Sửa đổi Thông tư 30: Giáo viên không thể sáng tạo ra A+, A-, hay B+, B-

Thứ tư - 31/08/2016 03:50

Sửa đổi Thông tư 30: Giáo viên không thể sáng tạo ra A+, A-, hay B+, B-

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Công Khanh (Trung tâm Khảo thí chất lượng giáo dục- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên tổ sửa đổi Thông tư 30) khi trao đổi xung quanh lần điều chỉnh Thông tư 30 theo góp ý từ xã hội.

Thông tư 30 đã triển khai được hai năm, qua thời gian đó nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng đã có những phản ứng nhiều chiều. Trên tinh thần đổi mới, không thể phủ nhận những điểm tốt của quy định không chấm điểm học sinh tiểu học. Tuy nhiên, trong khi triển khai tại các địa phương, có nhiều yếu tố dẫn đến quy định này chưa được áp dụng một cách khoa học, linh động.

Chính vì vậy, năm học này Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Khanh (Trung tâm Khảo thí chất lượng giáo dục- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên tổ sửa đổi Thông tư 30).

Giúp giáo viên tường minh trong việc đánh giá học sinh

Ông đánh giá như thế nào về những nội dung điều chỉnh trong Thông tư 30 lần này?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Thông tư 30 ra đời ngày 28/8/2014, khi Thông tư này ra đời thực chất nó là sự chuyển đổi rất mạnh để hướng đến việc đổi mới giáo dục theo hướng toàn diện. Trước đây chúng ta thường coi trọng đánh giá điểm số, phụ huynh cũng chỉ coi trọng điểm số, khi Thông tư đưa ra sự cân bằng đánh giá bằng nhận xét với điểm số và coi trọng đánh giá bằng nhận xét, yêu cầu giáo viên không được chấm điểm trong đánh giá thường xuyên.

Đây là một định hướng mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khi đánh giá bằng nhận xét và không cho điểm, bởi bản chất của đánh giá nhận xét là đánh giá quá trình, mà bản chất của đánh giá quá trình là đánh giá tập trung phát hiện lỗi sai sót để phản hồi cho người học, và chính giáo viên sẽ nhận biết được, qua đó điều chỉnh quá trình dạy và học.

Đồng thời với cách đánh giá này còn giúp cho học sinh phát hiện ra xem mình yếu ở chỗ nào, bằng cách nào để thay đổi, đó là vì sao gọi là đánh giá vì sự phát triển của người học. Nó không quan tâm đến chuyện học sinh đạt hay chưa đạt chuẩn, đạt bằng cách nào. Đánh giá định kỳ thì khác hơn, trong khi đánh giá thường xuyên là sử dụng các công cụ phi chuẩn, có thể là lời nói, có thể là ký hiệu, có thể là câu hỏi, tất cả chỉ nhằm thu thập thông tin để hiểu rõ hơn về người học.

Đánh giá định kỳ, bản chất là đánh giá tổng kết đòi hỏi công cụ phải thiết kế theo quy trình tự chuẩn, ví dụ phải bám chuẩn kiến thức kỹ năng, và phải theo các mức. Chẳng hạn như mức biết, mức hiểu, mức vận dụng, vận dụng nâng cao; có nghĩa là tường minh và rõ ràng.

Chuẩn kỹ năng là học sinh biết làm, làm tốt, thái độ học sinh hứng thú, sẵn sàng, có sự tự tin. Trong mức đánh giá như thế thì Thông tư 30 trước đây chưa tường minh, chính vì chưa tường minh nên dẫn đến hiểu lầm của nhiều giáo viên. Chúng ta đã đề cao đánh giá bằng nhận xét nhưng lại chưa nói rõ nhận xét như thế nào để làm cho học sinh vui, nhận xét thế nào để làm cho học sinh đỡ thương tổn, để cho học sinh có niềm tin. Tôi gọi cái đó là đánh giá chạm tới trái tim.

Có một chi tiết trong nội dung điều chỉnh khiến nhiều nhà giáo băn khoăn, đó là hiệu trưởng phải tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong đánh giá học sinh. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu giáo viên chủ động đánh giá học sinh theo cách của họ, không theo mức A, B, C thì theo ông có phù hợp không?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Khi chúng ta đánh giá học sinh và Thông tư sửa đổi ban hành thì tính pháp lệnh của Thông tư buộc hiệu trưởng và giáo viên phải tuân thủ. Ví dụ quy định ba nhóm A, B, C, vậy thì giáo viên không thể tự thêm ra nhóm D. Từng người trong nhóm C có thể nhận xét người này nhiều, người kia ít, nhưng phải xác định đây là nhóm chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc nhóm cần cố gắng nỗ lực rèn luyện thêm, và phải có biểu hiện hành vi chứng minh điều đó.

Tương tự như các nhóm khác, không thể sáng tạo ra A+, A-, hay B+, B-.

Trong nội dung điều chỉnh TT 30 có quy định không được chấm điểm đối với học sinh, tuy nhiên giáo viên và phụ huynh, thậm chí là học sinh có thể ngầm hiểu các mức A, B, C sẽ là các mức điểm tương ứng?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Mỗi người có thể hiểu khác nhau về sự vật hiện tượng, chúng ta muốn họ hiểu một sự vật hiện tượng cùng một quan niệm, khái niệm là điều không dễ, nhưng đối với một văn bản thì nhóm chuyên gia cũng như giáo viên, những nhà quản lí phải giải thích khái niệm, cũng như các yêu cầu trong một văn bản thống nhất.

Vấn đề này nhóm chuyên gia kết hợp với các khoa tiểu học của các trường sư phạm sẽ tập huấn cho giáo viên, cũng như sẽ giải thích cho các trưởng phòng hiểu thống nhất.

Sẽ tập huấn đầy đủ rõ ràng tới giáo viên

Vậy những điều chỉnh lần này sẽ giúp ích cho giáo viên như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Giúp cho giáo viên tường minh hơn trong việc sử dụng phương thức đánh giá quá trình chủ yếu bằng nhận xét, mục tiêu chính là phát hiện lỗi để giúp người học tiến bộ và để phát triển hoạt động học tập. Đánh giá định kỳ giúp cho giáo viên xác định mức độ học tập, hoàn thành hay chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập so với chuẩn và hoàn thành hay chưa hoàn thành các nhiệm vụ rèn luyện khác.

Khi đã tường minh hai phương thức đánh giá trên thì giáo viên thực hiện sẽ không còn lo lắng nhiều, thứ nữa sẽ cung cấp những cách thức để giáo viên biết lượng hóa để có thể tìm ra một nhóm các em học sinh có những biểu hiện hành vi vượt trội so với chuẩn. Rõ ràng những biểu hiện đó được thừa nhận của cả tập thể thì lúc đó giáo viên có thể xếp các em đó vào nhóm A. Phương thức này cũng sẽ phát hiện ra nhóm học sinh so với chuẩn thì còn thiếu hụt,chưa làm được, cần rèn luyện nhiều hơn, và giáo viên sẽ có kế hoạch bồi dưỡng nhóm này tốt hơn.

Năm 2014, khi ban hành Thông tư 30 thì có thực trạng ở khâu tập huấn giáo viên chưa thu nhận được bao nhiêu do quá trình tập huấn bị “tam sao thất bản” dẫn đến tinh thần của Thông tư 30 chưa được hiểu cận kẽ. Lần này sẽ có các giải pháp như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Một văn bản như Thông tư 30 hay Thông tư sửa đổi khi đưa ra dư luận thì phải có định hướng, có giải thích rõ để dư luận hiểu rõ khái niệm, hiểu quan điểm chung. Sau đó phải có một lộ trình để triển khai nó, trước đây cách làm là chọn một nhóm người đi giải thích, và lúc đó chỉ tập trung giải thích được văn bản, chứ chưa làm cho người nghe hiểu được cơ sở khoa học, tâm lý học, giáo dục học và đo lường đánh giá nằm ở đâu, đặc biệt là đối với lứa tuổi tiểu học.

Vì chưa giải thích được nên chưa có cơ sở và dư luận chưa tin, chưa tin thì dẫn đến nghi ngờ, nghi ngờ thì thường không thực hiện hoặc thực hiện chống đối.

Lần điều chỉnh này chúng tôi sẽ làm cho người ta tin bằng cách; tập hợp đội ngũ chuyên gia giao cho các trường sư phạm và các khoa tiểu học thảo luận, thống nhất khái niệm, quan điểm, có những tài liệu hướng dẫn. Và chính bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp tập huấn cho cán bộ quản lí ở cấp phòng, cấp sở, cấp trường. Nhóm này thì các trường đại học sẽ đứng ra làm đầu mối, sau nữa các trường đại học cũng làm đầu mối để tập huấn cho giáo viên ở một số trường, có thể không tập huấn hết nhưng phải được số lượng lớn để tạo ra sự lan tỏa. Ngoài ra cũng có những nhóm chuyên gia đến những vùng xa, tỉnh lẻ để tập huấn cho cán bộ quản lí, cho giáo viên, không chỉ một lần mà nhiều lần.

Trân trọng cám ơn ông!

Nhật Tân

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây