Những "siêu phẩm" công nghệ chết yểu vì... xuất hiện quá sớm (Phần 1)

Thứ hai - 18/09/2017 21:43
Một vài siêu phẩm công nghệ mà chúng ta thấy ngày nay thực ra đã xuất hiện từ hàng thập kỷ trước. Nhưng ở "kiếp trước", chúng lại không đạt được những thành công, thậm chí còn thất bại nặng nề bởi tư duy cũng như công nghệ thời bấy giờ chưa chín muồi.

Một vài siêu phẩm công nghệ mà chúng ta thấy ngày nay thực ra đã xuất hiện từ hàng thập kỷ trước. Nhưng ở "kiếp trước", chúng lại không đạt được những thành công, thậm chí còn thất bại nặng nề bởi tư duy cũng như công nghệ thời bấy giờ chưa chín muồi.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm lại những "siêu phẩm" sinh ra không đúng thời điểm, nhiều sản phẩm trong số đó đến từ những tên tuổi vô cùng quen thuộc như Apple hay Microsoft.

1. Apple Hypercard

Hypercard - một sản phẩm của Apple, cho phép bạn tải các tài liệu và ứng dụng thông qua đường dây điện thoại, và còn có thể liên kết chúng lại với nhau. Bạn cũng có thể viết các chương trình mà không cần code, kích hoạt các chức năng multimedia, hay phân tích dữ liệu một cách vô cùng đơn giản. Hypercard là một mạng lưới của các kết nối, có thể sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Nghe có vẻ giống như World Wide Web? Chính xác là vậy, bởi phương thức hoạt động của Hypercard chính là tiền đề để sau này World Wide Web ra đời. Một điều đáng chú ý là Hypercard được phát triển sau khi Bill Atkinson - một nhân viên của Apple lúc bấy giờ - "chơi cần" hơi quá tay!

Hypercard ra đời năm 1985, và xuất hiện lần đầu trên Apple Macs vào năm 1987. Nó nhanh chóng trở nên phổ biến, nhưng dường như không có một đối tượng người dùng cụ thể nào, và Apple thậm chí còn xem Hypercard là một đối thủ tiềm tàng đối với phần mềm của chính họ viết ra.

Apple sau đó đã tách bộ phận phần mềm ra riêng, và Hypercard bị ngưng phát triển vĩnh viễn.

2. General Motors EV1

Bạn nghĩ Tesla là người tiên phong trong lĩnh vực xe điện? Thực ra xe điện đã xuất hiện từ năm 1996 - chính là chiếc EV1 của General Motors (GM). Tuy nhiên EV1 bị ngừng sản xuất chỉ sau đó 3 năm, tức là năm 1999.

EV1 vốn được phát triển vì các công ty sản xuất xe hơi vào thời điểm này bị buộc phải chấp hành các điều luật liên quan việc không xả thải ở California. Nhưng không lâu sau đó, các công ty này đã thuê được luật sư khiến các điều luật nêu trên bị bãi bỏ.

Về phía GM, họ nhanh chóng nhận thấy việc phát triển xe hơi chạy điện vào lúc này tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ, lợi nhuận cũng không thu được là bao, và nhu cầu người tiêu dùng hầu như là không có. Do đó họ quyết định chấm dứt chương trình phát triển xe điện vào năm 2002, với nhiều chiếc EV1 bị thu hồi và "rã xác" trong các bãi phế liệu.

3. LiveJournal

Trước khi Facebook xuất hiện là thời kì của Friendster. Nhưng trước đó nữa, LiveJournal đã xuất hiện. Dịch vụ mạng xã hội này được phát triển bởi lập trình viên người Mỹ Brad Fitzpatrick vào năm 1999, với mục đích ban đầu là giúp những người bạn trong trường trung học giữ liên lạc với nhau, đồng thời kết hợp luôn chức năng viết blog và bình luận.

LiveJournal nhanh chóng phát triển mạnh mẽ đến nỗi Brad phải khoá chức năng đăng ký mới vì máy chủ không thể đáp ứng nổi lượng người dùng quá lơn.

Năm 2005, Brad bán lại LiveJournal cho Six Apart, và công ty này ngay lập tức đưa vào một tính năng mà trước đây LiveJournal đã nói rằng "không bao giờ đụng đến": quảng cáo. Sau đó, LiveJournal tiếp tục đi chệch hướng giống như những gì Twitter hiện nay đang gặp phải: thay đổi các tính năng chủ chốt và thiết kế mà không tham khảo ý kiến người dùng, "lơ đẹp" mọi góp ý của họ, và thậm chí còn theo dõi người dùng trái phép.

Mọi chuyện tồi tệ vẫn chưa chấm dứt, mà đỉnh điểm là vào năm 2007, khi trong một đợt kiểm duyệt nội dung, LiveJournal đã xác định nhầm và xoá khoảng vài trăm tài khoản người dùng, không chỉ một mà đến hai lần! Hiện nay, người ta thường chỉ nhắc đến LiveJournal ở thì quá khứ.

4. Apple Newton

Newton là sản phẩm thứ hai của Apple xuất hiện trong danh sách "đau xót" này. Còn được biết đến với tên gọi MessagePad, Newton xuất hiện từ rất lâu trước khi Steve Jobs nghĩ ra iPad.

Về cơ bản, đây là một chiếc PDA, với chất lượng và hiệu năng tuyệt vời đến mức nhiều người lo ngại nó sẽ làm giảm doanh số máy Mac của Apple. Tuy nhiên, điều khiến Newton không được lòng người dùng là mức giá quá cao, cũng như tính năng được quảng cáo nhiều nhất là nhận dạng chữ viết lại không hoạt động tốt cho lắm. Chính vì thế, doanh số bán ra của Newton khá thấp, và đã bị chính Steve Jobs "kết liễu" ngay sau khi ông quay lại Apple vào năm 1997.

10 năm sau, Newton "đầu thai" dưới tên gọi mới là iPhone - một thiết bị được Steve Jobs "nhào nặn" dựa trên triết lý ban đầu của Newton, một thiết bị điện toán di động mà không bao lâu sau đã khiến doanh số Mac giảm sút!

5. Microsoft SPOT

Microsoft SPOT là chiếc smartwatch ra đời trước Apple Watch đến tận 11 năm, nhưng lại có vòng đời ngắn ngủi chỉ 2 năm.

Vấn đề của SPOT nằm ở chỗ: giá thành quá cao, hiệu năng thấp, và quyết định kỳ quặc của Microsoft trong việc thay vì sử dụng nền tảng di động hiện có để giao tiếp thì họ lại xây dựng một mạng lưới sóng FM riêng trên SPOT. Với quyết định này, nếu bạn mang SPOT đi về miền quê thì thứ trên tay bạn nghiễm nhiên biến thành một cục gạch không hơn không kém.

6. Microsoft Courier

Courier là chiếc tablet được Microsoft phát triển vào năm 2008, và "ra đi" vào năm 2010. Nó là một thiết bị có hình dạng giống một cuốn sổ, tất nhiên có kèm theo một cây bút điện tử; tuy được giới công nghệ vô cùng quan tâm nhưng lại không bao giờ xuất hiện một cách chính thức.

Một số nguồn tin cho rằng, Courier không bao giờ được ra mắt bởi hệ điều hành Windows-không-email chạy trên máy không phù hợp với chiến lược của Microsoft. Vài năm sau, Microsoft ra mắt Windows 8 cho tablet, và hiện nay hãng vẫn tiếp tục tiến lên với Windows 10 và dòng Surface vô cùng thành công.

(còn tiếp)

Tấn Minh

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây