Xe điện tăng nguy cơ tai nạn cho học sinh

Thứ hai - 07/08/2017 05:15

Xe điện tăng nguy cơ tai nạn cho học sinh

Loại phương tiện sử dụng điện được nhiều học sinh sử dụng hàng ngày ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Số liệu của Hiệp hội sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSC) cho thấy, cứ hai học sinh thì có một học sinh xảy ra tai nạn giao thông liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện, tỷ lệ lên tới 50%. Tỷ lệ thiệt mạng trên 100.000 học sinh do tai nạn giao thông tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39. Con số này cao hơn nhiều các nước trong khu vực như gấp 1,25 lần Campuchia, 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc. Ba nguyên nhân hàng đầu là đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.

Xe máy điện, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh. Ảnh: Giang Huy.

Theo nghiên cứu năm 2016 của Giáo sư Chu Công Minh về Tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT công bố tại Lễ ký kết hợp tác ATGT giữa VAMM và Uỷ ban ATGT Quốc gia năm 2017, xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện chính mà học sinh lựa chọn, với tỷ lệ 52%.

Trên địa bàn Hà Nội, chỉ xét riêng hộ gia đình có học sinh cấp 3, có khoảng 200.000 xe đạp điện và xe máy điện lưu hành, nhưng số thực tế đăng ký chỉ khoảng 11.000 xe. Trong khi đó, chỉ khoảng 2% học sinh cấp 2 và 4% học sinh cấp 3 sử dụng xe buýt để tới trường.

Theo anh Bùi Đông, người kinh doanh mặt hàng này lâu năm, trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, số lượng sản phẩm tăng đột biến, đủ loại mẫu mã, giá tiền. Với mức giá khoảng 8-15 triệu, thấp hơn nhiều xe máy truyền thống, chạy điện, không cần đổ xăng và nhỏ gọn, xe điện được học sinh ưa chuộng và các phụ huynh đua nhau sắm cho con em.

Tuy vậy, tốc độ phát triển nhanh của xe điện mang tới nhiều hệ lụy về giao thông. Nghiên cứu của giáo sư Minh chỉ ra rằng xe đạp điện và máy điện làm phức tạp tình hình giao thông và ảnh hưởng tới an toàn của người sử dụng. Với tốc độ tương đối lớn (25-50 km/h) nhưng trọng lượng xe nhẹ nên người lái khó kiểm soát khi chạy nhanh, va chạm cũng dẫn tới rủi ro cao hơn.

Bên cạnh nhược điểm của xe, tính cách của người trực tiếp cầm lái cũng ảnh hưởng nhiều đến độ an toàn. Học sinh đang ở trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên thường cẩu thả và hay vi phạm luật giao thông đường bộ.

Ủy ban này cho biết, sở dĩ học sinh ở Hà Nội nói riêng và học sinh cả nước nói chung hay mắc phải 3 lỗi trên vì không được đào tạo đầy đủ kiến thức về giao thông trong trường học, cũng như các quy định trong luật và xử lý vi phạm chưa thực sự hiệu quả.

Học sinh dễ vi phạm luật giao thông khi đi xe máy điện vì không được trang bị kiến thức.

Để khắc phục, giải pháp mà các chuyên gia đề ra là thay đổi tổng hợp nhiều khía cạnh từ luật, đào tạo, kiểm soát phương tiện và cải thiện hạ tầng giao thông xung quanh trường học.

Về luật, nên giới hạn độ tuổi được phép sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và yêu cầu giấy chứng nhận lái xe điện cho trẻ em trên 16 tuổi. Đây cũng là mức tuổi giới hạn mà Singapore, Trung Quốc hay Israel đang áp dụng. Thậm chí tại Đài Loan, nơi sử dụng nhiều xe máy như Việt Nam thì quy định, phải đủ 18 tuổi mới được phép lái xe máy điện.

Giấy chứng nhận lái xe đạp điện và xe máy điện chỉ được cấp khi học sinh hoàn thành các khóa học và kỳ thi gồm cả lý thuyết và thực hành về quy định biển báo, xử lý tình huống, kỹ thuật lái xe cơ bản, kiểm tra xe, cấp cứu khi tai nạn... Các cơ quan đăng kiểm cũng cần siết chặt đăng ký phương tiện.

Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết sẽ đề xuất Bộ Giáo dục Đào tạo tham khảo và ban hành sổ tay an toàn giao thông cho học sinh trung học phổ thông, cùng đó là dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Cùng đó là cải thiện hạ tầng và tổ chức giao thông khu vực xung quanh các trường học.

Các hoạt động này sẽ được tiến hành theo lộ trình 2018 sẽ thí điểm tại 3 trường trên địa bàn Hà Nội, sau đó sang 2019-2020 thêm 4 trường tại các quận nội thành và sau 2020 triển khai trên khắp Hà Nội.

Sau khi áp dụng tại Hà Nội, Ủy ban ATGT cùng VAMM sẽ áp dụng tới tất cả các trường học trên cả nước.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, chương trình phối hợp giữa Ủy ban và VAMM năm 2016 đã mang tới những đóng góp tích cực cho công tác nâng cao nhận thức cho người dân và đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp theo thành công đó, từ 2017 với những biện pháp thực hiện rộng và có chiều sâu, hứa hẹn tỷ lệ tai nạn giao thông vì xe đạp điện, xe máy điện ở học sinh sẽ giảm trong những năm tới.

Mỹ Anh

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây