Nhiều nhà quan sát Mỹ lo ngại Trump "gây thù oán, hỗn loạn"

Thứ bảy - 28/01/2017 07:56

Nhiều nhà quan sát Mỹ lo ngại Trump "gây thù oán, hỗn loạn"

Từ diễn văn nhậm chức của Donald Trump, nhiều nhà phân tích chính trị Mỹ lo ngại tân tổng thống sẽ "gây thù chuộc oán", tạo "hỗn loạn" trong thời gian nắm quyền.

"Không giống bất kỳ một diễn văn nhậm chức nào, phát biểu của ông Trump không hơn gì một bài diễn thuyết trong chiến dịch tranh cử, điều hoàn toàn không còn phù hợp khi chiến dịch đó đã chấm dứt", Giáo sư Richard Abrams, Đại học California Berkeley, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về phát biểu sau tuyên thệ của Tổng thống Trump.

Ông Trump trong lễ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ hôm 20/1 đã nhấn mạnh đến thông điệp "nước Mỹ đầu tiên", chú trọng đến nỗ lực đưa việc làm trở lại cho người lao động Mỹ, bảo vệ biên giới và cam kết những người từng bị quên lãng sẽ không còn bị lãng quên.

Dưới cái nhìn khắt khe hơn, Giáo sư Robert Smith, Đại học bang San Francisco, miêu tả "đây là bài diễn văn tệ nhất theo một số cách".

"Không giống như các phát biểu của các tổng thống trước, truyền cảm hứng và mang nhiều khát vọng, kêu gọi gìn giữ các giá trị chung và các truyền thống của quốc gia, trong nỗ lực đoàn kết sau một cuộc bầu cử chia rẽ, bài diễn văn của ông Trump giống với bài trong chiến dịch tranh cử hơn, chỉ hướng tới những người cơ bản ủng hộ ông", ông Smith nói.

Theo chuyên gia Richard Abrams, ông Trump không thể hiện dấu hiệu thiện chí nào về nỗ lực hoà giải dành cho 70 triệu người Mỹ, những người đã không bỏ phiếu cho ông, điều mà mọi tân tổng thống đều làm. Ông Trump không cho thấy rằng ông biết đã thua đối thủ gần 3 triệu phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử, rằng các cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người Mỹ không ưa thích và không ủng hộ ông.

Ông Abrams cũng lưu ý tân tổng thống Trump cho thấy sự thiếu tôn trọng nhắm vào tất cả 4 cựu tổng thống có mặt trong lễ nhậm chức của mình, những người chỉ ngồi cách nơi ông đứng chưa đầy 10 m. Ông Trump nhắc đi nhắc lại những điều ông coi là sai lầm của tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama.

"Từ lâu một nhóm nhỏ ở thủ đô đã thu lợi từ chính phủ trong khi người dân phải chịu thiệt. Washington đã phát triển mạnh mẽ nhưng người dân không được hưởng chung sự giàu có đó. Các chính trị gia ngày càng thành công phát đạt, nhưng việc làm lại ra đi, các nhà máy thì đóng cửa", ông Trump tuyên bố ngay trong phần đầu diễn văn nhậm chức.

Giáo sư James Thurber, Đại học American, cũng dành mối quan tâm lớn đến thông điệp đoàn kết trong phát biểu của ông Trump. Ông cho rằng bài diễn văn nhậm chức của ông Trump tiếp tục thông điệp mạnh mẽ dùng trong chiến dịch tranh cử, không dành cho tất cả người Mỹ.

"Trump không cho thấy ông sẽ quản trị đất nước thế nào, đưa nước Mỹ đoàn kết và khiến người ta tin vào lời hứa của ông rằng: dẹp bỏ những tắc nghẽn và khiến mọi việc được hoàn tất", ông Thurber nói.

Vì thế Giáo sư Thurber đánh giá bài phát biểu nhậm chức của ông Trump đã làm giảm năng lực lãnh đạo của ông, khi kết quả bầu cử không bảo đảm cho quyền lực trong hệ thống chính trị Mỹ. Tổng thống Mỹ phải có trách nhiệm giải trình trước cử tri nếu họ không thực hiện các cam kết của mình. Chưa chắc ông Trump có thể xây dựng được các liên minh trong Quốc hội, có được sự ủng hộ của công chúng trong nỗ lực thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại.

Chuyên gia Robert Smith đánh giá thông điệp "nước Mỹ đầu tiên" của Trump cũng mang ý nghĩa chia rẽ với cả cộng đồng quốc tế, báo hiệu thời kỳ hiềm thù với trong nước và với các vấn đề đối ngoại.

"Nếu lễ nhậm chức được coi là một dấu hiệu, tôi cho rằng nước Mỹ sẽ gây thù oán, bị phân cực và hỗn loạn, khi ông Trump cố đẩy lui nhiều cải cách Chính sách Kinh tế mới (New Deal) từ thập niên 1930 và chương trình Đại xã hội - Great Society từ những năm 1960. Ông Trump cũng sẽ thay đổi tất cả những nhất trí chung trong thực hiện chính sách ngoại giao", ông Smith dự báo.

Trước câu hỏi "nước Mỹ sẽ ra sao dưới thời Trump", Chuyên gia Richard Abrams cho biết việc chuẩn bị trước cho sự chuyển đổi mạnh mẽ sang một chính quyền độc đoán và "đáng sợ" là điều hợp lý lúc này.

Dưới góc nhìn khác, Giáo sư khoa học chính trị David Caputo, Đại học Pace, đánh giá bằng việc nhấn mạnh "nước Mỹ đầu tiên", tân Tổng thống Trump đã cho thấy ưu tiên của mình sắp tới. Tuy nhiên, ông Trump cần phải thuyết phục được các thành viên Quốc hội rằng quan điểm này nên được chuyển thành những hành động chính trị.

Ông Caputo khuyến cáo dư luận nên dành thêm thời gian chờ đợi xem những đề xuất cụ thể mà ông Trump có thể nêu ra, trước khi xem chương trình nghị sự về luật pháp có phù hợp với bài diễn văn nhậm chức. Chuyên gia này ước tính sau 90 ngày Trump nhậm chức, công chúng có thể định rõ Tổng thống và điều ông nỗ lực thực hiện. Ông Caputo cũng nhắc lại rằng ông Trump từng làm được những điều vượt quá trông đợi nhiều lần và ông có thể lặp lại điều đó.

"Mỹ vẫn là nước hùng mạnh nhất trên thế giới và vẫn chưa rõ những mục tiêu cụ thể mà Tổng thống Trump hy vọng có thể hoàn thành thông qua việc sử dụng sức mạnh đó. Hành động trong tương lai sẽ cho chúng ta biết nhiều điều", ông Caputo nói.

Diện mạo nội các hơn 14 tỷ USD của Donald Trump. Đồ họa: Tiến Thành.

Việt Anh

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây