Vì sao Nhật không thể tung đòn diệt tên lửa Triều Tiên?

Thứ ba - 05/09/2017 09:07

Vì sao Nhật không thể tung đòn diệt tên lửa Triều Tiên?

Ngoài thách thức về kỹ thuật, Nhật còn không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để bắn hạ tên lửa Triều Tiên bay qua vùng trời.

Tên lửa Hwasong-12 Triều Tiên phóng qua Nhật Bản. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên ngày 30/8 xác nhận họ đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua bầu trời phía trên bán đảo Oshima của Hokkaido và mũi Erimo của Nhật Bản và đánh chính xác vào vùng biển mục tiêu ở bắc Thái Bình Dương. Hãng thông tấn KCNA tuyên bố đây là "bước khởi đầu để kiềm chế Guam" của Triều Tiên.

Tình báo Mỹ xác nhận họ đã phát hiện động thái di chuyển tên lửa của Triều Tiên vài giờ trước khi phóng, sau đó nhận định đường bay của tên lửa không đe dọa đến lãnh thổ Mỹ. Quân đội Nhật Bản cũng cho biết các tổ hợp tên lửa đánh chặn của họ đã sẵn sàng chiến đấu, nhưng quyết định khai hỏa không được đưa ra vì Tokyo xác định tên lửa này không nhằm vào lãnh thổ Nhật, theo Japan Times.

Theo các chuyên gia quân sự, đây là một quyết định hợp lý của Nhật Bản về cả mặt kỹ thuật lẫn pháp lý. Về phương diện kỹ thuật, Masahisa Sato, thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản, từng khẳng định rằng việc 4 tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis với tên lửa đánh chặn SM-3 của nước này trên biển Nhật Bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua.

Nhật Bản đã hai lần phóng thử tên lửa SM-3, nhưng một lần thất bại, chứng tỏ lá chắn phòng thủ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đảm bảo khả năng đánh chặn 100%. Trong khi đó, các tổ hợp đánh chặn PAC-3 chỉ có tầm bắn khoảng 30 km, không đủ sức bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay ở độ cao 550 km.

Nếu Nhật quyết định phóng tên lửa SM-3 nhưng bắn trượt tên lửa đạn đạo Triều Tiên, thất bại này sẽ giáng một đòn nặng nề vào uy tín của lá chắn phòng thủ của Tokyo, làm dấy lên nỗi lo ngại không cần thiết trong dư luận nước này.

Tàu khu trục Nhật phóng thử tên lửa đánh chặn SM-3.

Ngoài lý do kỹ thuật, các chuyên gia tin rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng không có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để bắn hạ tên lửa Triều Tiên bay ngang qua vùng trời nước này.

Quân đội Nhật Bản được phép bắn hạ bất cứ vật thể nào xâm phạm lãnh thổ, không phận, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân nước này. Tuy nhiên, khái niệm không phận dù chưa được quy định chính thức trong các văn kiện quốc tế, nhưng thường được hiểu là vùng trời từ độ cao 100 km trở xuống. Việc tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay ngang vùng trời ở độ cao 550 km không phải là hành động xâm phạm không phận của Nhật Bản.

Đường bay của tên lửa Triều Tiên. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Các hệ thống radar hiện đại của Nhật và Mỹ sẽ dễ dàng xác định được quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên chỉ một thời gian ngắn sau khi nó được phóng lên, qua đó biết được tên lửa này có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản hay không. Khi xác định tên lửa sẽ không rơi xuống lãnh thổ Nhật, quân đội nước này sẽ không được phép khai hỏa để bắn hạ tên lửa Triều Tiên.

Một cơ sở pháp lý được các quan chức Nhật Bản viện dẫn để có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên là thực hiện quyền phòng vệ tập thể nhằm bảo vệ đồng minh khi bị đe dọa. Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ năm 2014 đã tìm cách diễn giải lại hiến pháp nước này, cho phép quân đội Nhật có các biện pháp sử dụng vũ lực cần thiết để can thiệp để bảo vệ đồng minh bị đe dọa, cụ thể là bảo vệ Mỹ khi tên lửa Triều Tiên có nguy cơ nhắm tới Guam.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng ngay cả theo cách diễn giải hiến pháp mới của Thủ tướng Abe, Nhật Bản cũng không được phép tấn công một nước thứ ba trừ phi sự sống còn của Nhật bị đe dọa mà không còn giải pháp nào khác.

"Sẽ không có bất cứ cơ sở pháp lý hay ý nghĩa nào trong việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ giám sát và chỉ bắn hạ chúng khi chúng sắp rơi xuống lãnh thổ Nhật", Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh hạm đội thuộc hải quân Nhật Bản, cho biết.

Ông Koda cũng cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật không thể sánh được cả về công nghệ lẫn khả năng sẵn sàng chiến đấu với lá chắn 4 lớp gồm các cụm tàu Aegis và tổ hợp Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương, thế nên Tokyo "không cần thiết phải giúp Mỹ".

Một tổ hợp đánh chặn Patriot PAC-3 của Nhật. Ảnh: Japan Times.

Luật sư Masahiro Sakata, cựu cục trưởng Cục Pháp chế Nội các Nhật Bản, cho rằng chính phủ nước này chỉ được phép sử dụng "quyền phòng vệ tập thể" một khi tình hình "thảm họa" sắp xảy ra với nước này. "Chúng tôi từng sử dụng những từ ngữ đó để chỉ tình huống Nhật Bản bị nước ngoài tấn công trực tiếp", Sakata nói.

Ông cho rằng tình huống "thảm họa" đó sẽ không xảy ra nếu Triều Tiên chỉ phóng tên lửa đạn đạo bay qua nước này, ngay cả khi quả tên lửa đó nhắm thẳng tới Guam. Theo Sakata, luật pháp quốc tế quy định rằng quyền phòng vệ tập thể chỉ được áp dụng khi quốc gia đồng minh cũng tuyên bố sử dụng quyền này và đồng thời yêu cầu sự trợ giúp từ Nhật Bản.

"Nhật không thể đơn phương bắn hạ tên lửa Triều Tiên bắn tới Guam trừ phi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Mỹ", luật sư này cho biết. "Hành động này sẽ không được coi là sử dụng quyền phòng vệ tập thể theo luật pháp quốc tế".

Trí Dũng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây