8 điểm nhấn trong lĩnh vực LĐ-TB&XH năm 2017

Chủ nhật - 31/12/2017 10:38

8 điểm nhấn trong lĩnh vực LĐ-TB&XH năm 2017

Năm 2017 đang khép lại với nhiều sự kiện sôi động. Chuyên mục Việc làm Báo Dân trí xin bình chọn 8 điểm nhấn trong lĩnh vực LĐ-TB&XH trong năm 2017: Hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, tăng lương tối thiểu, thắt chặt hoạt động XKLĐ, tạm lùi việc trình dự thảo sửa đổi Luật lao động…

1. Chuỗi sự kiện hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ trước và trong tháng 7.

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 70 năm thực hiện chính sách do Đảng và Nhà nước quy định về thương binh liệt sĩ. Bên cạnh các hoạt động của các bộ, ban ngành, hàng loạt các hoạt động được ngành LĐ-TB&XH tổ chức ở cấp địa phương cũng như trung ương.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể những người tham dự chương trình tại các đầu cầu cùng thắp nến tri ân.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là Chương trình lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ với tên gọi “Dáng đứng Việt Nam”, được truyền hình trực tiếp tại Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên và Quảng trị.

2. Ban hành quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

Tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công, với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an.

Lễ tiếp nhận hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Quy trình gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm trước đó. Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH là căn cứ quan trọng để ngành LĐ-TB&XH giải quyết các tồn tại nhiều năm trong công tác xác nhận người có công.

2. Công bố việc xác định danh tính và ADN của 3 liệt sĩ Hang Tám Cô (Quảng Bình).

Tháng 8/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo Cục Người có công kết hợp với các cơ quan chức năng xác định AND của các liệt sĩ đã hy sinh tại Hang Tám Cô (Quảng Bình) cách đây hơn 40 năm.

Theo đó, danh tính 3 liệt sĩ đầu tiên trong số các liệt sĩ hi sinh tại Hang Tám Cô đã được xác minh, gồm: Liệt sĩ Nguyễn Văn Quận (Sơn Dương, Tuyên Quang), liệt sĩ Sầm Văn Mắc (Cam Đường, Lào Cai), liệt sĩ Trần Thị Tơ (Hoằng Hoá, Thanh Hoá).

4. Trao bằng khen 2 lão nông ở Bắc Ninh đã dũng cảm đối đầu với tham nhũng.

Tháng 6/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trao quyết định khen thưởng số 937 và 938/QĐ-BLĐTBXH tới 2 lão nông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng (trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) vì đã góp phần giúp các cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 hồ sơ giả người có công giai đoạn 2010-2013.

Tặng bằng khen tới 2 lão nông dũng cảm

Ngoài việc trao bằng khen tới 2 lão nông, Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kêu gọi những trường hợp đã nhận tiền từ hồ sơ giả nên chủ động trả lại số tiền đã được trao.

5. Tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Sau 3 vòng họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được thống nhất là 6,5 % so với mức của năm 2017, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương.

Lương tối thiểu vùng 2018 tăng khoảng 6,5 % so với mức lương của năm 2017.

Mức đề xuất này là căn cứ để Chính phủ vừa ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

6. “Nóng” chuyện tăng tuổi hưu và tạm lùi trình dự thảo sửa đổi Luật lao động năm 2012.

Trong năm 2017, câu chuyện tăng tuổi hưu của lao động nam và nữ được bàn tán nhiều. Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đề xuất tăng tuổi hưu của người lao động hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động đã được đưa ra khỏi Chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 (tháng 5/2017) nhằm mục đích tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo hướng sửa đổi toàn diện Bộ Luật Lao động.

6. Triển khai tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên thực hiện việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sau khi được tiếp nhận toàn bộ lĩnh vực dạy nghề. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tuyển hơn 540.000 học sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Năm 2017, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cũng tổ chức thi tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo cho 1,931 triệu người, trong đó: Cao đẳng, trung cấp khoảng 450.000 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 1,481 triệu người.

7. Thắt chặt và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ.

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH thắt chặt nhiều chính sách chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động. Bộ đã xử phạt hàng loạt các công ty XKLĐ với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, rút giấy phép hoạt động của 4 doanh nghiệp do vi phạm các quy định Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa ngoài.

8. Hơn 11.000 lao động 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của sự cố môi trường đi XKLĐ.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến 31/5/2017, gần 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016 đã được đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một trong những giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do môi trường biển bị ảnh hưởng.

Hoàng Mạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây