đôi nào hát được tinh thần đó. Bài Cứ thế, tôi rất thích anh Hà Anh Tuấn hát, Chuyện của mùa đông cũng vậy. Phùng Khách Linh thì cực hợp với Chạy".

Theo Phạm Toàn Thắng thời của những "cặp đôi" âm nhạc như Anh Quân - Mỹ Linh, Quốc Trung - Thanh Lam, khi người thể hiện là "nàng thơ" của người sáng tác đã đi qua. Người trẻ bây giờ có những sự hợp tác và đồng điệu riêng, một nhạc sĩ gắn bó với nhiều ca sĩ là bình thường.

"Ngoài ra, xu hướng âm nhạc là singer/songwriter. Người sáng tác cũng có thể hát được, theo cách của mình. Ví như tôi cũng vậy, tôi cũng có cách hát riêng, không lẫn lộn với ai cả. Tôi thường viết cho bản thân, và mình sẽ là người cất tiếng hát đầu tiên", nhạc sĩ trẻ cho hay.

Với suy nghĩ ấy, trong ca khúc Ba mươi, Thắng đã tự hát về mình - một chàng trai mải mê rong chơi - với những tâm sự có lẽ không ai có thể kể thay: "Mẹ kêu ta nói con chơi vừa thôi/ Cũng đã đến lúc con phải ổn định rồi/ Tuổi đời theo bác Y Vân bẻ làm đôi/ Cũng nên xây nhà đun bếp ở bên kia đồi".

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây