Hà Nội: Hơn 750.000 lao động bị ảnh hưởng vì nợ BHXH

Thứ năm - 07/12/2017 04:25

Hà Nội: Hơn 750.000 lao động bị ảnh hưởng vì nợ BHXH

“Mặc dù đã đạt được kết quả khả quan nhưng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) hết tháng 11 là 2.851,3 tỷ đồng chiếm 8,47% kế hoạch thu. Hà Nội có số nợ tiền BHXH cao nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động”.

Ảnh minh hoạ

Bà Đàm Thị Hoà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết tại Hội nghị tổng kết chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về các giải pháp giảm nợ BHXH, kiểm soát quỹ BHYT. Chương trình do Bảo hiểm xã hội Hà Nội thực hiện sáng 7/12 tại Hà Nội.

Còn “khoảng trống” pháp lý

Đánh giá của Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho thấy, nguyên nhân của tình trạng trên là việc có “khoảng trống” pháp lý trong tố tụng dân sự các vụ án nợ BHXH. Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Từ tháng 1/2016 đến hết tháng 11/2017, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ đề nghị Tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng đến nay chưa có vụ án về nợ BHXH được Tòa án thụ lý, giải quyết do các vướng mắc về quy định pháp luật.

Cũng theo bà Đàm Thị Hoà, thực trạng làm ăn thua lỗ của một số doanh nghiệp khiến việc trả nợ BHXH khó khăn. Vẫn nhiều chủ doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ số người đang làm việc theo quy định. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi bản thân.

“Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính về BHXH, BHYT còn hạn chế, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 chưa có hiệu lực. Không chỉ Hà Nội, cả nước vẫn chưa hoàn thiện hệ thống liên thông dữ liệu về quản lý doanh nghiệp, lao động và BHXH” - bà Đàm Thị Hoà cho biết.

Với tình hình này, BHXH Hà Nội khó có thể hoàn thành chỉ tiêu nợ do BHXH Việt Nam giao 4,04% năm 2017.

Bội chi trên 600 tỉ đồng BHYT

Theo ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc BHXH Hà Nội, qua 9 tháng đầu năm bội chi quỹ BHYT trên địa bàn Hà Nội trên 600 tỷ đồng.

“Cơ cấu giá cho một ngày giường bệnh có cả phòng vệ sinh riêng, có điều hòa bật 24/24h, có chế độ chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên thực tế bệnh viện không bật điều hòa, cơ sở vật chất và nhân lực không đáp ứng. Qua kiểm tra bệnh nhân đông y và liên chuyên khoa chỉ nằm viện ban ngày, các khoa khác vắng nhiều, thậm chí ở cả khoa Hồi sức tích cực” - ông Nguyễn Đức Hoà nói.

Một số nguyên nhân chính được BHXH Hà Nội liệt kê, như: Giá dịch vụ y tế tăng với nhiều điểm bất hợp lý, chi phí dịch sốt xuất huyết, thông tuyến khám chữa bệnh và còn chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, chỉ định vào điều trị nội trú không hợp lý.

Nhiều bệnh viện vẫn áp giá thanh toán gồm cả tiền lương và phụ cấp của y tế. Riêng thanh toán tiền lương và phụ cấp của cán bộ y tế được tính trong giá dịch vụ y tế là 1.336 tỷ đồng, trong đó tiền lương và phụ cấp của cán bộ y tế thanh toán từ giá giường là 842,1 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Đức Hoà cho rằng: “Một số cơ sở khám chữa bệnh chưa rà soát các chỉ định thuốc, VTYT, DVKT đánh giá việc chỉ định hợp lý, đảm bảo chất lượng điều trị, tiết kiệm nhằm giảm 10% chi phí bình quân so với năm 2016”.

Cũng theo BHXH Hà Nội, các cơ sở y tế chỉ định vào nội trú rộng rãi và kéo dài ngày nằm viện, qua kiểm tra có chỉ định các bệnh cúm thông thường, viêm họng... vào nằm nội trú.

Trong khi đó, nhiều dịch vụ y tế còn có giá bất hợp lý, như: Một số dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện giống nhau nhưng giá khác nhau và chênh lệch nhiều, các bệnh viện thường lựa chọn dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn để thanh toán.

Tăng cường nhiều giải pháp quyết liệt

Theo BHXH Hà Nội, nhằm giảm nợ BHXH và hạn chế trục lợi BHYT, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, như sau:

Phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, xác định nguyên nhân nợ. Trên cơ sở đó đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT.

Đối chiếu và thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến đơn vị sử dụng lao động, trên cơ sở đó có hình thức đôn đốc thu nợ phù hợp; Yêu cầu từng cán bộ chuyên quản thu đôn đốc, nhắc nhở đơn vị nộp BHXH hằng tháng, trong đó chú trọng các đơn vị nợ phát sinh, nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, nhằm giảm thiểu nợ khó đòi, kéo dài.

Gửi thông báo nợ BHXH đến đơn vị có số nợ từ 2 tháng trở lên, lập biên bản đôn đốc về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN; gửi văn bản đôn đốc 15 ngày/1 lần; thanh tra, kiểm tra đối các đơn vị nợ BHXH, BHYT.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ BHXH; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Công an, Sở lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, Cục Thuế thành phố, BHXH TP Hà Nội.

Với các cơ sở y tế, BHXH Hà Nội đề nghị giám đốc các cơ sở KCB BHYT nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT, việc đề nghị thanh toán BHYT các chi phí KCB không đúng quy định nhất là thực hiện không đúng, không đủ quy trình chuyên môn do Bộ Y tế quy định.

Nghiêm túc việc chỉ định bệnh nhân vào viện, không lập khống hồ sơ bệnh án, chứng từ để thanh toán BHYT.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, phổ biến quy định tại Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Hoàng Mạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây