Không có thời gian nghỉ ngơi
Theo NSƯT Hồng Liên, do đời sống ngày càng phát triển nên những đêm nhạc mang tính tri ân - giáo dục đậm màu sắc Phật giáo được các chùa tổ chức ngày càng nhiều trong vùa Vu Lan. Thậm chí, có những chùa tổ chức tới hai đêm để phục vụ Phật tử và người dân vì một đêm không hết. Đó cũng là lý do mà rất nhiều nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ hát nhạc Phật không có thời gian nghỉ ngơi vì phải chạy show hát cúng dường.
Gắn liền với những đêm nhạc Phật giáo ở miền Nam có thể kể đến các gương mặt quen thuộc như: NSƯT Út Bạch Lan, NSND Lệ Thuỷ, NSND Bạch Tuyết, NSND Kim Cương, NSƯT Vũ Linh, Vân Khánh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Hồng Nga, ca sỹ Sỹ Luân, Nguyễn Phi Hùng, Phương Thanh, Quang Hà, Quốc Đại, Bích Phượng, Trung Hậu, Hiền Thục, Bằng Cường, Quách Tuấn Du, Quách Beem, Huỳnh Nhật Đông... và miền Bắc cũng có một số lượng khá hùng hậu: NSƯT Hồng Liên, NSƯT Thanh Thủy (đoàn cải lương Thái Bình), Lương Nguyệt Anh, Ngọc Ký, Tuýnh Nhật Minh, Tâm Nguyện, Thúy Nga, Tân Phương, nhóm hài Trà My, Vượng Râu...
Trong số những nghệ sĩ kể trên, có thể nói NSƯT Út Bạch Lan là người nghệ sĩ bền bỉ và nhiệt tình nhất đối với các chương trình âm nhạc Phật giáo ở phía Nam. Bà đã có hơn 20 năm ăn chay trường và cùng nhóm từ thiện “Hoa lan trắng” (gồm các diễn viên cải lương trẻ và các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử, Tô Châu, Bảo Trân…) miệt mài đi hát từ thiện ở các chùa cũng như tổ chức quyên góp để giúp đỡ những cảnh đời khó khăn. Từ nhiều năm nay, bà như đã trở thành “linh hồn” không thể thiếu trong các đêm văn nghệ về Vu Lan bởi lời hát của bà có sức lay động lòng người rất lớn. Thậm chí, ở tuổi “thập cổ lai hy” nữ nghệ sĩ này vẫn chọn sân chùa làm sân khấu chính để hát những bài ca, những vở tuồng về Phật gây quỹ trùng tu, sửa chữa chùa chiền.
Ca sĩ Lương Nguyệt Anh chia sẻ, các ca sỹ thuộc dòng nhạc dân gian, dân ca truyền thống và cải lương là được các chùa đặt lời mời tham gia biểu diễn nhiều nhất. Tất nhiên, việc hát ở đây hoàn toàn mang tâm nguyện cúng dường chứ các nghệ sĩ không đòi hỏi cát-sê và nếu quý thầy “ép” nhận thì khi nhận xong nhiều nghệ sĩ cũng lại bỏ vào thùng công đức để công đức lại cho chùa. Ngoài ra, theo Lương Nguyệt Anh, đối với nhiều nghệ sĩ, việc được hát cho nhà chùa cũng là một cách họ báo hiếu Phật tổ, báo hiếu mẹ cha và những khán giả đã yêu thương họ.
NSƯT Hồng Liên cho biết thêm, bà có duyên được tham gia biểu diễn ở các chùa đã gần 10 năm nay. Riêng mùa Vu Lan 2016, bà đã tham gia được 6 chương trình âm nhạc Phật giáo ở nhiều ngôi chùa của Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng. Phần lớn các chương trình bà tham gia, ngoài ngâm thơ về chủ đề nhà Phật, bà còn thể hiện một số ca khúc ngợi ca quê hương và ơn nghĩa sinh thành của mẹ cha.
“Với những nghệ sĩ như chúng tôi, việc tham gia biểu diễn trong các đêm nhạc Vu Lan hay các chương trình âm nhạc của nhà chùa không đơn thuần là hoạt động nghệ thuật mà nó còn là một cách để các nghệ sỹ “trả nghiệp” với cuộc đời. Vì lẽ đó, cứ hễ thu xếp được thời gian thì chùa nào mời tôi sẵn sàng lên đường bất kể sớm hôm”, NSƯT Hồng Liên nói.
Nghẹn ngào mỗi khi hát về mẹ
Ca sĩ trẻ Quách Beem chia sẻ rằng, kể từ sau khi anh hoàn thành dự án âm nhạc cộng đồng “Đạo làm con”, anh được rất nhiều sư thầy ở các chùa mời về biểu diễn. Dịp Vu Lan anh lại càng nhận được nhiều lời mời hơn bởi những bài hát của anh rất phù hợp với không gian của những đêm nhạc tri ân mẹ cha. Ở sân khấu Vu Lan nào, Quách Beem cũng được yêu cầu hát những bài hát về mẹ cha như: Đạo làm con, Mẹ...
Đặc biệt, trong mùa Vu Lan này, Quách Beem đã kịp cùng ca sĩ Minh Tuấn thu âm bài hát “Gánh mẹ” do anh tự sáng tác để gửi tặng các bà mẹ. Với bài hát này, cứ mỗi lần hát đến đoạn “Ngày xưa mẹ gánh à ơi/Con xin gánh lại những lời mẹ ru/Đường đời sương gió mịt mù/Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan. Để con gánh mẹ đừng can/Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai/Cho con gánh cả tháng dài/Gánh qua năm ròng những ngày đắng cay” là anh lại nghèn ngào không cất lời được nữa. Dưới sân khấu, cũng có không ít người khóc theo. Tính từ đầu mùa Vu Lan đến nay, Quách Beem đã tham gia biểu diễn công đức ở 6 chùa tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
Ca sĩ Tuýnh Nhật Minh cho biết, năm nay vì bố anh mới qua đời nên anh không tham gia biểu diễn được nhiều ở các chùa. Tuy nhiên, cái cảm xúc của một người con vừa mất đi đấng sinh thành khiến anh luôn trào dâng cảm xúc khi hát những bài về cha, về mẹ trong lần biểu diễn tại chùa cách đây không lâu.
“Đối với tôi, chẳng có nỗi mất mát nào hơn trên cuộc đời này khi phải lìa cha, lìa mẹ. Vì thế, trước đây, mỗi khi đi hát cho chùa trong mùa Vu Lan tôi thường rất hay rơi nước mắt khi tận mắt chứng kiến các vị Phật tử lớn ngậm ngùi cài lên ngực mình bông hồng vàng (biểu tượng của những người không còn mẹ) trong dịp lễ Vu Lan. Tuy nhiên, cũng nhờ những hình ảnh ấy mà mỗi lời hát tôi cất lên chất chứa một xúc cảm mãnh liệt”.
NSƯT Hồng Liên kể, trong một lần biểu diễn ở một ngôi chùa cổ của Bắc Ninh, bà đã ngẹn ngào gần như không hát được khi nhìn thấy một chú tiểu mới quy y khóc nức nở khi nghe bà hát bài “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”. Với bà, trong hơn 30 năm tham gia nghệ thuật, đã đứng trên hàng nghìn sân khấu lớn nhỏ nhưng chưa bao giờ bà xúc cảm mãnh liệt đến vậy.
Lương Nguyệt Anh cũng kể rằng, cảm xúc của cô khi hát ở chùa trong mùa Vu Lan đặc biệt hơn hát trên sân khấu ca nhạc. Cảm giác đặc biệt này không chỉ xuất phát từ việc cô là một Phật tử mà bởi mỗi khi hát trong mùa Vu Lan cô có cảm giác như đang hát cho người mẹ của mình nghe. Và cô thường không dám nhìn thẳng vào mắt những quý thầy lẫn Phật tử tham dự chương trình bởi cô sợ bị lây nỗi buồn từ họ. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần hát trong các chương trình Vu Lan, cô lại thấy mình như thanh thoát hơn. Cô thấu cảm nhiều hơn về những nỗi nhọc nhằn mà mẹ cha đã nuôi nấng mình. Và cũng nhờ thế mà cô sống ngày càng sâu sắc và đằm chín hơn dù tuổi đời vẫn còn rất trẻ.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn