Mẹ 8x mang hồn hoa vào bánh trung thu truyền thống, ai nhìn cũng ngỡ ngàng tưởng tranh vẽ

Thứ sáu - 14/09/2018 12:43

Mẹ 8x mang hồn hoa vào bánh trung thu truyền thống, ai nhìn cũng ngỡ ngàng tưởng tranh vẽ

Kể từ khi từ bỏ công việc kiến trúc sư để làm bánh cũng là lúc chị Thủy tìm hiểu về cách làm bánh Trung thu. Trung thu của chị bây giờ không còn là những ngày háo hức đốt đèn hạt bưởi, thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo mà là những ngày tất bật làm bánh trả khách.

Cận cảnh chiếc bánh Trung thu truyền thống được thổi hồn nghệ thuật.

“Bánh trung thu được ví von là một cô gái đủ đẹp về ngoại hình và đủ bí ẩn để tìm hiểu sâu bên trong”, đó là những đúc kết của chị Nguyễn Thủy (SN 1986, Hà Nội) suốt 6 năm bước chân vào giới làm bánh homemade, đặc biệt làm bánh Trung thu . Chính "cô gái" có tâm hồn bí ẩn ấy khiến chị Nguyễn Thủy đắm say và hút hồn theo suốt bao năm qua.

Chị Thủy trong một buổi quay hướng dẫn dạy làm bánh Trung thu handmade.

Những chiếc bánh Trung thu được chị Thủy (Mẹ Nghé) thổi hồn nghệ thuật bằng bàn tay của mình.

Tự nghĩ công thức làm bánh Trung thu nhân đậu xanh theo cách riêng của mình

Chị Nguyễn Thủy được biết nhiều trong giới làm bánh homemade với những chiếc bánh hoa kem bơ, number cake,… đẹp mê li và đầy tính nghề thuật. Thế nhưng, bánh Trung thu lại mới là những chiếc bánh chị tâm huyết nhất và mất 6 năm để tìm hiểu, sáng tạo về chúng sau khi từ bỏ công việc kiến trúc sư mà nhiều người mơ ước.

Chị Thủy tâm sự, ngay từ khi chuyển sang công việc làm bánh chị đã đam mê và muốn tìm hiểu về chiếc bánh Trung thu. Tuy nhiên vì không phải con làng nghề, mọi thứ đều mới mẻ và phải tự tìm hiểu nên chị đã gặp không ít khó khăn, số lần thất bại cũng không kể xiết. Chính vì vậy, chị vẫn luôn ví von rằng “chiếc bánh Trung thu là một cô gái đủ đẹp về ngoại hình nhưng lại đủ bí ẩn để tìm hiểu sâu bên trong”, càng tìm hiểu chị lại càng yêu thích và đam mê với nó.

“Bánh Trung thu dễ làm chỉ cần có công thức đã có thể đạt thành công ở mức 70-80% và có một thỏa mãn nhất định ngay lần đầu tiên làm nhưng càng tìm hiểu lại càng hứng thú hơn. Trước đây, mình vẫn nghĩ bánh Trung thu chỉ có thể mua ngoài hàng nhưng không ngờ, mình đã có thể tự tay làm ra chúng”, chị Thủy cười chia sẻ.

Chị Nguyễn Thủy (ở giữa) dạy học viên làm bánh Trung thu. 

Chọn con đường làm bánh khác với mọi người như chị nói là “không giống ai” nên suốt 6 năm qua chị luôn tự tìm hiểu, sáng tạo một mình. Chị Thủy bảo, thành công mà chị ưng ý và tâm huyết nhất đến bây giờ là làm công thức bánh Trung thu nhân đậu xanh không bột, không mạch nha. Từ đó chị luôn lấy những công thức này làm nền để tìm ra công thức nhân mới. Thế nhưng đến bây giờ, chị vẫn luôn suy nghĩ về một câu nói của một học viên cho rằng chị dạy không có tâm và không đánh giá cao công thức mà chị bỏ công sức nghiên cứu.

“Đó là hồi đầu mình đi dậy làm bánh, khi ấy mình đã rất băn khoăn sao mình tâm huyết theo đuổi 3 năm trời mà người ta không đánh giá cao và không cảm thấy có giá trị. Bản thân là một người háo thắng nên đó là một cú sốc rất lớn với mình.

Tuy nhiên sau này khi được tiếp xúc với nhiều bạn hơn, trong đó có nhiều người có kiến thức và được trải nghiệm, test nhiều khen nhân đậu xanh thì đó là niềm hạnh phúc lớn đối với mình, thành quả của mình đã có nhiều người công nhận”, chị Thủy mỉm cười.

Không phải là khuôn truyền thống, những chiếc bánh dẻo được in hoa văn và được làm màu bằng những nguyên liệu thiên nhiên. 

Video bánh dẻo. 

Từ chối hàng nghìn đơn hàng để làm bánh Trung mang hương vị cổ truyền nhưng vẫn đầy nghệ thuật

Chia sẻ về sự nghiệp kinh doanh bánh Trung thu của mình, chị Thủy cho biết, ngay từ năm đầu tiên làm bánh, mặc dù tay nghề còn chưa tốt nhưng chị đã nhận được 100 đơn hàng từ bạn bè, người thân. Ở thời điểm bấy giờ, con số 100 bánh đối với chị quá lớn, là một sự “vi diệu” bởi từ trước chị luôn nghĩ bánh Trung thu là chiếc bánh chỉ có thể mua được ngoài hàng.

Cũng kể từ đó, chị gắn bó với những chiếc bánh mỗi dịp tháng 8 về. Như chị vẫn nói vui là “thèm tiền” nên những năm trước đây chị không nỡ từ chối khách nào và lao đầu vào làm từ sáng đến tối muộn để kịp trả bánh cho khách.

Mỗi ngày chị phải làm 18-20h/ngày trong vòng 1 tháng để kịp, thậm chí chị đam mê đến nỗi phải gửi chồng và con về quê để chuyên tâm làm bánh Trung thu. Mặc dù thu nhập tháng cao nhất từ bán bánh và đi dạy lên đến 100 triệu nhưng năm nay, chị đã từ chối vài nghìn đơn hàng để chuyên tâm làm vài trăm set bánh theo ý tưởng của mình. Dẫu có chút tiếc nuối nhưng chị bảo, đó là cách để chị lấy lại cảm xúc, niềm vui vẻ với nghề bởi nếu cứ tiếp tục như trước chị sẽ không còn được yêu nghề và tâm huyết với nghề nữa.

“Năm nay, mình đã từ chối 1000-2000 bánh để nhận 500 đơn hàng theo set. Mình cũng làm với số lượng nhất định, mỗi mẻ bánh mình chỉ làm 100 bánh không ít không nhiều hơn. Một mẻ mình làm trong 5 ngày sau đó sẽ nghỉ một ngày để có đủ cảm xúc và sức khỏe làm tiếp”, chị Thủy chia sẻ.

Với những chiếc bánh Trung thu nhân đậu xanh chị phải mất một ngày để sên nhuyễn nhân. 

Nhìn mỗi chiếc bánh Trung thu của chị Thủy làm, nó không chỉ đơn giản là chiếc bánh mà còn là bức tranh nghệ thuật mà chị truyền tải vào. Chị Thủy tâm sự, chị tập trung vào làm những set bánh này để phô diễn được kỹ thuật của mình bởi chị muốn mỗi chiếc bánh sẽ là một bức tranh hòa quyện trong tổng thể, hòa hợp với nhau.

“Cách trang trí bánh Trung thu mình đã tham khảo rất nhiều nguồn và tự sáng tạo tìm hiểu. Những chiếc bánh mình trang trí, mình đưa cảm xúc của mình về một ai đó vào. Set sen đỏ mình đang bán cũng lấy cảm hứng từ một chị bạn, từ cảm xúc của mình dành cho chị, chút gì đó mạnh mẽ, bí ẩn, quan tâm và đầy chiều sâu.

Mình muốn khách hàng cũng cảm nhận được giống như mình. Nền bánh giống như vẽ tranh với những họa tiết nổi còn cả set bánh là một bức tranh tổng thể, hòa hợp với điểm nhấn chính phụ nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp trong từng chiếc bánh”, chị Thủy mỉm cười.

Mỗi chiếc bánh Trung thu được in hoa văn như một bức tranh đồng quê.

Mặc dù đầu tư về trang trí để nâng tầm chiếc bánh Trung thu nhưng đối với chị Thủy, hương vị truyền thống mới làm nên hồn cốt của chiếc bánh. Chính vì vậy, trong cơn sốt làm các nhân bánh hiện đại, chị vẫn trung thành với nhân bánh truyền thống. Mỗi một nhân bánh là sự cẩn thận, tỉ mỉ của chị từ khâu chọn nguyên liệu, đến làm nhân, nướng bánh. Đặc biệt, việc làm màu cho bánh cũng đều được chị sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên từ rau củ: màu xanh của hoa đậu biếc, màu tím của khoai môn,....

Bên cạnh đó, ngoài tìm hiểu thêm các dòng bánh hiện đại, nước ngoài như Đài Loan, Malaysia, Singapore,...  chị còn tiếp tục tìm hiểu chiếc bánh Trung thu cổ truyền Việt Nam để bổ trợ nhiều hơn cho chiếc bánh Trung thu mà mình đang theo đuổi. Chị muốn những chiếc bánh Trung thu của mình vừa mang đậm hương vị cổ truyền nhưng vẫn đầy tính nghệ thuật ở đó.

Nhiều người sẽ cảm nhận được nét mềm mại, tỉ mỉ trong từng chiếc bánh của chị Thủy từ hương vị của chiếc bánh đến hình thức. 

Bánh trung thu handmade đã cứu bánh truyền thống quay trở lại

Chia sẻ về việc mọi người đang quay trở về chiếc bánh Trung thu truyền thống nhiều hơn, chị Thủy khẳng định chiếc bánh handmade sẽ không hề bị ảnh hưởng bởi những chiếc bánh handmade hiện nay được làm bởi máy móc không hề kém cạnh bất kỳ xưởng nào. Chị cũng nhấn mạnh, chính những người làm bánh handmade đã kéo chiếc bánh truyền thống quay trở về với mọi người mà không phải là các làng nghề.

“Bánh truyền thống được nhiều người tiêu dùng quay trở lại vì do các mẹ làm bánh handmade bán bằng sự uy tín của mình, chứ không phải người làng nghề giúp chiếc bánh truyền thống quay trở lại.

Mình cảm thấy hiện nay, bánh hiện đại, công nghiệp đang bị lép vế nhất, còn bánh handmade, homemade, số lượng người làm tăng lên theo cấp số nhân hàng năm. Họ sẵn sàng đầu tư đi học một khóa học để sở hữu công thức không kém cạnh các chef mà giới làng nghề không làm được.

Ngoài ra, họ sẵn sàng đầu tư máy móc vì đam mê với nghề, mua những nguyên liệu chất, tốt làm và bán bằng sự uy tín cá nhân mình vì họ bán cho những người thân quen.

Bên cạnh đó, dân homemade không chuyên nên luôn lấy công làm lãi và nhiều khi lỗ mà không biết, điều đó rất có lợi với người tiêu dùng.

Vì làm nhỏ lẻ nên họ luôn có một sự sáng tạo, trong khi đó những người làm làng nghề chỉ hơn ở kinh nghiệm. Đó chính là điều giúp bánh handmade đang và sẽ phát triển trong những năm tới”, chị Thủy chia sẻ.

Nhân bánh thập cẩm được chuẩn bị khá lâu, ít nhất 3 ngày. Mọi công đoạn đều làm bằng tay và khoảng thời gian nướng được chú ý cẩn thận.

Chiếc bánh Trung thu trở nên sống động và đẹp mắt hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe với những nguyên liệu thiên nhiên.

Không thể phủ nhận, người làm bánh homemade cũng có một vài vấn đề nhưng chị Thủy khẳng định đó không phải là tất cả, chị tin rằng chiếc bánh Trung thu homemade còn phát triển trong 1-2 năm nữa và chắc chắn chiếc bánh handmade, homemade sẽ lấy được lòng tin, sự yêu thích của mọi người bởi sự sáng tạo của cộng đồng handmade, mỗi một cây tăm nhỏ gộp lại để tạo thành một cây thông lớn.

Và chị cũng sẽ cố gắng góp một phần nhỏ nâng tầm chiếc bánh Trung thu trở thành tác phẩm nghệ thuật, mang đến cho mọi người chiếc bánh không chỉ ngon mắt, ngon miệng mà còn an toàn, tốt cho sức khỏe.

Tiệm bánh trung thu của con dâu hiếu thảo hơn 30 năm giữ hương vị truyền thống từ mẹ chồng
Tự nhận bánh Trung thu nhà mình "Vứt ra đường cũng không ai thèm nhặt" thế nhưng bao năm qua, cô Thủy vẫn phải "đầu tắt mặt tối" làm những mẻ bánh mỗi...
Bấm xem >>
Theo Hồng Nhung (Ảnh: NVCC) (Khám phá)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây