Tin tặc lộng hành ở thời điểm nhạy cảm của vụ kiện "đường lưỡi bò"

Thứ năm - 11/08/2016 17:17

Tin tặc lộng hành ở thời điểm nhạy cảm của vụ kiện "đường lưỡi bò"

Trước và sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò", Philippines nhiều lần bị tin tặc "ghé thăm".

Hành khách dồn ứ tại sân bay Nội Bài chiều 29/7 do vụ tấn công mạng. Ảnh: Hùng Sơn

Theo Diplomat, trong vòng vài giờ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, ít nhất 68 website chính phủ và địa phương Philippines đã bị tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS). Đây không phải là lần đầu tiên vụ kiện mang tính bước ngoặt về Biển Đông thổi bùng lên căng thẳng trong không gian mạng.

Mùa hè năm ngoái, máy chủ của tòa đã bị tấn công, khiến những ai quan tâm đến vụ kiện có nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu. Trước khi tòa ra phán quyết, Jason Healey và Anni Piiparinen, chuyên gia thuộc Sáng kiến Quản lý Không gian mạng tại Hội đồng Đại Tây Dương, đã dự đoán rằng "Philippines và đồng minh Mỹ nên bắt đầu chuẩn bị cho một cơn giận dữ của 'tin tặc yêu nước' Trung Quốc, nếu phán quyết chống lại Bắc Kinh". Và trong khi chính phủ Philippines vẫn chưa công khai bên nào chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công hai tuần trước, bối cảnh và thời gian đã khiến nhiều người đưa ra suy đoán.

Các cuộc tấn công DDoS làm tê liệt hệ thống mạng chính phủ của Philippines bắt đầu vào chiều ngày 12/7, đúng ngày Tòa trọng tài ra phán quyết. Các vụ tấn công sau đó còn kéo dài vài ngày và nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ quan trọng, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Trung ương, và phòng quản lý của tổng thống Philippines, cùng với một trung tâm y tế và các đơn vị chính quyền địa phương. Ngoài ra, một số cổng thông tin chính quyền địa phương còn bị đổi nội dung thành dấu hiệu của nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous và một tin nhắn có chữ ký "chính phủ Trung Quốc".

Trước đó, vào tháng 4/2012, sau một vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough, hệ thống mạng chính phủ và quân sự của Philippines đã bị đột nhập và bị đánh cắp tài liệu quân sự cùng thông tin liên lạc nhạy cảm, theo công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở tại Mỹ.

Ngoài Philippines, Việt Nam cũng là mục tiêu của tin tặc. Chiều 29/7, hàng loạt màn hình hiển thị thông tin chuyến bay cùng hệ thống phát thanh của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về Biển Đông, xúc phạm Việt Nam và Philippines. Cùng thời điểm, website của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng bị thay đổi nội dung, để lại thông báo là nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc đã thực hiện nội dung này.

Nhóm 1937cn sau đó bác bỏ việc có liên quan đến sự cố tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhưng không nhắc đến cuộc tấn công vào trang web của Vietnam Airlines.

Hiện chưa rõ những cuộc tấn công này có liên quan tới tin tặc Trung Quốc hay không. Nhưng theo Piiparinen, trong thời gian căng thẳng tranh chấp chủ quyền, tin tặc thường xuyên tham gia vào các cuộc tấn công, và gần như không thể phân biệt được sự khác nhau trong các cuộc tấn công cá nhân với chiến dịch từ đơn vị mạng của chính phủ.

Trong trường hợp vụ tấn công mạng Philippines, việc sử dụng dấu hiệu của Anonymous "tiếp tục làm mờ ranh giới giữa chính phủ và tổ chức độc lập: nó có thể cho thấy đó là một cuộc tấn công độc lập, hoặc cuộc tấn công chồng chéo giữa các thành viên Anonymous và tin tặc trong biên chế của chính phủ, hoặc chỉ đơn giản là chiêu đánh lạc hướng của thủ phạm", Piiparinen nhận xét.

Các cuộc tấn công mạng cho thấy trong khi các báo cáo của chính phủ Mỹ và tổ chức tư nhân trong vài tháng gần đây ghi nhận sự sụt giảm đáng kinh ngạc số lượng cuộc tấn công mạng của các nhóm tin tặc liên quan đến Trung Quốc tại Mỹ, thì các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc không thể lơ là. Bà Piiparinen cho rằng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cần nghiêm túc đầu tư vào việc bảo vệ mạng thông qua việc tăng đầu tư trong nước, các sáng kiến ​​khu vực, và tăng cường liên minh quốc tế.

Với việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết, và tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chưa đưa ra giải pháp phù hợp cho tranh chấp, tình hình khu vực sẽ không thể giảm nhiệt trong lương lai gần.

Cho dù chính phủ Trung Quốc không liên quan vào cuộc tấn công mạng hai tuần trước, "ảnh hưởng từ quyết định của tòa khó có thể chỉ dừng lại ở đó", Piiparinen nhận xét.

Phương Vũ

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây