Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Trưa mai bão vào miền Trung, sóng biển vùng tâm bão cao hơn 10m

Trưa mai bão vào miền Trung, sóng biển vùng tâm bão cao hơn 10m
Cơn bão số 10 rất mạnh, khu vực đổ bộ khá thoáng, thời gian thủy triều dâng cao nhất trong năm, nước dâng và sóng biển cũng là vấn đề quan tâm. Gần tâm bão đi qua, sóng biển ngoài khơi cao trên 10m.

Sáng nay 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó với bão số 10. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến ứng phó cơn bão số 10.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 7h ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 đến 100 km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên.

Đến 7h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km; khoảng trưa chiều mai (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.

Nói thêm về cơn bão số 10, ông Hoàng Đức Cường lưu ý: "Cơn bão số 10 rất mạnh, khu vực đổ bộ khá thoáng, thời gian thủy triều dâng cao nhất trong năm, nước dâng và sóng biển cũng là vấn đề quan tâm. Dự kiến, từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, Quảng Bình nước dâng cao trên 1m. Trọng điểm nhất là Thanh Hóa – Hà Tĩnh nước dâng do bão là trên 2m, có nơi cộng thủy triều nước dâng lên 3-4m. Gần tâm bão đi qua, sóng biển ngoài khơi cao trên 10m, ven bờ 5-6m" - ông Hoàng Đức Cường nói.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên phòng thông tin, tính đến 6h ngày (14/9) đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 69.547 tàu/287.359 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ đội Biên phòng cho biết thêm, theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa: hiện chưa liên lạc được với 4 tàu/38 lao động (Ninh Bình: 1 tàu/5 lao động ở khu vực phía Nam của tỉnh; Thanh Hóa: 3 tàu/33 lao động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ).

Cũng tại cuộc họp này, đại diện các địa phương được dự báo sẽ nằm trong vùng mà bão số 10 sẽ đổ bộ cho biết, đã thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Các địa phương trên cho biết thêm, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 10 đã được thực hiện rất khẩn trương, quyết liệt không chủ quan. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trên biển, các địa phương trên đã thực hiện cấm biển từ 7h sáng nay (14/9).

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Đây là cơn bão rất mạnh từ đầu năm đến nay, do đó, các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương hết sức chú ý, không được chủ quan trong công tác ứng phó.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương tinh thần chủ động, tập trung, khẩn trương ứng phó với bão số 10 của các Bộ, ngành và các địa phương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý: Bão số 10 rất mạnh, các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó.

Phó Thủ tướng lưu ý thêm: Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, lại đúng vào thời điểm thủy triều dâng lên cao nên tỷ lệ rủi ro rất cao, vì vậy đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng về ứng phó với bão số 10; đảm bảo an toàn trên biển, tập trung kiểm đếm tàu thuyền, thông tin cho ngư dân biết vị trí, hướng đi của bão để vào nơi tránh trú an toàn. Vùng biển ven bờ cũng cần hết sức chú ý, thực hiện cấm biển và sắp xếp chỗ neo đậu tàu thuyền cho khoa học, không để ngư dân ở lại tàu thuyền nơi neo đậu.

Về sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý, hiện nay khu vực này lúa đang vào thời kỳ thu hoạch nên công tác triển khai nhằm giảm thiểu thiệt hại cần thực hiện khẩn trương, chủ động bơm nước tiêu úng, thu hoạch nhanh theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Đồng thời, hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng cần được chú ý, tránh thiệt hại cho nhân dân như các lồng bè nuôi, chòi canh...

Các công trình xây dựng ở khu vực bão có thể đổ bộ cũng cần hết sức chú ý như nhà dân, trường học, bệnh viện...nhất là những công trình cao tầng rất dễ bị đổ khi bão vào.

Một vấn đề nữa Phó Thủ tướng đề nghị cần phải quan tâm đó là, các tuyến đê sông, đê biển, tuyến giao thông quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc-Nam. Cần chuẩn bị tinh thần chủ động ứng phó, nếu có sự cố phải khắc phục nhanh không được để giao thông ách tắc nhiều giờ.

"Ảnh hưởng của bão số 10 được dự báo sẽ có mưa rất lớn, do đó tôi đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần lưu ý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Cần quan tâm sát sao các hồ này để có biện pháp ứng phó hiệu quả nhất khi có sự cố xảy ra. Cuối cùng, các địa phương cần phát huy hơn nữa kinh nghiệm ứng phó "4 tại chỗ" hơn nữa, bởi đây là phương án ứng phó kịp thời và hiệu quả nhất" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Nguyễn Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây