TS Vũ Viết Ngoạn: Giữ lãi suất hợp lý để người dân gửi tiết kiệm

Thứ ba - 20/03/2018 05:09

TS Vũ Viết Ngoạn: Giữ lãi suất hợp lý để người dân gửi tiết kiệm

Mục tiêu giảm lãi suất trong năm nay phụ thuộc vào sức ép lạm phát, lãi suất USD có xu hướng tăng lên trong khi phải ổn định tỉ giá và giữ lãi suất VNĐ ở mức hợp lý, hấp dẫn để người dân gửi tiết kiệm. Muốn hạ lãi suất chỉ còn cách hạ lãi suất huy động nhưng đây là bài toán khó...

Đây là ý kiến được TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đưa ra tại hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên 2018 diễn ra ngày 20-3 tại TP HCM.

Hạ lãi suất là bài toán khó trong năm nay

Về mục tiêu giảm lãi suất, ổn định tỉ giá theo yêu cầu của Chính phủ trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và đồng USD trên thị trường thế giới biến động, TS Vũ Viết Ngoạn đề cập đến sức ép lạm phát, khi dự báo lạm phát trong năm 2018 có những yếu tố sức ép nhiều hơn năm ngoái nhưng vẫn kiểm soát tốt.

Năm nay, điều kiện giảm lãi suất so với năm trước cũng khó khăn hơn, ngoài do yếu tố do lạm phát, giá cả còn do lãi suất USD có xu hướng tăng hơn. Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, ngoài lạm phát, lãi suất còn phải ổn định tỉ giá, giữ chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức độ nhất định, hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VNĐ chứ không phải tích trữ ngoại tệ. Do đó, nếu lãi suất USD tăng lên sẽ làm sức ép chênh lệch giữa VNĐ – USD không bảo đảm.

Đồng thời, hệ thống ngân hàng hiện nay cũng còn nhiều khó khăn nên vẫn cần giữ chênh lệch đầu vào - đầu ra hợp lý để ngân hàng mức lợi nhuận, có dự phòng trang trải nợ xấu.

Vậy, nếu muốn giảm lãi suất thì chỉ còn cách hạ lãi suất huy động. Nhưng có hạ được không còn phụ thuộc vào việc này có làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng hay không? Người dân có chuyển kênh đầu tư khác hay không nhất là khi các kênh khác như bất động sản, chứng khoán… đang hấp dẫn.

"Chưa kể, một yếu tố khác tác động đến lãi suất còn là kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, một số ngân hàng còn khó khăn do chưa xử lý được nợ xấu nên thanh khoản khó. Biểu hiện là chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm ngân hàng lên tới hơn 2%/năm là quá lớn, nên làm sao để các ngân hàng này cải thiện thanh khoản và giảm được lãi suất? Tôi cho rằng đây là bài toán khó nên hạ lãi suất trong năm nay sẽ khó hơn 2017 nhiều" - ông Ngoạn phân tích.

Dưới góc nhìn của TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, giảm lãi suất là mục tiêu, mong muốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp nhưng nền kinh tế của chúng ta kinh doanh trên nợ, tức là nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp muốn đầu tư phải đi vay nợ ngân hàng. Các ngân hàng cung cấp vốn ngắn hạn, trung dài hạn cho nền kinh tế là chủ yếu. Và quan hệ cung cầu phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng. Do đó, muốn giảm lãi suất Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay… nhưng lại phải kiểm soát lạm phát.

"Do đó, tôi cho rằng trong năm nay nếu giữ được mức lãi suất như cuối năm 2017 đã là tương đối tốt. Cùng với cộng đồng doanh nghiệp, nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỉ lệ vay, bởi cầu tín dụng tăng mà muốn giảm lãi suất là rất khó" - ông Lịch nói.

Liên quan đến tỉ giá, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận tỉ giá sẽ khó có biến động mạnh trong năm nay nên các doanh nghiệp có thể yên tâm. Tuy nhiên, TS Vũ Viết Ngoạn cho rằng cần lưu ý yếu tố đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán . Bởi dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam xấp xỉ 60 tỉ USD (tương đương khoảng 12 tuần nhập khẩu) nhưng nếu thị trường chứng khoán có biến động mạnh sẽ có thể sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối. Do đó, cần tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối vấn để tăng khả năng chống đỡ các cú sốc bên ngoài.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây