Trải nghiệm nhanh LG G7+ ThinQ xách tay về Việt Nam: nhạt nhòa

Thứ sáu - 25/05/2018 15:04
Một số hình ảnh cận cảnh và trải nghiệm nhanh LG G7+ ThinQ xách tay về Việt Nam. Đây là smartphone cao cấp ngay chính bản thân nhà sản xuất LG có vẻ cũng không mấy mặn khi ra mắt.

Một số hình ảnh cận cảnh và trải nghiệm nhanh LG G7+ ThinQ xách tay về Việt Nam. Đây là smartphone cao cấp ngay chính bản thân nhà sản xuất LG có vẻ cũng không mấy mặn khi ra mắt.

LG G7+ ThinQ

Trước khi chính thức ra mắt, một nguyên mẫu của LG G7 ThinQ từng xuất hiện lặng lẽ ở gian hàng của LG tại triển lãm MWC 2018 hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, sau đó hãng phủ nhận sự tồn tại của chiếc "điện thoại tai thỏ lạ" này và liên tiếp có thông tin lãnh đạo LG yêu cầu hủy dự án G7 để làm lại từ đầu do "không có gì nổi trội so với các đối thủ".

Tuy nhiên, cuối cùng LG cũng giới thiệu sản phẩm một cách lặng lẽ. Thậm chí cho tới tận bây giờ trang chủ của LG vẫn không có thông tin chính thức về LG G7 ThinQ và G7+ ThinQ. Điều này khiến nhiều người cảm giác việc ra mắt G7 mang tính khiên cưỡng do "sự đã rồi".

Tại Việt Nam, LG đã không còn chỗ đứng và cũng đã phải rút khỏi mảng di động ở thị trường trong nước, nên các sản phẩm smartphone LG được đưa về Việt Nam chủ yếu là qua kênh xách tay, trong đó nguồn hàng chiếm phần lớn từ Hàn Quốc, sau đó là Hồng Kông, Singapore và Mỹ. Chiếc LG G7+ ThinQ mà chúng tôi có dịp trải nghiệm do cửa hàng XT Mobile cung cấp. Sản phẩm được bán với mức giá gần 18 triệu đồng.

Thiết kế

LG G7+ ThinQ được đóng gói trong chiếc hộp màu đen quen thuộc như các dòng sản phẩm tiền nhiệm của LG 

Phụ kiện đi kèm bao gồm một tai nghe chuẩn 3.5mm không có logo B&O, sạc nhanh 5A, cáp Type-C, đầu chuyển USB OTG sang Type-C và đầu chuyển Micro USD qua Type-C cùng que chọc SIM

LG định vị dòng G của họ ở phân khúc cao cấp cùng với dòng V (dành cho đối tượng riêng), nhưng khác với dòng V, các dòng G thường chỉ được bán kèm với tai nghe thông thường chứ không dùng các tai nghe đã tinh chỉnh của AKG hay B&O như dòng V. Đây là một thiệt thòi đáng kể cho người dùng vốn thương hướng tới LG dựa trên chất âm của Quad-DAC.

Trước đó, các biến thể của LG V30 và G6 bán ra theo hai hình thức, có và không có logo/tai nghe B&O tùy theo thị trường. Nhưng giờ đây thì LG G7 và G7+ ThinQ đã không còn được gán mác B&O trên máy nữa, báo hiệu có thể sự hợp tác của LG với B&O đã kết thúc, hoặc ít ra là không còn dành cho dòng G. 

Mặt sau của LG G7+ ThinQ sử dụng chất liệu kính sơn bóng dễ bám vân tay, bù lại nhờ chất liệu kính nên máy hỗ trợ sạc không dây. 

Đã không còn logo B&O và thậm chí LG cũng loại bỏ nút nguồn quen thuộc ở chung với cảm biến vân tay như trên các dòng G và V trước đó. Trên G7, nút nguồn đã được chuyển qua cạnh phải máy và tách hoàn toàn khỏi cảm biến vân tay (đặt ở mặt lưng). Bên cạnh đó, họ cũng thay đổi cách bố trí cụm camera từ ngang sang dọc.

Trong khi đó, ở cạnh trái máy bố trí nút tăng giảm âm lượng và một nút cứng dành riêng cho trợ lý ảo Google Assistant. LG cho biết, trợ lý ảo này có khả năng "lắng nghe" người dùng từ khoảng cách xa tới 10m, thay vì phải cầm điện thoại lên để ra lệnh như trước.

LG G7 có màn hình theo tỷ lệ 19,5:9, dài hơn so với các smartphone hiện nay vốn chủ yếu theo tỷ lệ 18:9 hoặc 18.5:9, Đáng chú ý, màn hình này sử dụng tấm nền IPS LCD có độ phân giải 2K (1440 x 3120 pixel) thay vì OLED như trên V30 và có độ sáng lên tới 1.000 nit - cao nhất thị trường hiện nay.

Về lý thuyết, độ sáng càng cao thì càng dễ quan sát dưới ánh mặt trời, khi kích hoạt, trải nghiệm dưới ánh nắng ngoài trời thì màn hình có độ sáng tốt hơn một chút so với Huawei P20 Pro và iPhone X, nhưng độ chênh lệch không đáng kể. 

Dù sử dụng tấm nền LCD nhưng LG vẫn tích hợp tính năng Always-on-Display trên G7, tuy nhiên do màu đen trên tấm nền này không thể hiển thị tốt và sâu như trên các tấm nền Amoled và OLED nên khi sử dụng tính năng Always-on-Display (và một số chức năng khác) bạn sẽ vẫn nhận ra phần tai thỏ hiện mờ ảo ở trên máy, nhất là về ban đêm.

Sở hữu độ phân giải 2K và thế mạnh tối ưu tấm nền của LG đã khiến màn hình của G7 có chất lượng hiển thị tốt, mịn màng và dễ chịu, dù hơi ám xanh khi sử dụng profile màu mặc định. Viền màn hình của máy được tối ưu hơn V30 một chút nên có cảm giác mỏng gọn hơn.

LG từng tuyên bố họ đã nghĩ ra tai thỏ từ rất lâu, chứ không "ăn theo" iPhone X hay Sharp. Tuy nhiên, thời điểm này họ ra mắt G7 đã trở thành một chiếc smartphone "tai thỏ" đi sau các hãng khác.

Nhìn chung, LG LG G7 có thiết kế không có gì nổi bật so với các sản phẩm trên thị trường, mặt sau thiếu cân đối và nói không ngoa khi LG gần như đã đánh mất "chất" của họ trong mẫu flagship mới nhất này. Tuy nhiên, với độ bo ở mặt lưng và đường viền cũng như các tối ưu về thiết kế đã giúp cảm giác cầm nắm máy dễ chịu hơn V30 và G6, dù mặt lưng vẫn rất dễ bám vân tay. 

Cấu hình, phần mềm và hiệu năng

Sức mạnh của LG G7+ ThinQ đến từ SoC mới nhất của Qualcomm là Snapdragon 845, có mức tiêu thụ năng lượng ít hơn 30% so với trước đây. Điều này phần nào sẽ giảm bớt lo ngại về thời lượng sử dụng pin trên G7 khi LG chỉ tích hợp thỏi pin 3.000mAh trên mẫu flagship này, ít hơn một chút so với V30 và G6. 

Bên cạnh SoC, phiên bản G7+ ThinQ này sở hữu 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong (so với bản G7 tiêu chuẩn chỉ có 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong) cùng khe cắm thẻ nhớ mở rộng. Máy sở hữu camera kép 16MP và camera trước 8MP. 

Ngoài ra, máy còn tích hợp công nghệ cộng hưởng âm thanh qua viền máy, giúp hệ thống loa ngoài của máy khi đặt xuống mặt bàn có thể phát ra âm thanh to hơn các smartphone khác trên thị trường, LG gọi đây là công nghệ Boombox. Bên cạnh đó, họ vẫn tích hợp 4 chip DAC (Quad-DAC) hỗ trợ âm thanh Hi-Res chất lượng cao cùng giả lập DTS:X 3D Surround khi dùng tai nghe ngoài.

Giao diện, tùy chỉnh màu màn hình và tùy chỉnh âm thanh trên LG G7

LG G7+ ThinQ cài sẵn Android 8.0 với giao diện tùy biến của LG, máy vẫn cho phép đổi phông chữ tùy chọn rất tiện lợi. Bên cạnh đó, LG cũng tích hợp thêm các tính năng hữu ích như Game Mode, nhận diện profile sử dụng dựa theo ngữ cảnh, tối ưu pin và chế độ màn hình (co giãn theo tỷ lệ màn hình của máy),...

Đáng tiếc là chưa có nhiều thời gian trải nghiệm máy để có thể đánh giá chi tiết về hiệu năng, nhưng cảm nhận ban đầu là máy rất mượt, gây ấn tượng ngay từ khi mới sử dụng với giao diện mặc định của máy. Tuy nhiên, với cấu hình "chạm đỉnh" của bản G7+ thì điều này không đáng ngạc nhiên. Nhưng LG có truyền thống tối ưu RAM không tốt, có lẽ người dùng nên bỏ thêm một ít ngân sách để sở hữu bản Plus này hơn là bản G7 thường.

Âm thanh và màn hình

LG là một hãng lớn chuyên cung cấp tấm nền cho cả TV, màn hình rời và màn hình di động cho nhiều nhà sản xuất trên thế giới, nên không ngạc nhiên gì khi chất lượng màn hình của LG luôn được đánh giá cao, trừ những gì họ đã làm trên màn hình OLED di động của Pixel 2 XL và V30 (bị hiện tượng bóng ma và ám xanh khi nhìn nghiêng). 

Màn hình của LG G7+ ThinQ cũng không ngoại lệ, theo cảm quan cá nhân có thể nói xuất sắc! Theo LG, màn hình của máy có độ phủ 100% không gian màu DCI-P3, đạt chuẩn Dolby Vision / HDR10. Đáng tiếc là ở chế độ hiển thị tự động mặc định, nhiệt màu màn hình ám xanh hơi nặng (so với khả năng hiển thị màu chuẩn của tấm nền). Tuy nhiên, người dùng có thể chọn các thiết lập sẵn về màu sắc hiển thị của màn hình thông qua tùy chọn Screen Color ở phần Settings của máy, trong đó có chế độ Expert cho phép chỉnh chi tiết các màu và nhiệt màu của màn hình.

Độ sáng ngoài trời của LG G7+ ThinQ (bên phải) tốt hơn các mẫu flagship khác như Huawei P20 Pro (bên trái), nhưng thực tế không chênh quá nhiều  

Không những thế, LG còn tối ưu tấm nền LCD IPS của máy, nâng độ sáng tối đa lên 1.000 nits để tiện sử dụng dưới ánh sáng ngoài trời, dù thử nghiệm không vượt trội quá nhiều so với các đối thủ nhưng đây rõ ràng là một nỗ lực đáng ghi nhận của LG. Để nhìn rõ dưới ánh sáng ngoài trời, tăng độ sáng màn hình là chưa đủ mà cần tối ưu công nghệ tấm nền. Đó cũng là lý do tại sao các smartphone BlackBerry và Nokia trước đây (với công nghệ ClearBlack) hiển thị rất tốt dưới ánh sáng ngoài trời, dù độ sáng màn hình khá khiêm tốn. Hình ảnh so sánh thực tế dưới đây là một minh chứng.

Với độ sáng tối đa 1000 nits, màn hình của LG G7+ ThinQ (bên phải) vượt trội so với BlackBerry Classic Q20 (bên trái) khi nhìn trong nhà

Nhưng công nghệ tấm nền đặc biệt của BlackBerry đã giúp chiếc smartphone BlackBerry Classic nhìn rõ hơn khi quan sát dưới ánh sáng ngoài trời so với chiếc LG G7+ ThinQ (bên phải) dù chiếc điện thoại LG đã bật chế độ Boosted để kích hoạt độ sáng tối đa lên tới 1.000 nit

Như đã nói ở trên, máy vẫn tích hợp Quad-DAC cho phép nghe nhạc chất lượng cao, hỗ trợ đầu ra có công suất lên tới 150 Ohm, ngoài ra còn hỗ trợ giả lập âm thanh vòm 7.1 với công nghệ DTS:X 3D Surround. Theo LG, họ còn tích hợp công nghệ cộng hưởng khung máy trên G7, cho phép phát ra âm thanh to hơn các smartphone thông thường rất nhiều khi đặt mặt lưng xuống các mặt phẳng như bàn hay sàn nhà.

Dù G7 chỉ sử dụng 1 loa ngoài nhưng thử nghiệm cho thấy âm thanh của máy phát ra rất ấn tượng, to hơn các smartphone mà chúng tôi đã từng có dịp trải nghiệm, dù Bass và chất stereo không đủ ngon như trên các hệ thống sử dụng loa kép nhưng nhìn chung đủ dùng cho một thiết bị di động. Đáng tiếc là tai nghe kèm theo máy chỉ có chất lượng bình thường và cũng không được B&O tinh chỉnh như trước.

Camera 

Ở mặt lưng G7+ ThinQ, LG tiếp tục sử dụng cụm camera kép 16MP theo mô hình quen thuộc: một chiếc camera góc hẹp 71 độ và một camera góc rộng 107 độ (hẹp hơn so với camera góc rộng 120 độ trên V30 và G6 trước đó). Chiếc camera góc hẹp có khẩu độ f/1.6, tích hợp chống rung quang học, hỗ trợ lấy nét theo pha và lấy nét laser. Trong khi đó, chiếc camera góc rộng có khẩu độ f/1.9 và sử dụng lấy nét cố định (toàn cảnh).

Tương tự V30, LG tích hợp các tính năng thú vị cho phần mềm camera của máy như chế độ quay phim Cine (với bộ lọc màu và khả năng zoom theo vùng), chế độ quay Cine log (dạng file RAW dùng trong quay phim), chế độ quay chụp chỉnh tay,... Ngoài ra, LG còn tích hợp AI vào G7 tương tự bản cập nhật cho V30 trước đó, giúp nhận diện ngữ cảnh để điều chỉnh màu sắc cho ảnh chụp. Thay đổi lớn nhất là hãng đã tích hợp chế độ chụp ảnh chân dung (Portrait) vào phần mềm camera của máy, cho phép chụp ảnh xóa phông đối tượng và mức độ xóa phông có thể điều chỉnh.  

Giao diện chụp ảnh của máy

Khi chụp đêm, máy cho phép gộp các điểm ảnh (và giảm độ phân giải ảnh) để tăng độ sáng, lúc này giao diện chụp hiển thị biểu tượng cho phép tắt/bật chế độ tăng sáng khi chụp đêm.

Đáng tiếc là kích cỡ cảm biến ảnh của cụm camera này vẫn không thay đổi so với G6 và V30, kích cỡ điểm ảnh của cảm biến chỉ vào khoảng 1.0 micron, khá nhỏ so với kích cỡ 1,4-1,55 micron của các đối thủ như Google Pixel 2 hay Galaxy S9. Người viết vẫn không hiểu vì sao LG tiếp tục sử dụng cảm biến nhỏ này, bởi dù có khả năng xử lý phần mềm tốt như Google thì chất lượng phần cứng vẫn rất quan trọng, đó cũng là lý do bộ đôi Google Pixel 2 vẫn trang bị cảm biến ảnh lớn ngang ngửa các đối thủ. 

Nhưng điều đáng mừng nhất với fan LG lại nằm ở camera trước, vốn từng bị LG hắt hủi ở các sản phẩm trước đó khi camera trước thường có chất lượng tệ hại. Trên LG G7, LG đã biết lắng nghe và thay đổi giúp chất lượng ảnh selfie của G7 ngon hơn trước rất nhiều, có thể sánh ngang với các flagship hiện nay dù chế độ xóa phông thỉnh thoảng vẫn nhận diện nhầm.

Ảnh zoom 2X của camera sau bị bết khá nặng, dù LG cố tăng độ sắc nét 

Camera selfie của máy có chất lượng tốt, nhưng màu sắc hơi rực và chế độ chân dung chưa ngon (xóa phông nhầm các vòng hoa trên đầu các em gái học sinh trong hình)

Bù lại, việc selfie trên LG G7+ ThinQ đã trở nên vui vẻ hơn với các tùy chọn AR Sticker phong phú

Trải nghiệm thực tế cho thấy chất lượng camera của LG G7 nhỉnh hơn G6 kha khá nhưng chỉ nhỉnh hơn V30 một chút, trừ cam góc rộng giờ có góc hẹp hơn các sản phẩm tiền nhiệm. Tuy nhiên, nếu soi kỹ thì có thể thấy giới hạn phần cứng của LG đã thể hiện rõ. Do chỉ dùng cảm biến ảnh có kích cỡ nhỏ nên ảnh chụp của LG G7 dù đã được tăng độ sắc nét mạnh (oversharp) nhưng khi phóng to ảnh không có độ chi tiết bằng các đối thủ, thậm chí đôi khi bị bết mạnh, nhất là khi dùng zoom.

Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo (AI) được các hãng lạm dụng để đưa vào camera nhưng thực sự nó chưa hoàn thiện và mới chỉ dừng lại ở việc nhận diện theo ngữ cảnh, bởi ví dụ khi máy nhận diện khung cảnh bầu trời thì sẽ nhấn mạnh bầu trời nhưng lại vô tình làm sai sắc màu của các đối tượng còn lại trong ảnh, tương tự khi nhận diện khung cảnh có cây xanh. Chưa kể đôi khi việc tăng màu này khiến hình ảnh trông thiếu tự nhiên.

Việc sử dụng AI để tự động nhận diện và "áp màu" đôi khi phản tác dụng, bức ảnh này là một ví dụ: Màu xanh của các tán cây và cỏ bị đẩy lên quá đà khiến trông ảnh khá giả tạo

Dưới đây là một số hình ảnh chụp thực tế từ cụm camera kép của LG G7+ ThinQ (nhấp vào để xem ảnh gốc đã resize 75% với chất lượng 95% do giới hạn lưu trữ trên máy chủ):

Ảnh chụp ban ngày thể hiện màu sắc rất tốt từ camera chính 16MP khẩu độ f/1.6

Camera góc rộng là một lợi thế trên các smartphone của LG trong các không gian hẹp hoặc các góc chụp phong cảnh cần độ hút cũng như độ bao quát toàn cảnh, LG G7+ ThinQ cũng không ngoại lệ. Đáng tiếc là khi phóng to ảnh từ camera góc rộng lại có chất lượng không tốt do bị bết khá mạnh

Ảnh chụp từ camera góc hẹp của G7+ ở chế độ nhận diện AI, máy tự tăng màu sắc của bầu trời để nhấn mạnh khung cảnh.

Tuy nhiên, nếu tắt AI thì ảnh trông tự nhiên hơn, dù màu trời không rực rỡ bằng khi bật AI

Còn đây là ảnh từ camera góc rộng 107 độ trên LG G7+ ThinQ (tắt AI)

Ảnh chụp ở chế độ tự động vào ban đêm ở môi trường ánh sáng thấp (tắt chế độ tăng sáng)

... và đây là ảnh khi bật chế độ tăng sáng (gộp điểm ảnh)

Hãy thử so sánh với ảnh chụp ở chế độ thường và kéo sáng bằng Photoshop

Ảnh chụp trong nhà có chất lượng tốt

Ảnh chụp close up có độ xóa phông ổn do máy dùng khẩu độ f/1.6

Chế độ ảnh chân dung của LG G7+ ThinQ dùng cơ chế nhận diện hoàn toàn bằng phần mềm nhưng hoạt động khá hiệu quả

LG G7 ThinQ tốt nhưng chưa đủ

Sau vết đen đột tử kéo dài từ LG G4 đến LG V10, hãng công nghệ Hàn Quốc đã nỗ lực thay đổi với việc tung ra LG G5 "biến hình" hay LG G6 viền mỏng và LG V30 màn OLED thanh lịch. Dù đã gần như thoát khỏi tai tiếng "đột tử" nhưng sự ám ảnh về phần cứng của LG vẫn nối dài khi các smartphone của họ vẫn bị lỗi vặt như màn hình bị hiện tượng bóng mờ trên LG V20 và LG G6, màn P-OLED ám xanh trên LG V30,... và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số cũng như niềm tin thương hiệu của hãng.

LG G7 được coi là chiếc điện thoại mang tính cột mốc khi LG quay lại sử dụng tấm nền LCD (để tránh những điểm tồn tại chưa thể khắc phục trên màn OLED của họ) và sử dụng thiết kế an toàn bằng việc "đi theo" các hãng khác, với màn hình tai thỏ và loại bỏ việc tích hợp nút nguồn với cảm biến vân tay. LG cũng biết lắng nghe người dùng khi quan tâm tới camera selfie của G7 và tích hợp tính năng chụp chân dung (Portrait) cũng như tăng cường chất lượng loa ngoài bằng công nghệ cộng hưởng khung máy.

Nhưng nếu để ý kỹ, những thay đổi này chủ yếu mang tính hoàn thiện những thiếu sót của LG V30 và LG G6 trước đó hơn là sự đột phá (mà họ nên làm), chưa kể LG còn đánh mất bản sắc của họ khi đi theo thiết kế của các hãng khác thay vì tạo ra phong cách riêng như đã từng. Tổng thể, LG G7+ ThinQ là một chiếc điện thoại ổn, từ mức giá (tại Việt Nam vào khoảng 18 triệu đồng cho bản Plus xách tay và 16,5 triệu đồng cho bản G7 thường) cho tới phần mềm và phần cứng. 

Những gì mà LG thể hiện qua LG G7 là chưa đủ để thay đổi cục diện trên thị trường di động

Chiếc flagship mới của LG vẫn chưa thực sự "ngon" dù phần mềm đầy hứa hẹn. Công nghệ âm thanh cộng hưởng khung máy tốt nhưng liệu loa to có hay bằng loa ấm và loa kép trên Pixel 2 XL hay các smartphone của HTC trước đây? Ảnh chụp góc rộng thú vị nhưng cảm biến nhỏ khiến các chi tiết bị bết lại khi zoom vào, liệu có ai thích ảnh phong cảnh mà lại bị bệt như vậy? Màn hình có độ sáng 1.000 nit nhưng độ bóng cao và độ tương phản chưa cao khiến chưa phát huy hết lợi thế khi xem ngoài trời. Âm thanh là điểm hấp dẫn của LG G7 nhưng họ lại loại bỏ tai nghe do B&O tinh chỉnh để bán kèm một chiếc tai nghe không thể bình thường hơn. Những yếu tố này khiến LG G7 khó có khả năng trở thành đối trọng của các flagship sừng sỏ trên thị trường như iPhone X, Galaxy S9, Galaxy Note8, Huawei P20 Pro, Xiaomi Mi MIX 2S,... chưa kể các mẫu điện thoại tầm trung khác đang có chất lượng tốt trên thị trường cũng có thể loại bỏ G7 khỏi cuộc đua.

Nếu không quá khắt khe, LG G7 là bản nâng cấp đáng giá của LG cho các flagship trước đó. Nhưng thực tế, có lẽ nó vẫn sẽ chỉ dành cho các fan của LG, những người đang tìm kiếm sự hoàn thiện và nâng cấp từ các mẫu flagship của LG trước đó như V20, G6 và V30. Đến đây, hẳn sẽ có không ít người ước rằng LG đừng ra mắt G7 để làm lại hoàn toàn như tin đồn trước đó và việc lo ngại cho LG là có cơ sở...

TM

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây