Cảnh sát Mỹ bị chỉ trích vì kéo lê hành khách gốc Việt

Thứ sáu - 14/04/2017 16:20

Cảnh sát Mỹ bị chỉ trích vì kéo lê hành khách gốc Việt

Cảnh sát xử lý vụ cưỡng ép hành khách United Airlines rời chuyến bay bị chỉ trích đã phục vụ cho mục đích kinh doanh của hãng hàng không.

Các sĩ quan cảnh sát sân bay được gọi để cưỡng chế một hành khách rời khỏi chuyến bay của hãng hàng không United Airlines hôm 9/4 về cơ bản đã phải đối mặt với một tình thế thực thi pháp luật mà giới chuyên gia gọi là không thể chiến thắng: thực hiện hành động phục vụ mục đích kinh doanh cho một công ty tư nhân, theo AP.

Tiến thoái lưỡng nan

Cây bút Tammy Webber từ AP nhận định nếu hành khách không mang tới bất kỳ mối đe dọa nào hay không gây rối, đội ngũ cảnh sát, nhân viên an ninh hoàn toàn có thể thử những cách tiếp cận khác, thay vì kéo lê họ một cách thô bạo như vụ việc xảy ra với bác sĩ gốc Việt David Dao. Cảnh sát đơn giản chỉ cần nói với United Airlines rằng hãy tự giải quyết tình hình.

Ông David Dao bị ép rời khỏi máy bay United Airlines sau khi từ chối yêu cầu của hãng hàng không này, muốn ông cùng ba người khác rời chuyến bay khởi hành từ Chicago đi Louisville tối 9/4, nhường chỗ cho các nhân viên hãng. Những video lan truyền trên mạng cho thấy ông Dao bị kéo lê trên mặt đất, xung quanh là những tiếng la hét. Một nhân chứng kể trong lúc bị lôi đi, mặt ông Dao va vào tay vịn ghế máy bay, khiến miệng ông chảy máu. 10 phút sau đó, ông chạy ngược lại với gương mặt vẫn chảy máu, quần áo xộc xệch, mắt kính suýt rơi ra. Ông luôn miệng nói: "Họ sẽ giết tôi, tôi muốn về nhà". Các nhân viên an ninh tiếp tục xuất hiện và đưa ông ra khỏi máy bay lần thứ hai, nhưng trên một chiếc cáng.

Sự việc khiến bác sĩ gốc Việt "bị thương khắp người", như lời ông mô tả. Cùng lúc, ba sĩ quan cảnh sát làm việc cho Cơ quan Hàng không Chicago cũng bị đình chỉ.

"Các video còn nêu bật một thực tế đang ngày càng phổ biến: từ sân bay đến trường học, cảnh sát luôn là người được gọi đầu tiên để giải quyết những tình huống bất ngờ, ngay cả đối với các trường hợp trước đây có thể tự xử lý mà không cần họ giúp đỡ", Webber bình luận.

Theo ông Jim Bueermann, chủ tịch nhóm nghiên cứu Quỹ Cảnh sát, trụ sở ở Washington, cảnh sát luôn được tin tưởng song "có những thời điểm việc nhờ họ giải quyết vấn đề đòi hỏi sử dụng nhiều vũ lực không đem đến lợi ích". "Bạn phải tự hỏi... liệu có cần thiết phải dùng đến vũ lực khi dàn xếp thương lượng trên máy bay không".

Trả lời phỏng vấn trong chương trình "Good Morning America" trên kênh truyền hình ABC, giám đốc điều hành United Airlines Oscar Munoz cho biết ông cảm thấy "nhục nhã và xấu hổ", đồng thời hứa sẽ không bao giờ yêu cầu cảnh sát đưa hành khách đã mua vé rời khỏi chuyến bay nữa.

Sau khi hành khách ổn định chỗ ngồi, United Airlines thông báo 4 người cần rời phi cơ để nhường chỗ cho 4 nhân viên của hãng nhưng không có phận sự trên chuyến bay. United Airlines đề nghị bồi thường 800 USD nhưng không ai chấp nhận. Hãng cuối cùng chọn ngẫu nhiên 4 người. Ba hành khách tuân thủ nhưng ông Dao từ chối chấp hành.

Hiện chưa rõ United Airlines thông báo gì với các nhân viên cảnh sát về tình hình trên máy bay. Những tiếng la hét có thể được nghe thấy trong đoạn video quay cảnh ông Dao bị kéo lê trên sàn. Dù vậy, không có dấu hiệu ông đánh nhau với các cảnh sát. Trong video ông tranh luận trước khi bị kéo lê, bác sĩ Dao cũng không tỏ thái độ hung hăng. Ông dường như rơi vào thế bị động. Có lẽ vì hoảng loạn và sợ hãi, ông liên tục lặp lại câu: "Họ muốn giết tôi. Tôi muốn về nhà".

David Dao tranh cãi với cảnh sát trước lúc bị kéo lê khỏi máy bay

Nhưng một khi cảnh sát đặt chân lên máy bay, họ khó lòng có thể bỏ đi mà không xử lý tình hình, ngay cả nếu họ không biết vì sao hành khách bị yêu cầu rời chuyến bay, Kevin Murphy, giám đốc điều hành Mạng lưới Cơ quan Thực thi Pháp luật Sân bay, cho hay.

"Đã xuất hiện ở đó, rất khó để bỏ đi. Bạn có nghĩa vụ phải xử lý tình hình", Murphy nói. "Nếu ai đấy khăng khăng họ nhất định phải ở lại bất kể người chủ tài sản nói gì, bạn phải đặt câu hỏi vì sao họ kiên quyết như vậy. Liệu có chuyện gì khác đang diễn ra không?".

Các sĩ quan cảnh sát cũng cần tìm hiểu họ đang đối mặt với tình thế gì và tìm cách xoa dịu tình hình nếu đủ khả năng, chuyên gia đánh giá.

Phát ngôn viên cảnh sát Rob Pedregon cho biết các sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát Sân bay Los Angeles không tham gia những vấn đề dân sự như tranh cãi giữa hãng hàng không và hành khách. Họ thỉnh thoảng vẫn từ chối yêu cầu từ hãng hàng không.

"Chúng tôi không lập tức hành động khi người ta gọi", Pedregon nói. Các sĩ quan cảnh sát về cơ bản sẽ "tìm hiểu toàn bộ tình hình, kiểm tra những thông tin liên quan rồi mới đưa ra quyết định xem nó có thuộc thẩm quyền hợp pháp của chúng tôi hay không. Chúng tôi không đưa ai đó khỏi máy bay chỉ vì hãng hàng không muốn thế. Nếu người ta phạm luật, chúng tôi sẽ hành động".

Cơ quan Hàng không Chicago đã nhanh chóng đình chỉ sĩ quan cưỡng ép ông Dao rời máy bay, khẳng định người này vi phạm các thủ tục tiêu chuẩn và họ "không chấp nhận những hành động kiểu như vậy". Hai sĩ quan khác hôm qua cũng bị đình chỉ.

Theo ông Chuck Wexler, giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu Điều hành Cảnh sát, một tổ chức kêu gọi đặt ra những giới hạn khắt khe hơn với cảnh sát, các sĩ quan trong vụ việc trên máy bay United Airlines cũng nên tự hỏi liệu hãng hàng không có thể cân nhắc lại hành động hay không. Tuy nhiên, tệ nhất là khi hãng hàng không đặt các sĩ quan cảnh sát vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" với kỳ vọng cảnh sát phải "giải quyết vấn đề mà họ tạo ra".

"Ai cũng có giới hạn... nhưng các sĩ quan cảnh sát phải trả giá phần nào khi xử lý tình huống bằng cảm tính", Bueermann nhấn mạnh.

Bác sĩ gốc Việt hoảng loạn khi bị kéo khỏi máy bay Mỹ

Vũ Hoàng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây