Thế khó của Mỹ trên Biển Đông vì khủng hoảng Triều Tiên

Thứ ba - 09/05/2017 08:00

Thế khó của Mỹ trên Biển Đông vì khủng hoảng Triều Tiên

Vì muốn Trung Quốc giúp kiềm chế Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải gạt bỏ các yêu cầu tuần tra gần những đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Tuần dương hạm USS Chancellorsville thuộc biên chế hải quân Mỹ trở về eo biển Luzon, gần đảo Luzon, Philippines, sau chuyến tuần tra Biển Đông năm ngoái. Ảnh: New York Times

Cách đây 6 tuần, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ yêu cầu các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho phép một chiến hạm nước này đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền, theo New York Times.

Lúc bấy giờ, hải quân Mỹ có căn cứ vững chắc để tin rằng yêu cầu sẽ được chấp thuận. Suốt thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama vì quá nhẹ tay trong nỗ lực bảo vệ vùng biển quốc tế ở Biển Đông, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo rồi đưa trang thiết bị quân sự đến đây.

Tại phiên điều trần phê chuẩn chức vụ ở thượng viện Mỹ hồi tháng một, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thậm chí còn kêu gọi ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các thực thể này.

Chuyên gia chính sách ngoại giao và các nhà quan sát châu Á chờ đợi hải quân Mỹ tiến hành trở lại các cuộc tuần tra thường xuyên gần vùng lãnh hải mà Trung Quốc xác lập phi pháp xung quanh các đảo nhân tạo, điều ông Obama trước đó thỉnh thoảng cho phép.

Nhưng yêu cầu trên từ Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương cùng hai đề xuất tương tự của hải quân Mỹ trong tháng hai bị các quan chức Lầu Năm Góc gạt bỏ trước cả khi trình lênTổng thống Mỹ. Ông Trump đã trải qua hơn 100 ngày lãnh đạo đất nước song đến nay, vẫn không có chiến hạm Mỹ nào đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông, một số quan chức Lầu Năm Góc cho biết.

Nhượng bộ Trung Quốc

Hình ảnh chụp từ vệ tinh vào tháng 4/2015 cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép một đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP

Cây bút Helen Cooper từ New York Times đánh giá quyết định không triển khai các cuộc tuần tra phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy một sự nhượng bộ đáng chú ý ở Mỹ, trong thời điểm chính quyền Trump đang phải nhờ cậy Trung Quốc tháo gỡ cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Hiện chưa rõ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph F. Dunford Jr. hay các cấp phó của họ từ chối ba yêu cầu tuần tra kể trên, song Lầu Năm Góc nói Nhà Trắng không liên quan.

Đề cập đến các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) của hải quân Mỹ, Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói: "Tất cả những phát ngôn cứng rắn mà ông Trump và ông Tillerson đưa ra cộng với việc giới lãnh đạo chính sách ngoại giao đảng Cộng hòa từng chỉ trích ông Obama không thực hiện FONOPS đến nơi đến chốn mang đến kỳ vọng lớn rằng Trump sẽ sớm thiết lập nên chuẩn mực. Nhưng điều đó đã không xảy ra".

Căng thẳng đang nóng lên trên bán đảo Triều Tiên dường như khiến chính quyền Trump thay đổi các ý tưởng trước đó về cách ứng phó với Trung Quốc, Helen Cooper nhận định.

Trong quãng thời gian chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump từng dùng những lời lẽ đanh thép với Bắc Kinh, cam kết sẽ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, đồng thời gây sức ép lên Trung Quốc về thương mại.Tuy nhiên, trước cách hành xử khiêu khích ngày càng leo thang của Triều Tiên hơn ba tháng qua, chính quyền Trump có lẽ chủ trương tạo ra bầu không khí hòa hoãn hơn, nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên. 

Thiện chí Tổng thống Mỹ Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng tiến dần qua mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa, chuyên gia nhận xét. Tuần trước, sau vụ phóng tên lửa mới nhất Bình Nhưỡng thực hiện, ông Trump viết trên Twitter: "Triều Tiên không tôn trọng các nguyện vọng từ Trung Quốc cũng như chủ tịch đáng tôn kính của nước này khi phóng tên lửa vào hôm nay dù thất bại. Thật tồi tệ!".

Quyết định từ chối yêu cầu từ hải quân Mỹ triển khai chiến hạm đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp ở Biển Đông xuất hiện thường xuyên dưới thời Obama. Thực tế, ông Obama đã phải hứng chịu không ít chỉ trích gay gắt của phe Cộng hòa vì không cho phép thực hiện các cuộc tuần tra như vậy trong hơn hai năm bởi lo ngại nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

Tháng 10/2015, chính quyền Obama điều khu trục hạm tên lửa Lassen đi vào lãnh hải gần đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Thời điểm đó, Nhà Trắng đã hạ thấp tầm quan trọng của động thái này và chỉ đạo các quan chức Bộ Quốc phòng không thảo luận công khai về chuyến tuần tra vì muốn tránh leo thang xung đột.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: US Navy

Thái độ lưỡng lự ấy đã bị Trump chỉ trích dữ dội suốt cuộc vận động tranh cử năm ngoái. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi tháng 3/2016, ông nhấn mạnh Bắc Kinh đã xây dựng "một pháo đài quân sự và những thứ tương tự mà có lẽ thế giới chưa từng thấy".

"Thật đáng ngạc nhiên! Họ thoải mái làm điều đó vì họ không tôn trọng tổng thống của chúng ta và không tôn trọng đất nước chúng ta", Trump nói.

Tại phiên điều trần phê chuẩn chức vụ ở thượng viện Mỹ, ông Tillerson khẳng định chính quyền Trump sẽ "gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng, trước hết là phải ngừng xây dựng đảo nhân tạo, thứ hai, Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo này".

Giờ đây, cam kết ấy vẫn chưa được thực hiện. Chuyên gia Robert Daly từ Trung tâm Wilson, cho hay Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa đảo nhân tạo và xây các nhà chứa máy bay có khả năng chống bom trên chúng cũng như triển khai thêm trang thiết bị quân sự đến đây.

Bắc Kinh biện minh rằng những hành động đó không phải quân sự hóa đảo nhân tạo. Họ ngang nhiên nói các đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc. Song Mỹ và nhiều nước khác không chấp nhận tuyên bố phi lý này.

Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Mattis và bộ máy lãnh đạo Lầu Năm Góc muốn thận trọng xem xét những hệ lụy chiến lược của các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong chính sách an ninh quốc gia tổng thể. Dù Mattis không phản đối hoạt động FONOPS, ông vẫn đang đánh giá lại chính sách an ninh của Mỹ trên khắp thế giới.

Mặt khác, Mỹ đang chờ đợi Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên và điều này càng khiến triển vọng về một cuộc tuần tra tự do hàng hải tiếp theo trở nên không rõ ràng, giới quan sát nhận định.

Theo Andrew L. Oros, giáo sư khoa học chính trị và quốc tế, đối với chính quyền Trump, giờ đây, việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân quan trọng hơn nhiều so với việc đối đầu với Trung Quốc bằng các chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Oros cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Trump vẫn phải giám sát chặt chẽ mọi động thái mà Trung Quốc thực hiện và không được phép thoái lui trong lập trường về tranh chấp ở Biển Đông.

"Tôi hy vọng điều này không tạo ra cho Trung Quốc cảm giác rằng đây là sự thừa nhận ngầm trước các tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế", ông Oros nói.

Hồng Vân

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây