Cụ bà 86 tuổi và quán cháo lòng đậu xanh hơn 30 năm nức tiếng trong ngõ sâu hun hút

Thứ ba - 14/08/2018 21:55

Cụ bà 86 tuổi và quán cháo lòng đậu xanh hơn 30 năm nức tiếng trong ngõ sâu hun hút

Quán cháo lòng Lò Sũ nằm trong một con ngõ sâu, bé tí và chật chội bởi vậy nếu ai đi qua không để ý tấm biển treo trên cao sẽ rất khó để tìm thấy.

Video cháo lòng đậu xanh nức tiếng hơn 30 năm ở phố cổ.

Viết trong tác phẩm nức tiếng “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng đã từng tả cái nhớ cháo lòng như thế này: "Một hôm trời trở gió kia, anh thấy như nhơ nhớ một cái gì xa xôi lắm lắm, kiểu cái nhớ vẩn vẩn vơ vơ lúc mới nổi ngọn gió thu... Anh tự hỏi nhớ gì: nhớ ngày vàng đã qua rồi, nhớ một cặp mắt người yêu cách biệt, hay nhớ một mối tình não nuột đã liệm vào tấm vải xô của thời gian? Không phải cả. Ta rầu rầu trong bụng, suy nghĩ vẩn vơ mãi, sau mới biết rằng “đối tượng” của sự nhớ nhung đó không có gì khác là tiết canh, cháo lòng: “À đã lâu lắm mình không thưởng thức...”.

Thậm chí, ông còn dành không ngớt lời khen, cho rằng đó là “một thức ăn thanh lịch vào bực nhất".

Quán cháo lòng Lò Sũ có tuổi đời hơn 30 năm.

Mặc dù, cháo lòng được coi là đặc sản nhâm nhi của cánh mày râu, nhưng không ít phụ nữ, học sinh, sinh viên đều yêu thích món cháo thơm ngon khác lạ, giản dị và đặc biệt này. Và để thưởng thức món cháo lòng thơm ngon, đặc sánh thì không thể bỏ qua quán cháo lòng đậu xanh trong ngõ sâu trên phố Lò Sũ với tuổi đời hơn 30 năm.

Quán cháo lòng Lò Sũ nằm trong một con ngõ sâu, bé tí và chật chội bởi vậy nếu ai đi qua không để ý tấm biển treo trên cao sẽ rất khó để tìm thấy. Không quá khi nói, đường vào quán như mê cung, rắc rối, một chốc lại ngoặt trái, rẽ phải.

Có lẽ điều đầu tiên ấn tượng với bất kỳ ai đến đó là con ngõ sâu hun hút được bố trí rải rác bếp làm dồi rán, bếp luộc lòng, bếp nấu cháo, bếp rán đậu từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Hễ chỗ nào lối rộng có diện tích gia đình lại để chiếc bàn nhỏ đặt nguyên vật liệu ở đó. Đầu ngõ là chiếc chảo bếp rán lòng, đi tiếp vào là chiếc bàn đặt dồi rán, lòng, tràng luộc và đi thêm chút nữa là nơi làm lòng. Ở cuối ngõ lại kê chiếc bàn để nước chấm, rau thơm, dưa chuột. Phòng ngồi ăn ở đây cũng được phân bố rải rác như vậy, thậm chí lên cả tầng 2.

Chính vì cách bố trí khác lạ này mà khách đến ăn lần đầu thường hoang mang để có thể tìm thấy khu vực bàn ngồi, thậm chí, không ít người nhầm lẫn và dễ có thể đi vào một nhà nào đó. Tuy nhiên, có lẽ một ưu điểm của việc bố trí này là thực khách có thể nhìn thấy toàn bộ quy trình làm hàng để có thể yên tâm khi thưởng thức.

Tuy quán nằm trong ngõ sâu nhưng cứ đến giờ trưa 11-12h là khách lại kéo đến thưởng thức, người đến và người mua mang về tấp nập.

Các món ăn ở đây đa dạng với lòng dồi rán, lòng non rán, tiết, lòng luộc, gan, thịt dải, cháo đủ cả. Mọi người có thể gọi một đĩa lòng riêng và một bát cháo lòng đậu xanh riêng để nhâm nhi thưởng thức từng thứ một hoặc mọi người có thể gọi bát cháo lòng đầy đủ như ở mọi nơi.

Quán bán theo số lượng người với giá cả bình dân. Trung bình một đĩa lòng có giá 100 nghìn với ăm ắp đủ mọi thứ, một đĩa rau sống xanh tươi, một bát cháo lòng đậu xanh thanh mát trong ngày nắng nóng chỉ 10 nghìn. Chính vì vậy, càng nhiều người đến ăn thì giá cả càng rẻ. Một người có thể gọi một đĩa lòng dành cho một người ăn và bát cháo cũng có thể no căng bụng trước khi ra về.

Lòng già, gan và cuống họng ở đây rán đủ độ giòn dai còn lòng non và tràng được luộc vừa tới, thơm ngọt, trắng phau bắt mắt. Bát cháo ở đây cũng khá ngon, đặc, sánh mượt và thơm mùi lòng, đậu xanh, rau cùng gia vị đi kèm. Nếu chẳng may mọi người múc cháo trong chiếc bát vừa chấm lòng với mắm tôm thì còn cảm nhận được thêm vị thơm ngọt của mắm tôm quyện vào tạo nên một hương vị khó quên trong bát cháo.

Có lẽ với mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau nhưng dường như quán cháo lòng ở đây cũng lột tả đầy đủ những câu văn viết về cháo lòng của Vũ Bằng: “Cháo ngon thì gan phải ngòn ngọt, ăn vào với rau mùi lại thấy thơm thơm; miếng tim nhai vào trong miệng mềm cứ lừ đi; cổ hũ giòn tanh tách; lòng tràng sậm sựt”.  

Từng miếng gan, lòng rán, lòng luộc bắt mắt, giòn, dai.

Với những người ăn nhạt, cháo lòng ở đây hơi đậm một chút.

Được biết, bà Phạm Thị Tiền là người đã xây dựng nên cửa hàng cháo lòng nức tiếng phố cổ này. Bà Tiền năm nay 86 tuổi, quê ở Thanh Oai. Trước đây, bà làm cán bộ về hưu rồi bán mía, bán bánh mì lấy chút tiền đong gạo. Sau này đến năm 1982, bà chuyển sang bán cháo lòng phục vụ mọi người. Bà bảo, tuy cháo lòng không phải lúc nào mọi người cũng thích nhưng, khi chán thịt cá, thèm thức đồ giản dị, cháo lòng là món đầu tiên mọi người nghĩ đến.

Hiện nay, mặc dù đã trao cửa hàng cho con gái tiếp quản nhưng bà vẫn thỉnh thoảng phụ giúp các con mỗi khi đông khách và bà vẫn ngồi ở đầu ngõ kể về chuyện bán cháo lòng của mình mỗi khi mọi người hỏi tới.

Đĩa lòng đầy đủ và bát cháo lòng đậu xanh là 2 món không thể không gọi khi đến quán.

Bà Tiền kể, trước đây bà bán cháo lòng chỉ có một hào một bát đầy ú ụ nhưng bây giờ giá cả lên nên bát cháo lòng cũng có giá 20 nghìn. Vì gia đình bán giá bình dân, chiều lòng nhu cầu thực khách, thậm chí, ngay cả khi thực khách chỉ hỏi mua 5 nghìn hay 10 nghìn đồng, gia đình bà vẫn múc riêng thành những bát cháo nhỏ phục vụ. Có lẽ vì thế, suốt hơn 30 năm nay mọi người vẫn yêu quý đến với quán của bà.

Theo bà Tiền, để món cháo lòng ngon, bà đều phải tự tay chọn lòng, chỉ mua phần ngon, loại 1 chứ không mua cả bộ. Chính vì vậy, lòng nhà bà luôn trắng, ăn không bị đắng, lòng, tràng, dạ dày giòn sần sật. Ngoài lòng luộc, gia đình bà còn làm lòng rán dai, giòn khoái khẩu phục vụ thực khách.

Cháo nấu, bà cũng phải quan trọng từng khâu từ nước xương ninh cháo đến chọn gạo, ninh sao cho cháo sánh mượt, thơm mùi lòng, đậu xanh thanh mát.

Lòng được để riêng ra đĩa để mọi người có thể chấm với nước mắm hoặc mắm tôm hay có thể ăn cùng với cháo theo tùy sở thích.

Chia sẻ thêm, một người con của bà cho biết, mỗi ngày mọi người phải dậy từ 6h sáng làm hàng phục vụ khách đến 3h chiều.

“Với lòng khâu sơ chế rất quan trọng, gia đình mình phải mua lòng loại 1 rồi bóp muối, giấm kỹ càng. Mỗi ngày nhà mình làm khoảng 20 cái dạ dày, 2 lá gan và nấu khoảng vài cân gạo bán cháo cả ngày”, con gái bà Tiền cho biết.

Con gái bà Tiền chuẩn bị hàng phục vụ thực khách ở ngoài đầu ngõ.

Nhìn con gái nói, bà Tiền lại cười tươi, bà bảo các con bà từ con dâu đến con gái, ai cũng tần tảo, khéo léo. Từ ngày để các con tiếp quản cửa hàng bà luôn cảm thấy hài lòng. Các con bà dù vất vả với hàng quán nhưng vẫn cười tươi đón tiếp thực khách, nhanh tay lấy đồ. Điều đó cũng khiến thực khách yêu mến, không ngại những sự bất tiện trong con ngõ nhỏ này.

Quán bún chả gần 100 năm nằm nép mình dưới chân cầu thang vẫn bán hết bay một tạ bún/ngày
Nằm dưới chân cầu thang một khu tập thể cũ ở Thái Thịnh nhưng quán bún chả "danh bất hư truyền" của cô Kim Anh gần 100 năm qua vẫn luôn tấp nập người...
Bấm xem >>
Theo Hồng Nhung - Trung Đức (Khám phá)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây