5 yếu tố then chốt quyết định đến lãi suất vay tiêu dùng

Thứ năm - 15/09/2016 09:24

5 yếu tố then chốt quyết định đến lãi suất vay tiêu dùng

Có 5 yếu tố chính cấu thành lãi suất vay tiêu dùng, bao gồm chi phí huy động vốn, lãi suất đầu vào, chi phí hoạt động, rủi ro thanh khoản và lợi nhuận biên.

Những phản ánh tiêu cực về lãi suất vay tín dụng tiêu dùng luôn tồn tại và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các công ty tài chính (CTTC). Đa phần các ý kiến đều cho rằng lãi suất cao “cắt cổ”, khách hàng bị lừa vào “bẫy”… Bày tỏ quan điểm dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế , ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho rằng: “Đây hoàn toàn là những câu chuyện tiểu tiết, chưa thực sự khách quan với tín dụng tiêu dùng”.

​Tính toán lãi suất phù hợp với thị trường

Theo phân tích của vị Phó Viện trưởng này, với những nước đang phát triển như Việt Nam, vay tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể, về mặt vĩ mô, vay tiêu dùng góp phần kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về mặt vi mô, với một nhóm khách hàng không đủ các điều kiện đáp ứng được chuẩn rủi ro của ngân hàng thương mại, sẽ được các CTTC cho vay. Và điều hiển nhiên là những đối tượng đó thường có thu nhập thấp và độ rủi ro rất cao. Theo nguyên lý căn bản trong cơ chế thị trường, rủi ro cao đương nhiên đi kèm với lãi suất phải cao.

Nhân viên vấn cho khách hàng trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng

Việc xác định lãi suất cho vay tiêu dùng được quyết định bởi 5 yếu tố chính: chi phí huy động vốn, lãi suất đầu vào, chi phí hoạt động, rủi ro thanh khoản và lợi nhuận biên

Cụ thể, các CTTC không được huy động nguồn tiền gửi từ dân cư, càng không được thanh toán trong nội bộ để chuyển tiền tạo ra tiền gửi với mức lãi suất không kỳ hạn nhằm đạt tới mức lãi suất thấp. Do chủ yếu hoạt động bằng nguồn vốn tự có cộng với phát hành trái phiếu, đồng thời kết hợp với việc vay tiền lại từ các ngân hàng thương mại nên kéo theo lãi suất đầu vào của các CTTC rất cao.

Về chi phí hoạt động, mặc dù hầu hết các CTTC đều có trụ sở chính ở các thành phố lớn nhưng điểm giới thiệu dịch vụ và cho vay lại trải khắp toàn quốc, đặc thù đó buộc họ phải thiết lập được một đội ngũ nhân viên hùng hậu và đông đảo. Trong khi một món vay dù lớn hay nhỏ lẻ cũng phải trải qua quy trình làm hồ sơ, do đó kéo theo chi phí hoạt động cho khoản vay nhỏ là rất lớn. Các CTTC thực hiện các khoản tiền trung và dài hạn để hỗ trợ người dân mua xe máy, tủ lạnh... trong khi nguồn vốn huy động của công ty chỉ đến 1 năm. Như vậy, họ phải quay nhiều lần nguồn vốn huy động trong 1 năm mới đáp ứng được nhu cầu cho các khoản vay dài từ tới 3-5 năm. Chính điều này góp phần làm chi phí cho thanh khoản gia tăng, khiến lãi suất vay tiêu dùng tăng. Đối với lợi nhuận biên, do tích góp những khoản vay nhỏ, nếu không có lợi nhuận biên cao thì CTTC không đủ bù đắp hoàn vốn cũng như tích lũy vốn cho mình. Tuy nhiên, trên thực tế, trong lợi nhuận biên đó, các CTTC cũng không được hưởng hết mà còn phải trích lại một phần nộp thuế thu nhập cho Nhà nước.

Tính toán kỹ lưỡng trước khi vay

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, nhu cầu vay tiền để mua sắm tiêu dùng hay đầu tư hoàn toàn chính đáng và là nhu cầu có thực của nền kinh tế. Với các đặc điểm là khoản vay linh hoạt (từ 1-60 triệu đồng), thủ tục hồ sơ đơn giản và giải ngân nhanh chóng, hình thức vay tiêu dùng này phù hợp với đa số người lao động có thu nhập trung bình và thấp, những người không thể tiếp cận được với nguồn vay từ các ngân hàng. Ngoài yếu tố lãi suất, làm thế nào để có thể nắm rõ thông tin về các khoản vay, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng cho vay tín chấp là điều mà rất nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Xét cho cùng, ở nước ta, ngành tín dụng tiêu dùng vẫn trong giai đoạn sơ khởi và 90-95% khách hàng là những khách hàng mới - những người trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân lần đầu tiên. Do đó, sẽ khó có thể tránh khỏi những vướng mắc, khi sự hiểu biết của khách hàng về các điều khoản trong hợp đồng vay vẫn còn chưa vững vàng.

Để đảm bảo quyền lợi, các chuyên gia tài chính khuyên rằng người tiêu dùng chỉ nên nộp đơn yêu cầu khoản vay tín chấp tại các tổ chức tài chính uy tín - nơi có trách nhiệm nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản cũng như hỗ trợ khách hàng khi cần thiết. Khi vay tiền, bắt buộc phải cùng nhân viên tư vấn tín dụng xem xét kỹ các nội dung trong hợp đồng. Trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào, người vay cần tìm hiểu kỹ, xem xét khoản thu nhập của mình và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán. Điều quan trọng, người vay phải có trách nhiệm với khoản vay và có ý thức về việc trả nợ. Về phía tổ chức tín dụng cũng phải có nhiệm vụ giúp khách hàng hiểu rõ các điều khoản cũng như nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân. Vì nếu việc thanh toán bị trễ hạn, khách hàng sẽ bị trả phí phạt. Còn vi phạm ở mức độ nặng hơn, đặc biệt là cố tình không thanh toán món nợ, dù đã được nhắc nhở từ phía đơn vị cho vay, người vay sẽ bị kiện và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây