Thảm cảnh nằm trong toan tính của IS ở sào huyệt Mosul

Thứ tư - 05/07/2017 20:29

Thảm cảnh nằm trong toan tính của IS ở sào huyệt Mosul

Lãnh đạo IS có thể chấp nhận trả giá đắt ở Mosul để thống trị thế giới Hồi giáo cực đoan khi rút vào hoạt động bí mật.

 Cảnh sát Iraq trên chiến trường Mosul. Video: Rudaw.

Sau 8 tháng phát động chiến dịch giải phóng Mosul, các lực lượng an ninh Iraq được Mỹ hậu thuẫn dường như sắp chấm dứt sự cai trị của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố lớn thứ hai đất nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng đây chưa phải là dấu chấm hết của IS ở Trung Đông, khi phiến quân có thể rút vào hoạt động bí mật và trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.

Cây bút Charlie Winter của Atlantic cho rằng việc quân đội Iraq chiếm được đền thờ Nuri, nơi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố khai sinh "đế chế Hồi giáo", không phải là lý do để ăn mừng quá sớm. Thực tế là Baghdadi và các thủ lĩnh IS khác đã chuẩn bị cho sự thất thủ của Mosul trong nhiều tháng trời, thậm chí là nhiều năm.

Theo Winter, để mất Mosul từ lâu đã là một phần trong kế hoạch vươn ra toàn cầu của IS. Trong kế hoạch đó, phiến quân sẵn sàng chấp nhận tổn thất lớn khi bị đánh bật khỏi "thủ đô" Mosul ở Iraq để gia tăng giá trị tuyên truyền của mình.

Khi quân đội, cảnh sát Iraq cùng các nhóm dân quân người Shiite bắt đầu khởi động chiến dịch tái chiếm Mosul, IS huy động lực lượng kháng cự một cách quyết liệt và ngay lập tức hứng chịu hậu quả nặng nề: hàng nghìn tay súng bị giết trên chiến trường, hàng trăm thành viên khác nổ tung trong các cuộc đánh bom tự sát.

Các thủ lĩnh IS sớm nhận ra rằng vài nghìn tay súng của mình cố thủ bên trong thành phố Mosul sẽ không thể nào chống lại được quân số đông gấp 10 lần của lực lượng an ninh Iraq vừa được cải tổ và xốc lại tinh thần, cùng với sự yểm trợ hỏa lực hiệu quả của không quân Mỹ.

Tuy vậy, các thủ lĩnh IS vẫn luôn khẳng định với thuộc hạ rằng chiến thắng đang cận kề, còn các tay súng dưới quyền vẫn chiến đấu điên cuồng với ảo tưởng rằng họ sẽ đẩy lùi được quân đội Iraq. Winter cho rằng tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng qua là một thủ đoạn tuyên truyền của IS, để cho những phần tử cực đoan trên thế giới hiểu rằng "đế chế" đã làm hết sức mình để chiến đấu, dù với cái giá rất đắt.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: Guardian.

IS đã vạch kế hoạch cho điều này từ năm 2014. Với việc xua quân chiếm càng nhiều đất đai, làng mạc càng tốt vào giai đoạn đó, các lãnh đạo phiến quân đã vi phạm một trong những nguyên tắc sống còn của chiến tranh phi đối xứng: Giữ hành tung bí mật để không bao giờ trở thành một mục tiêu rõ ràng.

Qua những cuộc nổi dậy trước đây, IS ý thức rất rõ nguyên tắc này. Với việc chiếm đóng và kiểm soát thành phố Mosul với khoảng 2 triệu dân để thành lập một "nhà nước", IS đã tự dồn mình vào thảm cảnh mà nhóm phiến quân này đang sắp phải đối mặt. Khi Mosul thất thủ, "nhà nước" của IS ở Iraq chắc chắn sẽ sụp đổ.

Nhưng Winter cho rằng "thảm cảnh" này lại chính là điều mà các lãnh đạo IS đã dự liệu từ trước. Nếu IS muốn thiết lập một chính quyền cai trị lâu dài, bền vững, chúng đã không thực hiện những vụ bắt cóc, hành quyết, cưỡng bức man rợ, gieo rắc kinh hoàng theo con đường lan tỏa từ Trung Đông tới Bắc Phi, cũng như kích động một cách có hệ thống cộng đồng quốc tế vào cuộc thành lập liên minh để chống lại tổ chức này.

Cây bút này nhận định mục tiêu tối thượng của IS không phải là kiểm soát đất đai, mà phiến quân muốn trở thành biểu tượng cho phong trào jihad trên toàn cầu. Trong hành trình này, các thủ đoạn tuyên truyền để nâng tầm ảnh hưởng cho tổ chức quan trọng hơn rất nhiều so với việc cai quản một vùng đất nào đó.

Xem xét dưới lăng kính này, những hành động điên rồ nhất của IS từ trước tới nay lại là một phần của chiến lược lâu dài, trong đó "tiếng tăm" được phiến quân coi trọng hơn bất cứ điều gì khác.

Những vụ chặt đầu con tin, hành quyết tù nhân tập thể khiến cả thế giới bàng hoàng, tức giận đã đẩy IS vào thế đối đầu với một liên minh quân sự quốc tế hùng hậu, nhưng chúng cũng cho phép phiến quân lấn át những nhóm Hồi giáo cực đoan khác như al-Qaeda trong cuộc tuyên truyền thu phục những phần tử cực đoan trên khắp thế giới. Việc đánh chiếm Mosul và tuyên bố thành lập "đế chế Hồi giáo" vào tháng 6/2014 của IS chính là để phục vụ mục đích này.

Những hành động bạo lực man rợ chính là tiền đề để IS tạo ra một thế giới phân cực, hỗn loạn, môi trường lý tưởng để tư tưởng cực đoan nảy sinh và bị thu phục bởi tổ chức khủng bố này.

IS chỉ còn kiểm soát một khu vực rất nhỏ ở phía đông Mosul. Ảnh: Twitter.

Đây chính là mục tiêu tối thượng của IS và việc chiếm giữ Mosul trong hơn một nghìn ngày là quá đủ để tổ chức này gây dựng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo cực đoan tương lai.

Ngay cả khi quân đội Iraq chiếm lại được Mosul, thành phố này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong các video tuyên truyền được IS đăng tải trên mạng xã hội trong thời gian dài sau đó. Mosul lúc đó không còn là "thủ đô của đế chế", mà là mô hình cho một phong trào nổi dậy của Hồi giáo cực đoan hoạt động trong vòng bí mật.

"Dù mất quyền kiểm soát Mosul, IS trong tương lai vẫn có thể biến thành phố thành công cụ gieo bất ổn cho Iraq và thế giới và đế chế tự xưng của chúng sẽ không biến mất trong ngày một ngày hai", Winter nhấn mạnh.

Trí Dũng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây