Cà Mau: Kiến nghị xử lý hình sự đơn vị nợ bảo hiểm xã hội

Thứ hai - 11/12/2017 18:40

Cà Mau: Kiến nghị xử lý hình sự đơn vị nợ bảo hiểm xã hội

Thông tin từ lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh là hơn 100 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau đã kiến nghị xử lý hình sự đối với những đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm kéo dài.

Hơn 46 tỷ đồng nợ BHXH khó thu hồi

Bà Trương Linh Phượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau thông tin, tính đến ngày 30/11/2017, số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 103 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ BHXH là 68,94 tỷ đồng (chiếm 66,9% tổng số nợ), nợ BHTN là 3,59 tỷ đồng (chiếm 3,49% tổng số nợ) và nợ BHYT là 30,51 tỷ đồng (chiếm 29,61% tổng số nợ ). Trong tổng số nợ BHXH 68,94 tỷ đồng, có đến 58,66 tỷ đồng nợ BHXH của doanh nghiệp, trong đó có khoảng 46,5 tỷ đồng nợ khó có khả năng thu hồi của 10 doanh nghiệp.

Số tiền nợ bảo hiểm xã hội khó thu hồi hiện nay của tỉnh Cà Mau là hơn 46 tỷ đồng.

Bà Trương Linh Phượng cho biết, để xử lý vấn đề nợ bảo hiểm, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, tỉnh Cà Mau cũng đã thực hiện giải pháp là khởi kiện ra tòa. Vừa qua, tỉnh này đã khởi kiện 7 doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với Công ty thủy sản Minh Châu, số tiền nợ BHXH là 1,35 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, công ty không nộp BHXH, không giao dịch với cơ quan BHXH. BXHH tỉnh đã phối hợp với công an làm việc nhưng vẫn không tiếp cận được.

Công ty Thực phẩm Đại Dương nợ BHXH 6,89 tỷ đồng và hiện chỉ còn 2 lao động tham gia BHXH; Công ty TNHH Nhật Đức nợ BHXH 2,2 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã khởi kiện năm 2014 và trong thời gian thi hành án công ty chỉ nộp 26,8 triệu đồng.

Năm 2014, BHXH đã khởi kiện Công ty TNHH thủy sản Camimex số tiền nợ 10,25 tỷ đồng, đã thi hành án xong. Hiện nợ BHXH phát sinh sau khởi kiện là 13,6 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay đã có trên 6 cuộc thanh, kiểm tra nhưng công ty vẫn chưa có phương án nộp dứt điểm nợ BHXH.

Công ty chế biến và xuất nhập khẩu Cadovimex cũng bị BHXH khởi kiện vào năm 2014 số tiền nợ là 6,63 tỷ đồng, đã thi hành án được 130 triệu đồng. Hiện nợ BHXH phát sinh sau khởi kiện là 14,39 tỷ đồng. Từ 2014 đến nay, đã có nhiều cuộc thanh, kiểm tra nhưng công ty vẫn chưa có phương án nộp phần nợ BHXH.

Với Công ty xuất nhập khẩu Huỳnh Hương, vào năm 2015, BHXH tỉnh cũng đã khởi kiện số tiền nợ là 1,75 tỷ đồng, đã thi hành án được 1,48 tỷ đồng. Hiện nợ BHXH phát sinh sau khởi kiện là 2,3 tỷ đồng. Công ty đã giảm hết lao động trực tiếp sản xuất, chỉ còn 4 lao động tham gia BHXH.

Còn Công ty thực phẩm thủy sản Cà Mau nợ BHXH 32 tháng với số tiền 5,77 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, công ty kinh doanh thua lỗ, cắt giảm lao động, đến tháng 11/2017 chỉ còn 95 lao động tham gia BHXH.

Kiến nghị xử lý hình sự

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Trương Linh Phượng cho biết, từ năm 2016 đến nay không thực hiện được việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH theo Luật Bảo hiểm sửa đổi năm 2014.

“Trước đây, BHXH có quyền khởi kiện đối với doanh nghiệp nợ BHXH. Nhưng khi thực hiện điều 14, Luật Bảo hiểm sửa đổi thì khởi kiện không được, mà thẩm quyền do Liên đoàn Lao động khởi kiện vì quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, người lao động phải khởi kiện trực tiếp mới được và đây là vướng mắc theo khoản 8, điều 10, Luật Công đoàn”, bà Phượng nói.

Với quyền lợi của người lao động, theo bà Trương Linh Phượng, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ bảo hiểm để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ bảo hiểm đến thời điểm đã đóng BHXH, BHYT, BHTN sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, một trong những giải pháp mà tỉnh này đưa ra trong việc xử lý vấn đề nợ bảo hiểm là kiến nghị xử lý hình sự tội gian lận BHXH theo điều 214 của BLHS năm 2015 sửa đổi. Đối với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thì phạt tù từ 7 năm và người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng. Đây là giải pháp hiệu quả nhất nhưng từ trước đến nay chưa thực hiện tốt do đang vướng mặt thủ tục pháp lý.

Phối hợp hệ thống ngân hàng đã ký thỏa thuận về việc thu BHXH khi cho đơn vị vay trả lương cho người lao động,… thì bắt buộc kèm theo tiền đóng BHXH phần trách nhiệm phải đóng của đơn vị, đồng thời trích tiền đóng BHXH của người lao động chuyển cho cơ quan BHXH.

Lập danh sách các đơn vị nợ BHXH kéo dài, đề nghị cơ quan thuế làm căn cứ không giải quyết khấu trừ chi phí cho doanh nghiệp; Đối với đơn vị nợ khó đòi thì tiến hành làm việc cụ thể để báo cáo BHXH Việt Nam dừng phát sinh đối với các đơn vị không giao dịch với cơ quan BHXH.

Tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về khởi kiện tham gia tố tụng dân sự, giải quyết các vụ tranh chấp lao động. "Hiện nay, người lao động ở Cà Mau ít có tham gia khởi kiện mặc dù thiệt thòi quyền lợi khi doanh nghiệp không thực hiện đúng theo Luật Lao động năm 2013. Người lao động chủ yếu muốn làm việc tại đơn vị đó nên không muốn thưa kiện chủ của mình, vì thế rất khó cho các đơn vị tham gia giải quyết cho người lao động", bà Trương Linh Phượng băn khoăn.

Huỳnh Hải

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây