Nguy cơ từ lời đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên của Trump

Thứ sáu - 11/08/2017 09:45

Nguy cơ từ lời đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên của Trump

Tối hậu thư mà Trump đưa ra với Triều Tiên có thể khiến Bình Nhưỡng càng thêm bất an và củng cố quyết tâm chống Mỹ.

Trump đe dọa Triều Tiên sẽ hứng chịu "lửa và giận dữ". Video: Twitter.

Chỉ vài giờ sau khi Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ công bố bản đánh giá cho rằng Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra lời đe dọa quyết liệt nhất từ trước tới nay nhắm vào Bình Nhưỡng, theo CNN.

"Triều Tiên tốt nhất là đừng đưa ra bất cứ lời đe dọa nào với Mỹ", ông Trump nói. "Họ sẽ hứng chịu lửa và cơn giận dữ mà thế giới chưa từng được thấy".

Lời đe dọa này của ông Trump lập tức làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ có thể đang xem xét sử dụng biện pháp quân sự chống lại Triều Tiên. Bình Nhưỡng ngay sau đó đáp trả bằng tuyên bố rằng họ đang nghiên cứu phương án tấn công căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Giới phân tích cho rằng cách phản ứng này của ông Trump không hề giúp hạ nhiệt tình hình, ngược lại còn khiến Triều Tiên cảm thấy bất an hơn và càng quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân hơn. "Những lời lẽ của Trump và Triều Tiên đang làm gia tăng trò chơi thách đố mà hai nước đã tham gia trong vài năm qua", cây bút Chris Cillizza của CNN nhận định.

Bình luận viên Zack Beauchamp của Vox thì cho rằng giọng điệu của Trump trong lời đe dọa này không khác mấy so với những ngôn từ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng trong những thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ.

Sau khi Liên Hợp Quốc thông qua đề xuất của Mỹ áp đặt lệnh cấm vận mới đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đe dọa rằng Mỹ sẽ "phải trả giá gấp hàng nghìn lần vì tội ác của mình", rằng "không sai lầm nào lớn hơn việc Mỹ tin rằng lãnh thổ của mình an toàn". Beauchamp cho rằng thông điệp "trút lửa giận" mà Trump vừa tung ra gần như y nguyên, chỉ là đối tượng hướng tới bị đảo ngược.

Theo Beauchamp, Trump khi đưa ra tuyên bố này dường như quên mất một điều rằng mọi lời lẽ của tổng thống Mỹ đều phải được cân nhắc rất thận trọng và đó là lý do các tổng thống Mỹ trước đây chưa từng đưa ra những lời đe dọa kiểu như vậy đối với Triều Tiên.

Các chuyên gia của Boston Globe cho rằng bằng cách ám chỉ sử dụng hành động quân sự nhắm vào Triều Tiên, Trump không hề giúp tháo gỡ tình hình căng thẳng ở khu vực, mà thậm chí còn đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ đi theo chiều hướng ngược lại.

Với tuyên bố này, Tổng thống Mỹ đã vô tình vạch ra một giới hạn đỏ, đó là nếu Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân, Mỹ sẽ đứng trước hai lựa chọn, hoặc phải phát động chiến tranh, hoặc những lời răn đe của họ trở nên không đáng tin.

Cả hai lựa chọn này đều vô cùng tồi tệ cho Washington, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân hủy diệt. Từ sau Thế chiến II, chính sách đối ngoại của Mỹ luôn bao gồm lời răn đe tấn công hạt nhân phủ đầu vào các đối thủ, nhưng các đời tổng thống Mỹ đều rất thận trọng trong việc vạch ra giới hạn đỏ để biến răn đe thành hành động. Truyền thống này gần như đã bị vô hiệu bằng lời đe dọa trên của Trump.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa đạn đạo trước khi phóng. Ảnh: KCNA.

Lời đe dọa của Trump cũng có nguy cơ kích động Triều Tiên trả đũa bằng biện pháp quân sự, vốn có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho đồng minh Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đồn trú ở đây. Nếu các lãnh đạo Bình Nhưỡng cho rằng tuyên bố của Trump là nghiêm túc, họ có thể không ngồi chờ cho đến lúc bị tấn công, mà sẽ phát động đòn tấn công phủ đầu nhắm vào hàng triệu dân thường Hàn Quốc và hàng nghìn lính Mỹ.

"Lời lẽ của ông ấy có thể khiến Bình Nhưỡng tính toán sai lầm hoặc tin rằng họ cần ra tay trước để ngăn chặn một cuộc tấn công sắp xảy ra của Washington", Laura Rosenberger, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đặc trách vấn đề Triều Tiên và Trung Quốc, nói. "Hậu quả sẽ rất thảm khốc".

Phản ứng tệ nhất

Giới quan sát cho rằng việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ đã trở thành nét đặc trưng trong hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên và không đồng nghĩa với việc một vụ tấn công như vậy sẽ xảy ra trên thực tế.

Phương Tây dường như đã quá quen với giọng điệu này của Bình Nhưỡng và thường không quá quan tâm đến những lời đe dọa đó. Hầu hết lãnh đạo phương Tây hiểu rằng Triều Tiên không hề muốn vô cớ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hủy diệt với Mỹ.

Triều Tiên dọa tấn công Nhà Trắng trong video tuyên truyền.

Thế nhưng phản ứng mới nhất của ông Trump đã phá vỡ mô hình này. Bằng cách đưa ra lời đe dọa không kém phần quyết liệt với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ đã đưa căng thẳng khu vực lên một mức độ mới, đồng thời thể hiện cho Bình Nhưỡng thấy rằng chính quyền của ông có thể sẽ khác so với những người tiền nhiệm.

Cách làm này của ông Trump khiến các chuyên gia về Triều Tiên cảm thấy rất bất an, dù họ không cho rằng nó thể hiện sự thay đổi chiến lược đã được cân nhắc, tính toán kỹ của Mỹ. "Ông ấy thường trút giận mỗi khi không biết nói gì", Jeffrey Lewis, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói.

Thay vì phát đi tín hiệu hạ nhiệt trong thời điểm căng thẳng trong chương trình hạt nhân Triều Tiên lên đến cao trào, tuyên bố của ông Trump lại là kiểu phản ứng tồi tệ nhất, cho thấy một nước Mỹ dường như quyết liệt hơn.

"Mọi thứ sẽ không trở nên an toàn hơn bằng cách đe dọa Triều Tiên", Jenny Town, chuyên gia tại Viện Mỹ-Hàn, chia sẻ. "Nó chỉ gieo thêm thù hận cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng, đặt an ninh của Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản vào vòng nguy hiểm với việc gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột, dù là vô tình hay cố ý".

Trí Dũng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây