Vụ cà thẻ mất gần 700 triệu: Khiếu nại lấy lại tiền thế nào?

Thứ ba - 11/10/2016 00:21

Vụ cà thẻ mất gần 700 triệu: Khiếu nại lấy lại tiền thế nào?

Các chuyên gia tài chính cho rằng việc khách bị cà thẻ gần 700 triệu cho bữa ăn tối có nhiều điểm đáng ngờ. Đây cũng là bài học chủ thẻ phải ghi nhớ trong các giao dịch hiện nay.

Chia sẻ với Zing.vn, người đại diện của ông Caracciolo David John, du khách Australia bị cà thẻ 39.429 AUD khi thanh toán bữa ăn tối tại nhà hàng Nightfall, cho biết trong ngày mai sẽ gửi đơn tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng.

Nhiều điểm khuất tất 

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có nhiều điểm chưa rõ ràng trong vụ việc trên. Một trong những điều vô lý là du khách người Australia không ký bất kỳ biên lai thanh toán nào, cũng không nhận tin nhắn thông báo giao dịch, hoặc cảnh báo từ ngân hàng khi giao dịch số tiền lớn và liên tục như trên.

 Phân tích về điều này, ông Hiếu cho biết trách nhiệm đầu tiên là từ phía vị khách hàng. Ông đã không cẩn thận và dựa vào lòng tin với nhà hàng mà không kiểm tra chứng từ, dẫn đến mất tiền.

Về phía nhà hàng thì phải xem quản lý nhà hàng đã kiểm soát kỹ các hành động của nhân viên chưa. Giả thiết là giao dịch thành công, tiền được chuyển vào tài khoản của Nightfall thì nhà hàng phải chịu trách nhiệm.

Ông Hiếu cũng cho rằng ngân hàng phát hành thẻ đã có thiếu sót khi không cảnh báo, xác nhận một số tiền giao dịch lớn, cùng nội dung thanh toán trong một thời gian ngắn như trên.

Sao kê ngân hàng cho thấy có 8 giao dịch trừ tiền liên tục trong một thời gian ngắn. Ảnh: Luật sư cung cấp. 

Chuyên viên phòng thẻ một chi nhánh ngân hàng ở quận 3, TP.HCM cũng cho rằng có nhiều tình tiết lạ trong vụ giao dịch này.

Thứ nhất là ngân hàng thường có cơ chế giám sát các giao dịch mà họ thấy đáng ngờ. Nhất là các giao dịch diễn ra cùng một thời điểm, cùng một số tiền, giao dịch với số tiền lớn, liên tục… thì ngân hàng sẽ liên hệ để xác nhận với khách hàng của mình. Nếu thấy bất thường ngân hàng sẽ chặn ngay.

Ở đây du khách người Australia đã quẹt thẻ đến 8 lần, tổng số tiền bị mất là 39.429 AUD, tương đương 683.150.000 đồng, nhưng ngân hàng vẫn cho “tiền chạy” thì thật khó hiểu.

“Với những khách hàng ít đi du lịch, mua sắm ở nước ngoài mà phát sinh giao dịch đáng ngờ thì ngân hàng càng thận trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không rõ khách hàng này đăng ký giao dịch với hạng mức như thế nào. Ngân hàng nơi khách mở thẻ có quy định giao dịch với hạn mức ra sao mới đưa vào diện nghi vấn”, chị này nói.

Về nghi ngờ vì sao khách không nhận được thông báo giao dịch qua tin nhắn điện thoại, nhân viên này cho rằng có thể khách đi du lịch nước ngoài không roaming, khi về nước mới nhận được thông báo từ tin nhắn SMS.

Khiếu nại để lấy lại tiền như thế nào?

Về việc ông Caracciolo David John khẳng định mình không ký bất kỳ hóa đơn thanh toán nào, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trường hợp này du khách có thể yêu cầu ngân hàng tra soát các giao dịch và khiếu nại tại ngân hàng mở thẻ. Khi phát hiện sai sót, như chữ ký trên hóa đơn thanh toán không đúng với chữ ký mở thẻ, hoặc có điểm nghi vấn khác thì ngân hàng phát hành thẻ có thể yêu cầu hệ thống Master và Visa toàn cầu buộc đơn vị chấp nhận thẻ (nhà hàng) trả lại tiền cho du khách trên.

Nhà hàng bị khách tố cố tình cà thẻ gần 700 triệu đồng thanh toán bữa ăn tối ngày 11/8 tại số 5 Nguyễn Siêu, quận 1, TP.HCM nay không còn hoạt động. Ảnh: Phạm Oanh.

 

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng cho rằng du khách có thể yêu cầu ngân hàng phát hành thẻ (tại Australia) tra soát lại các giao dịch. Nếu khách chứng minh được mình không sai thì nhà hàng nơi khách sử dụng dịch vụ phải hoàn trả lại tiền. Trong trường hợp này nhà hàng đã dừng hoạt động thì có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

“Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy ông Caracciolo David John rất hớ hênh trong việc sử dụng thẻ. Ông này sử dụng thẻ phải nhập mã pin mới thanh toán, và ông liên tục nhập mã pin nhiều lần theo yêu cầu của nhân viên nhà hàng mà không nghi ngờ gì, chứng tỏ đã không cẩn trọng với tài khoản của mình”, ông Hiển nói.

Cần làm rõ tranh chấp dân sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Về trách nhiệm vụ việc trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện tại cần chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Nếu nhân viên nhà hàng cố tình quẹt thẻ nhiều lần để gian lận, sau đó không trả lại tiền thì có dấu hiệu của tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành.  

Còn nếu nhân viên nhà hàng sơ sót khi yêu cầu ông David John quẹt thẻ nhiều lần, do nghĩ máy POS bị trục trặc và trả lại tiền cho khách, thì có thể chỉ là tranh chấp dân sự thông thường.

Chủ thẻ tín dụng nên làm gì khi giao dịch?

Theo ông Đinh Thế Hiển, vụ việc này cũng là bài học cảnh giác cho người sử dụng các loại thẻ ngân hàng để thanh toán dịch vụ. Nhiều vụ gian lận thẻ gần đây cho thấy khách hàng rất thiếu thận trọng.

Điều đầu tiên mà người sử dụng thẻ thanh toán phải nhớ là đăng ký tin nhắn thông báo phát sinh giao dịch qua điện thoại. Khi mua sắm, bất cứ số tiền nhỏ hay lớn đều phải lấy hóa đơn, kiểm tra chi tiết các khoản thanh toán, đồng thời giữ lại hóa đơn để đối chiếu khi cần thiết.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyên khách hàng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng cần để thẻ trong tầm mắt, kiểm tra số tiền đúng với hóa đơn. Chủ thẻ không để nhân viên thanh toán chụp hình, sao chép các thông tin trên thẻ. 

Còn theo một số nhân viên phòng thẻ của ngân hàng thì khách sử dụng dịch vụ cần làm quen check mail để kiểm tra tài khoản. Điều này rất cần với những người đi nước ngoài mà không roaming để nhận thông báo từ SMS. Bởi các giao dịch phát sinh của khách, ngân hàng luôn cẩn thận gửi mail thông báo.

 

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây